Ngành đường sắt tái cơ cấu để tìm lối đi

23/04/2022 - 07:42

PNO - Sau nhiều lần tách ra, nhập vào, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vẫn loay hoay tìm hướng đi trong bối cảnh gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các phương thức vận tải khác.

Mới đây, ngày 7/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký văn bản gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN), đồng ý về mặt chủ trương với phương án cơ cấu lại các DN và đơn vị trực thuộc tổng công ty này. Theo đó, năm chi nhánh của Xí nghiệp Đầu máy sẽ được rút gọn thành ba chi nhánh; chuyển toàn bộ hoạt động, tài sản, con người tại ba ban quản lý dự án đường sắt khu vực 1, 2, 3 về một ban; hợp nhất Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn thành Công ty cổ phần Vận tải đường sắt.

 

Từ năm 2016 đến nay, sản lượng, doanh thu và thị phần ngành vận tải đường sắt liên tục sụt giảm (trong ảnh: Hành khách đi tàu Bắc - Nam giảm mạnh sau thời gian xảy ra dịch COVID-19) - Ảnh: N.V
Từ năm 2016 đến nay, sản lượng, doanh thu và thị phần ngành vận tải đường sắt liên tục sụt giảm (trong ảnh: Hành khách đi tàu Bắc - Nam giảm mạnh sau thời gian xảy ra dịch COVID-19) - Ảnh: N.V

Ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR - cho hay, cuối năm 2016, nhận thấy sự sụt giảm nghiêm trọng về sản lượng, doanh thu và thị phần vận tải đường sắt, tổng công ty đã cổ phần hóa các công ty nhưng việc tái cơ cấu, cổ phần hóa chưa thực sự phù hợp với thực tiễn của đường sắt Việt Nam: “Do đó, việc hợp nhất hai công ty cổ phần sẽ hạn chế tối đa sự cạnh tranh nội bộ, giúp tập hợp nguồn lực các DN của VNR để nâng cao năng lực cạnh tranh với các phương thức vận tải khác trên từng khu đoạn, tuyến đường một cách hiệu quả, hạ giá vận tải, cải thiện chất lượng dịch vụ vận tải hành khách, đa dạng hóa dịch vụ vận tải, khắc phục được sự đan xen, chồng chéo khi có nhiều tổ chức, nhiều nhân lực trên cùng một địa điểm cùng thực hiện một công việc”.

Theo ông Vũ Anh Minh, sau khi hợp nhất, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt sẽ phân chia, bóc tách về tổ chức, nguồn lao động, vốn, tài sản để thành lập công ty con chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa đường sắt và tiến tới xây dựng lộ trình thoái vốn tại công ty con chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa để thực hiện mục tiêu xã hội hóa vận tải hàng hóa đường sắt. Ngoài ra, sự phân định vai trò (vận tải hàng hóa và vận tải hành khách) sẽ phát huy hiệu quả trong việc đảm bảo an sinh xã hội và an ninh, quốc phòng.

Ông cho biết, tổng công ty sẽ khẩn trương hoàn thiện phương án để trình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN phê duyệt. Nếu thuận lợi, VNR sẽ cần khoảng 8 - 10 tháng để hợp nhất và sắp xếp lại các đơn vị. Ông cũng thừa nhận, việc sáp nhập hai công ty sẽ dôi ra một lượng lao động cần giải quyết chế độ, chính sách. Cụ thể, lao động ở khối gián tiếp sẽ bị tinh giản do giảm đầu mối quản lý, giảm số phòng, ban trùng chức năng, nhiệm vụ.
Nhìn nhận ngành đường sắt không còn ở thời kỳ vàng son và đã tới lúc phải giảm định biên, ông Vũ Anh Minh cho hay, trong năm 2022, ngành đường sắt sẽ tái cơ cấu mạnh mẽ, sẽ động chạm tới quyền lợi cá nhân, tổ chức nhưng buộc phải làm để phát huy tối đa lợi thế về vận tải hàng hóa so với các phương thức vận tải khác. 

 

Nam Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI