PNO - PN - Nhiều giáo viên xin trở lại làm “lính” ngay sau thời gian được đề bạt làm “sếp”, thậm chí từ chối khi được tham khảo ý kiến để bổ nhiệm chức vụ ở phòng và sở. Chuyện tưởng như đùa lại có thật ở ngành giáo dục...
edf40wrjww2tblPage:Content
Sau khi xin thôi không làm Hiệu trưởng Trường Núi Cấm, thầy Huỳnh Văn Vui hài lòng đứng lớp tại Trường Nguyễn Văn Trỗi
Năm học 2010-2011, cô Lê Thị Minh Kim, giáo viên (GV) giỏi nhiều năm liền của Trường tiểu học Lê Lợi, được đề bạt giữ nhiệm vụ phó hiệu trưởng. Với nhiều người, đó là sự đánh dấu của thành đạt và không phải giáo viên nào cũng có được, bởi đây là trường “đẳng cấp” của TP. Long Xuyên, An Giang. Tuy nhiên, chỉ sau đúng một năm, cô Kim đã làm đơn xin được thôi chức, trở lại vị trí GV đứng lớp.
“Lúc nhận đơn và nhìn thấy sự cương quyết trên gương mặt của Kim, tôi không khỏi bất ngờ”, thầy Đặng Hoàng Nam, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Lợi nhớ lại: “Bởi cô Kim làm rất tốt công việc của phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn và cũng không hề có biểu hiện bất mãn hay bất hòa nào”. Trao đổi với chúng tôi, cô Kim khẳng định: “Không phải bất mãn và cũng không phải do không đủ năng lực đảm đương công việc”. Sau nhiều lần vận động, thuyết phục bất thành, thầy Nam đề nghị và được Phòng GD-ĐT TP. Long Xuyên chấp thuận cho cô Kim thôi làm phó hiệu trưởng. Hiện cô Kim rất vui vẻ và gắn bó với công việc của GV trực tiếp đứng lớp.
Trước đó, năm 2007, thầy Huỳnh Văn Vui đã từng làm đơn xin thôi chức hiệu trưởng trường THCS Núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang) sau hai năm được bổ nhiệm. Hiện thầy Vui đang rất hạnh phúc với công việc giảng dạy môn vật lý tại Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (xã An Phú, huyện Tịnh Biên). Thực tế ở các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp cho thấy, không phải địa phương nào cũng muốn công khai hóa “nghịch lý này” và vì nhiều lý do “tế nhị” nên cũng không phải ai cũng được xét cho “thôi làm… lãnh đạo”. Theo ông Phan Văn Sơn, Trưởng phòng Tổ chức-cán bộ Sở GD-ĐT An Giang, ở những vùng nông thôn, tâm lý sợ làm lãnh đạo nhà trường là khá phổ biến.
Theo ông Lê Văn Hùng, Trưởng phòng Tổ chức-cán bộ Sở GD-ĐT Kiên Giang, có nhiều nguyên nhân dẫn đến nghịch lý này, nhưng cơ bản là do bất cập trong chính sách phụ cấp chức vụ cho người làm công tác quản lý. Nói chính xác hơn là càng lên chức, càng mất quyền lợi. Theo quy chế phân cấp tự chủ hiện nay, trách nhiệm của lãnh đạo trường rất lớn, công việc rất nhiều, nhưng chế độ đãi ngộ thì không tương xứng, thậm chí là giảm so với vị trí trước khi được bổ nhiệm.
Ông Hùng đưa ra ví dụ: So với GV bình thường, người phụ trách tổ trưởng chuyên môn rất cực, nhưng mỗi tháng chỉ được hưởng thêm mức phụ cấp là 0,2. Và cùng là cán bộ quản lý, nhưng mức phụ cấp của hiệu trưởng và hiệu phó chỉ cao hơn tổ trưởng 0,1 - 0,3, tức tương đương khoảng 100.000-200.000đ/tháng. Làm hiệu trưởng, hiệu phó, chỉ riêng khoản chi phí đi lại, dự giờ các điểm trường ít nhất một lần/tuần, cũng vượt xa với mức phụ cấp. Đặc biệt như Trường tiểu học Vĩnh Điều B (xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành, Kiên Giang), điểm trường cách đường chính đến 20km, lại có nhiều điểm phụ nằm sâu trong vùng trũng của tứ giác Long Xuyên nên mưa đến là phải thuê đò đi. Tính toán sơ bộ, chỉ riêng chi phí đi lại mỗi tháng đã ngốn đến bạc triệu. Theo quy định tài chính hiện hành, những khoản chi này đều không được thanh toán. Trong khi đó, với GV, sau khi rời lớp, họ còn có thời gian để làm kinh tế phụ.
Nụ cười đã trở lại trên gương mặt của cô giáo Lê Thị Minh Kim, hiệu phó Trường Lê Lợi
Tuy nhiên theo ông Hùng, “nếu GV sợ được bổ nhiệm làm lãnh đạo trường 10 thì lãnh đạo trường sợ được bổ nhiệm làm lãnh đạo phòng, sở đến 100. Nguyên do, ngoài việc mất cơ hội hưởng chế độ dành riêng cho các trường, như nhà công vụ, người được bổ nhiệm còn mất thêm chế độ phụ cấp. “Nếu một hiệu trưởng được điều động làm phó phòng GD-ĐT, chỉ được hưởng 25% phụ cấp công vụ, nhưng họ sẽ mất từ 30-40% tổng quỹ lương so với mức mà họ được hưởng trước đó”, ông Hùng nhấn mạnh.
So với vài năm trước, sự bất cập này chẳng những không giảm mà ngày càng nhiều thêm bởi họ còn mất thêm khoản tiền không nhỏ từ phụ cấp thâm niên nghề trong đó mỗi năm được tính tương ứng với 1% lương. Ông Hùng đưa ví dụ: một GV cấp I có thâm niên 15 năm, bình thường sẽ được hưởng phụ cấp đứng lớp 40% và phụ cấp thâm niên nghề là 15%, vị chi là 55%. Nhưng nếu được điều động về phòng GD-ĐT thì chỉ còn được hưởng 25% phụ cấp công vụ. Ngoài ra, còn nhiều bất cập trong xét duyệt danh hiệu Nhà giáo ưu tú, học tập sau đại học, giữa “lính” và “sếp”…
Tùng Hương
Đừng đợi mất bò rồi mới lo…
Bà Nguyễn Thị Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang nói: “Thật ra chúng tôi đã nhìn ra và nhiều lần lên tiếng với những bất cập này, nhưng tiếc là đến nay vẫn chưa có thay đổi khả quan. Phải sớm có biện pháp giải quyết vấn đề một cách căn cơ, khoa học. Đừng để mất bò mới lo làm chuồng”. Thực tế cho thấy, lâu nay công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ ngành GD-ĐT đã và đang rất chắp vá. Do không có sự chuyên nghiệp trong khâu đào tạo, nên rất khó đòi hỏi ở họ sự chuyên nghiệp trong điều hành công tác quản lý. Do vậy khi gặp thêm sự bất cập về chính sách đãi ngộ là dễ “đổ vỡ”… Vì thế, bên cạnh giải pháp tình thế: tăng ưu đãi theo hướng cân đối cống hiến, đãi ngộ để người làm công tác quản lý gắn bó với công việc… Về lâu dài, cần định hướng cán bộ quản lý ngành theo hướng chuyên nghiệp hóa cả về đào tạo lẫn chế độ chính sách.