Ngành khai thác vi cá bùng nổ thời giãn cách xã hội

10/07/2020 - 06:04

PNO - Ngay cả khi nền kinh tế thế giới suy giảm và các nhà hàng đóng cửa, nhu cầu về vi cá vẫn tăng trưởng mạnh mẽ. Khi việc tiêu thụ vi cá dừng lại, việc giết cá mập trên toàn thế giới mới dừng lại

Vào tháng 5/2020, cảnh sát Hồng Kông thu giữ hơn 26 tấn vi cá trị giá 1,1 triệu USD. Vụ việc cho thấy, ngay cả khi nền kinh tế thế giới suy giảm và các nhà hàng đóng cửa, nhu cầu về loại thực phẩm này vẫn tăng trưởng mạnh mẽ.

Ngành thương mại sinh lợi

Tại phố Sai Ying Pun - trung tâm buôn bán hải sản khô Hồng Kông - hầu hết các tủ kính trưng bày đều có vây (vi) cá mập ở mọi hình dạng và kích cỡ. Vi cá mập có giá tới 877 USD (hơn 20 triệu đồng) mỗi 600g và Hồng Kông là nhà nhập khẩu vi cá mập lớn nhất thế giới, chiếm khoảng một nửa giá trị thương mại toàn cầu của ngành. Số vi cá bán ở Sai Ying Pun đến từ hơn 100 quốc gia và 76 loài cá mập, cá đuối khác nhau, một phần ba trong số đó đang bị đe dọa tuyệt chủng.

Vi cá mập được trưng bày trong các tủ kính tại một cửa hàng ở Hồng Kông Ảnh: EPA
Vi cá mập được trưng bày trong các tủ kính tại một cửa hàng ở Hồng Kông Ảnh: EPA

Vào tháng Năm, lực lượng hải quan đã thực hiện vụ bắt giữ vi cá mập lớn nhất trong lịch sử Hồng Kông với hai container vận chuyển từ Ecuador, ước tính cắt ra từ 38.500 con cá mập còn sống. Nhiều quốc gia và một số điều ước quốc tế nghiêm cấm khai thác vi cá mập, nhưng việc bán và tiêu thụ vi cá vẫn hợp pháp ở Hồng Kông.

Được xem như một biểu tượng thịnh vượng, vi cá thường có mặt trong món xúp tại đám cưới và tiệc gia đình. Andrea Richey - Giám đốc điều hành của Hong Kong Shark Foundation (HKSF), một tổ chức phi chính phủ địa phương - cho biết: “Hương vị chỉ đến từ nước xúp chứ không phải vi cá mập. Mọi người thích có vi cá và vì nó là một mặt hàng xa xỉ, thể hiện sự giàu có và địa vị”.

Các vụ bắt giữ hàng hóa bất hợp pháp đang gia tăng nhờ sử dụng nhận dạng DNA, nhưng các nhà phê bình cho rằng, chính phủ chưa làm đủ biện pháp cần thiết để ngăn chặn hành vi này.

Điểm mấu chốt nằm ở nhận thức

Theo Richey, nếu được hỏi, rất nhiều chủ cửa hàng không biết họ đang bán loại vi cá mập nào và có vi phạm pháp luật hay không. Vì vậy, các nhà vận động cho rằng, chính quyền nên dừng giao dịch và đưa tất cả cá mập vào danh sách được bảo vệ.

Dù là ngành khai thác béo bở, lợi nhuận thực tế lại không nằm trong tay ngư dân. Madison Stewart - nhà bảo tồn làm việc tại Indonesia, quốc gia bắt cá mập lớn nhất thế giới - đã thành lập “Dự án Hiu” (dự án cá mập trong tiếng địa phương) vào năm 2018 để cố gắng giúp ngư dân ngừng đánh bắt cá mập, chuyển sang cung cấp hoạt động du lịch trên biển.

Stewart chỉ ra rằng, việc khai thác vi cá mập cũng là một hình thức bóc lột ngư dân. Trong chuyến đi kéo dài hai tuần, thủy thủ đoàn năm người bắt được hơn 50 con cá mập nhưng mỗi người chỉ kiếm được 66 USD.

Alex Hofford - nhà tư vấn buôn bán động vật hoang dã độc lập - nhận định, với sự chú ý của truyền thông tập trung vào đại dịch COVID-19 và luật an ninh mới ở Hồng Kông, việc buôn bán vi cá mập ít thu hút sự chú ý hơn bình thường. Mặt khác, Indonesia vẫn chìm trong khủng hoảng vì đại dịch, ngành du lịch đình trệ buộc ngư dân quay lại kiếm sống bằng nghề đánh bắt cá.

Richey nói: “Những gì bạn thấy trong các cửa hàng ở đây chỉ là phần nổi của tảng băng. Đây là một vấn đề toàn cầu. Chúng tôi muốn mọi người hiểu rằng, khi việc tiêu thụ vi cá dừng lại, việc giết cá mập trên toàn thế giới mới dừng lại”. 

Linh La (theo Guardian, Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI