PNO - Đường phố vắng hoe, các phim trường và rạp chiếu phim tại Trung Quốc “cửa đóng then cài”, nhiều show diễn âm nhạc, thời trang phải tạm hoãn hoặc hủy bỏ…
Theo Reuters, hơn 70.000 rạp chiếu phim trên khắp Trung Quốc đã đóng cửa khi chính phủ Trung Quốc phát đi tình trạng khẩn cấp của Covid-19 vào ngày 22/1. Ngay sau đó, bảy bộ phim Hoa ngữ dành cho tết Nguyên đán - thời điểm “hốt bạc” của các phòng vé - gồm Boonie Bears: The Wild Life, Khương Tử Nha: Nhất chiến phong thần, Lost in Russia, The Rescue, Detective Chinatown 3, Leap, Vanguard cũng được các nhà sản xuất chủ động hoãn chiếu. Ở các thành phố ít bị ảnh hưởng, rạp phim vẫn hoạt động bình thường, nhưng các nhà rạp được yêu cầu phải treo poster và phát các đoạn phim ngắn hướng dẫn người dân phòng bệnh. Mặc dù vậy, các chuỗi rạp hàng đầu Trung Quốc như Wanda, CGV, Bona, Lumiere, Dadi… đã chủ động ngưng hoạt động cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
Điều này khiến doanh thu phòng vé Trung Quốc vào ngày đầu tiên của năm mới âm lịch chỉ đạt hơn 1,8 triệu NDT, chưa bằng 1% so với ngày đầu năm 2019. Mùa tết Nguyên đán 2019, doanh thu phòng vé Trung Quốc đạt 5,8 tỷ NDT (khoảng 830 triệu USD). Tencent Entertainment thống kê, tỷ lệ khán giả đến rạp trung bình vào dịp tết 2020 ở mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
Phim Enter the fat dragon có Chân Tử Đan đóng (ảnh) chuyển từ chiếu rạp qua chiếu mạng
Scandal trốn thuế của Phạm Băng Băng vào năm 2018 và tình hình kiểm duyệt gắt gao trước đó, cộng với căng thẳng leo thang trong cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ đã khiến thị trường điện ảnh Trung Quốc chao đảo vào năm 2019, nhiều dự án phim bị cấm chiếu vĩnh viễn hoặc phải cắt sửa không thương tiếc. Cộng thêm tình hình dịch bệnh đang ngày một diễn biến phức tạp, các chuyên gia dự báo, điện ảnh Trung Quốc sẽ mất một khoảng thời gian khá dài để hồi phục. Năm 2003, khi đại dịch SARS bùng phát tại Trung Quốc, các rạp phim đã phải đóng cửa im lìm trong suốt 5 tháng, doanh thu mang về chỉ đạt 9 triệu NDT.
Tình hình tại các phim trường cũng không khả quan hơn. Hoành Điếm và Tượng Sơn, hai phim trường lớn nhất Trung Quốc phải đóng cửa và dừng tất cả các hoạt động quay phim, tham quan thắng cảnh. Chính quyền các tỉnh Trùng Khánh, Hải Nam… cũng đã ra thông báo cấm các đoàn phim hoạt động trong thời gian dịch bệnh. Theo thống kê của Sina, tính đến thời điểm hiện tại đã có 20 đoàn phim phải dừng quay, gây thất thoát hàng tỷ NDT. Giới chuyên gia ước tính, sản lượng phim điện ảnh và truyền hình giảm ít nhất 1/4 so với năm 2019.
Hủy bỏ các sự kiện ngoại tuyến
Các live show ca nhạc lớn nhỏ, chương trình đại nhạc hội của các ngôi sao như: Lưu Đức Hoa, Lê Minh, Thái Y Lâm, Đới Bội Ni, Dương Thừa Lâm, Trần Dịch Tấn… cũng phải tạm hoãn và hoàn trả tiền vé cho khán giả, khiến các công ty tổ chức sự kiện đau đầu.
