'Ngành du lịch chỉ ăn sẵn vào văn hóa'

23/11/2018 - 13:40

PNO - Mất gần 2 năm chuẩn bị, hội thảo khoa học Phát triển du lịch di sản văn hóa trên địa bàn TP.HCM mới có thể diễn ra vào ngày 22/11. Thế nhưng, sau một nửa thời gian, lác đác chỉ còn vài chục đại biểu.

Các tham luận chính vẫn còn nặng tính lý thuyết, một chiều. Có đại biểu đến từ một công ty lữ hành còn sáng tác thơ kèm bài phát biểu. Nội dung được xem là sát với thực tiễn nhất, lại đến từ một đại biểu được ban tổ chức mời trước đó… một ngày.

Ngành du lịch: Khai thác nhưng không đầu tư

Từ dẫn chứng về những di tích văn hóa đã biến mất như Thành Gia Định, Nhà máy Ba Son hay những di tích đứng trước nguy cơ bị xóa sổ như Lò gốm cổ Hưng Lợi, Dinh Thượng Thư… tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu - Phó tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tổng thư ký Hội Sử học TP.HCM - cho rằng, việc bảo tồn di tích, di sản văn hóa của một đô thị đang phát triển chắc chắn phải có sự thỏa hiệp, nhưng thỏa hiệp ở đâu, mức độ nào thì phải cân nhắc kỹ.

'Nganh du lich chi an san vao van hoa'
Những giá trị di sản văn hóa cần được đưa vào phục vụ cho khách du lịch

Tiến sĩ Hậu và phó giáo sư - tiến sĩ Đặng Văn Bài - Phó chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam - đều nhận định, nên nhìn Sài Gòn như một chỉnh thể đô thị để làm du lịch, chứ không phải điểm du lịch. Cần bảo tồn di sản, du lịch theo tuyến chứ không phải theo điểm. Tiến sĩ Hậu cũng nói thêm, ngành du lịch nên tự tạo những giá trị riêng, sản phẩm riêng, không nên phụ thuộc quá vào di sản văn hóa, bởi đó chỉ là một phần của du lịch.

Bà Lê Tú Cẩm - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa TP.HCM bày tỏ, ở ta, hễ làm du lịch thì người ta nghĩ đến xây khách sạn thật hoành tráng. Khách sạn cũng cần, nhưng đâu cần to như thế. Thay vì đầu tư xây dựng khách sạn, sao không dùng tiền để trùng tu, tôn tạo di sản văn hóa? Theo bà Cẩm, ngành du lịch hiện chỉ ăn sẵn vào văn hóa chứ chưa có đầu tư ngược lại.

'Nganh du lich chi an san vao van hoa'
Nhiều đại biểu đã bỏ về khi hội thảo diễn ra được một nửa thời gian

Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, thừa nhận: “Dù giữa Sở Văn hóa và Thể thao và Sở Du lịch TP.HCM đã có sự phối hợp, tổ chức được nhiều hoạt động; song công tác phối hợp chưa căn cơ. Có một thời gian, trong công tác quản lý còn tồn tại những hạn chế. Nhiều di tích bị xâm hại và bị xâm hại một cách nghiêm trọng”.

Theo ông, việc quản lý di sản văn hóa cũng đang tồn tại những khó khăn. Nhưng nói gì đi nữa, đó là những nút thắt mà Sở Văn hóa và Thể Thao TP.HCM, trong vai trò đầu tàu văn hóa của thành phố, bằng chuyên môn và chức năng của mình, phải gỡ. Nhìn lại hệ thống di sản văn hóa của thành phố “nhiều, nhưng chẳng được bao nhiêu” đủ thấy tài nguyên này đang bị lãng phí thế nào.

Bốn đặc điểm, chín loại hình để “nhận diện”

Từ những nghiên cứu của mình, tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu đã gợi ý bốn đặc điểm địa lý tự nhiên, lịch sử, văn hóa để triển khai thành bốn tuyến du lịch lớn.

Không chỉ là một thành phố sông nước; TP.HCM còn là trung tâm kinh tế với những nhà máy ra đời sớm nhất ở Đông Nam Á; là nơi có người nhập cư liên tục từ khi khởi lập, tạo ra một sự đa dạng về văn hóa, để lại một hệ thống di tích, tín ngưỡng, tôn giáo, cũng như những công trình kiến trúc lớn; là đô thị được quy hoạch và xây dựng theo kiểu phương Tây với hai trung tâm là Sài Gòn và Chợ Lớn. Dù bị xâm hại và phá bỏ nhiều, song còn những vết tích có thể triển khai thành những tuyến điểm du lịch.

Tiến sĩ Hậu cũng đưa ra 9 loại hình di tích có thể biến thành di sản văn hóa, như: di tích khảo cổ, cảnh quan đô thị, công trình kiến trúc nghệ thuật, tín ngưỡng - tôn giáo, nhà cổ và biệt thự, hạ tầng đô thị và công nghiệp, mộ táng, thành lũy. Đáng buồn là, những gợi ý tâm huyết này đều là những điều bà đã viết và gửi tới Sở Du lịch TP.HCM từ… tháng Tư năm ngoái.

'Nganh du lich chi an san vao van hoa'
Những biệt thự cổ tại TP.HCM còn chưa được nhiều người dân biết đến

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM - kết thúc cuộc hội thảo dài ba giờ đồng hồ bằng những tổng kết chung chung như bao cuộc hội thảo khác. Đại loại, “khẳng định nhận thức vấn đề phát huy giá trị di sản văn hóa trong hoạt động du lịch là một trong những việc đã làm và cần tiếp tục làm mạnh hơn”, “với những người làm trong ngành du lịch, những nhận thức về di sản cũng được mở rộng”…

Ông Vũ cam kết: “Sau cuộc hội thảo này, ngành du lịch sẽ có những giải pháp cụ thể để phát huy du lịch di sản trên địa bàn TP.HCM”. Song, ông cam kết mà không kèm theo bất kