PNO - Dù đã có những thay đổi về tư duy làm dịch vụ, vận tải đường sắt vẫn chưa đủ sức hấp dẫn số đông hành khách bởi cơ sở hạ tầng các sân ga còn nghèo nàn, tàu chạy quá chậm, giá vé đi tàu còn cao.
Nhiều ưu nhưng lắm khuyết Buổi chiều, chúng tôi có mặt ở ga Sài Gòn (quận 3, TPHCM). Khi đó, một đoàn tàu cũ kỹ đang đậu trên sân ga. Dưới cái nắng hầm hập, hành khách lỉnh kỉnh hành lý đi dọc sân ga, tìm toa tàu được ghi trên vé. Khi tàu lăn bánh rời ga, chúng tôi quay vào phòng chờ thì chỉ thấy vài ba người ngồi bấm điện thoại, ăn uống.
Hành khách lên tàu hỏa tại ga Sài Gòn. Nhiều người chọn phương tiện này một phần vì trẻ dưới 6 tuổi được miễn phí vé - Ảnh: Vũ Quyền
Ngồi chờ chuyến tàu sau, chị Giang - 25 tuổi, quê Quảng Ngãi - cho hay, vé giường nằm TPHCM đi tỉnh Quảng Ngãi khoảng 600.000-800.000 đồng/lượt, chỉ rẻ hơn vé máy bay một chút nhưng thời gian di chuyển mất khoảng 16 giờ, chậm hơn máy bay cả chục lần. Chị chọn đi tàu vì an toàn hơn đi xe khách, còn máy bay thì bất tiện do đáp xuống sân bay Chu Lai (tỉnh Quảng Nam), buộc chị phải đi xe thêm 60km để về nhà. Thường xuyên về quê bằng tàu hỏa nhưng chị lại tỏ ra ngán ngẩm về chất lượng dịch vụ trên tàu. Theo chị, một số đoàn tàu có nhà vệ sinh rất bẩn, chất lượng bữa ăn kém nhưng giá lại khá cao, tàu rung lắc nhiều nên khó ngủ, tốc độ chạy đã chậm, thỉnh thoảng lại phải chờ né đường cho tàu khác nên thường đến ga trễ hơn dự kiến khoảng 1-2 giờ. “Nếu ở Quảng Ngãi có sân bay, tôi sẽ chọn đi máy bay cho tiện” - chị nói.
Ngồi trong nhà chờ cùng vợ, ông Phạm Minh Huệ - 70 tuổi, ở tỉnh Khánh Hòa - cho biết, vợ chồng ông vào TPHCM khám bệnh, đang chờ tàu để về lại Khánh Hòa. Do tuổi cao, không tiện đi máy bay nên ông bà chọn đi tàu. Ông Huệ nhận xét, so với mấy chục năm trước, dịch vụ đường sắt hiện nay đã được cải thiện nhiều, ghế ngồi và giường nằm êm hơn, các toa khá sạch sẽ, dễ dàng mua được vé qua mạng, tàu khởi hành đúng giờ, riêng ga Sài Gòn có nhà chờ thoáng mát, sân ga có mái che. Nhưng sân ga ở nhiều tỉnh khác vẫn chưa có mái che nên việc chờ tàu rất vất vả. Ông nói: “Nếu ngành đường sắt tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng, tôi nghĩ sẽ có nhiều người chọn đi tàu”.
Sau chuyến du lịch TP Đà Nẵng bằng tàu hỏa, chị Nguyễn Thanh Bình (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) tỏ ra thích thú vì cả nhà được ngắm phong cảnh thiên nhiên miền Trung tuyệt đẹp qua cửa sổ tàu. Ban đầu, chị định đi máy bay, nhưng vé bay cho 4 thành viên hơn 10 triệu đồng nên chị mua vé tàu hỏa, tổng tiền chỉ 3,6 triệu đồng. Đến Đà Nẵng, chị chi thêm 150.000 đồng/người mua vé chuyến tàu “Kết nối di sản miền Trung”, ngắm đèo Hải Vân hùng vỹ, tàu còn dừng 10 phút ở ga Lăng Cô để du khách chụp hình. Theo chị, các toa tàu mới tiện nghi, hiện đại, nhà ga sạch sẽ, chất lượng dịch vụ trên tàu cũng tốt nhưng đường ray cũ nên tàu vẫn dằn xóc.
Hành khách chuẩn bị lên tàu hỏa ở ga Sài Gòn - Ảnh: Vũ Quyền
Cải thiện chất lượng trên “những gì đang có”
Ông Nguyễn Ngọc An - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Lữ hành Vietluxtour - đánh giá, chất lượng dịch vụ trên các toa tàu đã được cải thiện nhưng do hạ tầng đường sắt vẫn như cũ nên khó làm hài lòng hành khách. Chẳng hạn, toàn tuyến chỉ có 1 đường ray, đường ray chỉ có 1 kích thước nên thời gian di chuyển kéo dài. “Khách hàng đi theo tour của công ty đánh giá khá tốt về dịch vụ của ngành đường sắt. Nếu cải thiện được cơ sở vật chất, hạ tầng như nâng cấp khổ đường ray, có thêm các đường ray trên cao thì vận tải đường sắt sẽ thu hút hành khách mạnh hơn nữa”.
“Trong 6 tháng đầu năm 2024, đường sắt Sài Gòn đón và phục vụ gần 3,7 triệu lượt khách, tăng trên 15% so với cùng kỳ năm 2023, doanh thu cũng tăng hơn 20%”.
Ông Thái Văn Truyền - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn (SRT)
Nhưng theo ông Phạm Quý Huy - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Kiwi - công ty ông vẫn gặp trở ngại khi muốn đưa khách đi du lịch bằng đường sắt. Cụ thể, giá vé tàu tương đối cao và luôn cố định, không linh động tăng giảm theo mùa cao điểm, thấp điểm; kế hoạch chạy tàu khá cận, rất khó cho các công ty lên lịch trình tour; thời gian di chuyển của tàu cũng khá lâu. Do đó, muốn thu hút đông khách, ngành đường sắt cần có sự thay đổi về nhiều mặt.
Ông Thái Văn Truyền cho hay, SRT đã triển khai nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, chất lượng phương tiện, chuyển đổi số trong việc mua và thanh toán vé tàu, cung cấp các tiện ích cho hành khách khi đi tàu. Ngành đường sắt Việt Nam đưa vào khai thác phòng đợi tàu chất lượng cao (VIP) ở các ga Sài Gòn, Đà Nẵng, Hà Nội, tăng cường hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để đầu tư, cải tạo toa tàu.
Ông Đặng Sỹ Mạnh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) - cho rằng, thay đổi lớn nhất của ngành đường sắt vài năm qua là tư duy, đó là làm thật tốt, khai thác hiệu quả những gì đang có. Vừa qua, VNR đã chỉnh trang các nhà ga Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, đưa vào khai thác các đoàn tàu chất lượng cao, tàu du lịch, tàu đêm, mở khu cà phê hỏa xa. Ông nói: “Ngành đường sắt hướng đến việc phát triển các sản phẩm vận tải để con tàu có thể thành điểm check-in di động, nhà ga là điểm đến của văn hóa, nghệ thuật, lịch sử và di sản”. Ông thừa nhận, đường sắt vẫn còn các điểm nghẽn về hạ tầng như đường đơn, khổ 1m, nhiều kết cấu hạ tầng quá tuổi thọ, gây ra điểm xung yếu và mất an toàn. Với nguồn vốn hạn hẹp, VNR phải “liệu cơm, gắp mắm”, chọn những hạng mục xuống cấp, quá cũ để ưu tiên sửa chữa. Thời gian tới, VNR sẽ tập trung phát triển các tàu khách chặng ngắn, đầu tư phương tiện, nâng cao các dịch vụ, đồng bộ hóa dịch vụ trên tàu và dưới ga, tăng cường liên kết với các công ty du lịch.
Đoàn tàu chất lượng cao SE21/SE22 (chặng Sài Gòn - Đà Nẵng) khai trương ngày 27/4 - Ảnh: Vũ Quyền
3 yếu tố để vận tải đường sắt đông khách Để phát triển, trở thành phương tiện không chỉ phục vụ cho việc đi lại mà còn phục vụ du lịch, ngành đường sắt cần cải thiện 3 yếu tố. Thứ nhất, khi nâng cấp dịch vụ, nên phối hợp với đơn vị cung ứng dịch vụ; còn nếu ngành đường sắt tự làm dịch vụ như từ trước đến nay thì phải có bộ phận riêng quản lý về dịch vụ, học tập thêm từ các mô hình đường sắt của nước ngoài. Thứ hai, nâng cao hơn nữa sự liên kết với các đơn vị lữ hành, cung ứng dịch vụ khác để hình thành các sản phẩm du lịch gắn với ngành, từ đó góp phần gia tăng và ổn định nguồn khách. Thứ ba, cần có kế hoạch, chiến lược nâng cấp các nhà ga thành các địa điểm du lịch, check-in để thu hút khách.
Bà Phan Yến Ly - chuyên gia thiết kế sản phẩm du lịch TPHCM
Trên tàu, nên có thuyết minh về điểm đến Tàu hỏa là loại phương tiện kích thích sự tò mò trải nghiệm của du khách. Tuy nhiên, nếu chỉ chú trọng khai thác yếu tố này, khách sẽ chỉ đi 1 lần hoặc đi chặng ngắn “cho biết” rồi thôi. Do vậy, ngành đường sắt nên phối hợp với ngành du lịch tổ chức các tour chuyên đề, như hiện nay đang có tour di sản Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, TPHCM - Đồng Nai. Cần kết nối các điểm đến thành một hành trình có câu chuyện và truyền thông mạnh mẽ để thu hút khách. Lâu nay, ngành đường sắt chưa có hoạt động thuyết minh về điểm đến, do đó cần có các video, bản phát thanh để mở khi đến từng điểm, trạm để khách đi tàu có cảm giác như được trải nghiệm một tour du lịch trên tàu.
Việc đi lại bằng tàu hỏa phụ thuộc vào các kỳ nghỉ dài ngày. Để kích cầu, ngành đường sắt cần tăng cường liên kết với các khu, điểm tham quan, áp dụng các chương trình như “đi tàu hỏa, được tặng vé tham quan di tích”. Ngành cũng nên tăng cường liên kết với các trường để giáo dục cho học sinh, sinh viên về vai trò, giá trị lịch sử của ngành đường sắt bởi đường sắt Việt Nam không chỉ là một loại hình vận chuyển mà còn là di sản, từng trải qua nhiều thăng trầm.
Tiến sĩ Dương Minh Đức - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế du lịch TPHCM