Tuần lễ thời trang Thượng Hải dự kiến diễn ra trong tháng 3/2020 cũng phải hoãn lại, chờ tình hình kiểm soát dịch bệnh. Nhiều nhà thiết kế Trung Quốc buộc phải hủy ra mắt show tại các tuần lễ thời trang quốc tế do không được di chuyển khỏi Trung Quốc và không làm kịp tiến độ do công nhân nghỉ việc. Điển hình là hai nhà mốt Angel Chen và Ricostru hủy ra mắt bộ sưu tập tại Tuần lễ thời trang Milan (Italy). Các ngôi sao hàng đầu Trung Quốc cũng không thể đến góp mặt tại Tuần lễ thời trang New York 2020 vừa diễn ra vào cuối tuần trước.
Các thương hiệu thời trang quốc tế tại Trung Quốc đã đóng cửa tạm thời hoặc tạm dừng hoạt động. Tính đến ngày 4/2, Uniqlo đã đóng cửa 130 cửa hàng trong tổng số 750 tại thị trường này. Levi’s, Nike ngừng hoạt động một nửa số cửa hàng, xưởng sản xuất của Gap cũng đóng cửa để đảm bảo an toàn cho nhân viên. Sức mua các mặt hàng xa xỉ giảm đáng kể khiến ngành thời trang xa xỉ lao dốc không phanh. Doanh số bán hàng của Christian Dior sụt giảm 2,3% tại Paris, Tập đoàn Kering (chủ sở hữu thương hiệu Gucci và Yves Saint Laurent) mất hơn 4%, cổ phiếu LVMH và Burberry giảm 3%, Richemont giảm gần 5,5%. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi Trung Quốc hiện chiếm 33% chi tiêu toàn cầu đối với các mặt hàng, dịch vụ xa xỉ, theo thống kê của Bain & Co vào năm 2018.
Nỗ lực tìm lối thoát
Dịch bệnh truyền nhiễm Covid-19 đã để lại ảnh hưởng nặng nề cho nền giải trí đại lục, nhưng lại mở ra cơ hội làm ăn cho các đơn vị cung cấp nền tảng giải trí trực tuyến. Do hạn chế ra ngoài, để giết thời gian, người Trung Quốc chuyển sang chơi game hoặc xem các chương trình, phim ảnh trên nền tảng trực tuyến.
Khán giả hoan nghênh nhiệt liệt động thái này của các nhà sản xuất nhưng các rạp phim thì không. Họ lo ngại với lập luận, việc bán bản quyền trực tuyến các bộ phim sẽ hủy hoại ngành công nghiệp điện ảnh. Nhưng, biết sao được khi đây gần như là lối thoát duy nhất, trong tình hình tất cả các hoạt động giải trí đều bị đóng băng.
Một số hãng phim đã quyết định bắt tay với các đơn vị cung cấp dịch vụ giải trí trực tuyến để đưa các phim tết đến với người xem thay vì cất kho. Bộ phim tết đầu tiên được chiếu miễn phí trên mạng là Lost in Russia (Lạc lối ở Nga) của hãng Huanxi Media, dù được làm khá tốn kém: 300 triệu NDT. ByteDance - đơn vị đứng sau các ứng dụng ăn khách như TikTok, Douyin, Jinri Toutiao, Xigua Video, Huoshan Video đã chi 630 triệu mua bản quyền phim Lost in Russia. Tính từ khi ra mắt trên mạng vào ngày 25/1 vừa qua, Lost in Russia đã thu hút 600 triệu người xem trong khi bộ phim Trung Quốc ăn khách nhất trước thời điểm dịch là Sheep Without a Shepherd chiếu 44 ngày có 35 triệu người xem.
Sau Lost in Russia, đến lượt phim Enter the Fat Dragon có Chân Tử Đan đóng dự tính ra rạp ngày 14/2 cũng đã chiếu trên nền tảng video iQiyi từ ngày 1/2. Tuy nhiên, phim không chiếu miễn phí mà các thuê bao thành viên phải trả 6 NDT, không phải thành viên trả 12 NDT. Việc được xem miễn phí hoặc chỉ phải trả một số tiền nhỏ, trong khi ra rạp tiền vé là 70 NDT đã khiến đơn vị kinh doanh rạp lo ngại bởi rất có thể, sau khi dịch bệnh được đẩy lùi, khán giả sẽ bỏ luôn thói quen đến rạp xem phim.
Ở mảng âm nhạc, các nền tảng video ngắn như Kuaishou, Douyin tranh thủ bắt tay với các phòng trà, hộp đêm để truyền phát trực tiếp các sô diễn. Tuần rồi, buổi chơi nhạc kéo dài bốn tiếng của các DJ nổi tiếng tại một hộp đêm ở Thượng Hải phát live trên Douyin đã thu hút 71.000 người xem, thu 700.000 NDT, một hộp đêm khác thu 2 triệu NDT cho buổi diễn dài năm tiếng của các DJ. Trang chia sẻ video nổi tiếng Bilibili hợp tác với ban tổ chức liên hoan âm nhạc Strawberry tổ chức chuỗi chương trình âm nhạc trực tuyến Stay at Home Strawberry khi liên hoan năm nay bị hủy vì dịch bệnh. Hiệu quả cũng đáng khích lệ khi có ngày thu hút đến 480.000 view.
Tuy nhiên các hãng kinh doanh trò chơi điện tử mới là người hưởng lợi lớn nhất thời dịch bệnh. Tựa game mobile Honor of Kings của Tencent hiện dẫn đầu bảng xếp hạng với số người dùng hàng ngày vượt qua 100 triệu trong kỳ nghỉ tết Nguyên đán, trong khi thông thường chỉ có 60-70 triệu người chơi/ngày. Một tựa game khác của Tencent là Game for Peace đã kiếm được từ 200 triệu NDT (khoảng 28,7 triệu USD) đến 500 triệu NDT chỉ riêng trong đêm giao thừa.
Tại Việt Nam, hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ Y tế trong việc phòng chống, hạn chế nguy cơ lây nhiễm trước diễn biến phức tạp của Covid-19, nhiều hoạt động vui chơi, giải trí cũng đã bị hủy bỏ hoặc tạm hoãn vào tháng Hai, tháng Ba. Phim Bí mật của gió (đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình), live show của ca sĩ Bích Phương, chương trình Elle Fashion show đều tạm gác. Mới nhất, ngày 13/2, UBND TP.HCM đã chấp thuận đề xuất của Sở Thông tin và truyền thông dời thời gian tổ chức Hội sách TP.HCM lần thứ 11, vốn dự kiến tổ chức tại Công viên Lê Văn Tám từ ngày 16 - 22/3.
Theo chia sẻ từ cụm rạp Lotte, mặc dù khó đưa ra con số chính xác do thời điểm này năm 2019 vừa xong kỳ nghỉ tết Nguyên đán, trong khi năm nay đã qua tết hơn nửa tháng, tuy nhiên thống kê cho thấy lượng người xem đến rạp giảm 20-30% và không có quá nhiều sự chênh lệch giữa các cụm rạp phía Nam và phía Bắc. Tỷ lệ này ở cụm rạp BHD là 15%.
Nhằm tiếp lửa cho Đội tuyển Bóng đá nam Quốc gia Việt Nam chinh phục ngôi vương tại trận chung kết lượt về, Ngân hàng Agribank cam kết thưởng 1 tỉ đồng...
Mở đầu trailer “Vietnamese Concert Film: Chúng ta là người Việt Nam” của Hoàng Thùy Linh, hàng loạt tựa báo từ vụ phát ngôn trịch thượng của cô xuất hiện trở lại.
3 hạng mục Phim truyền hình ấn tượng, Diễn viên nữ ấn tượng, Diễn viên nam ấn tượng của giải VTV Awards năm nay lần lượt gọi tên bộ phim "Độc đạo".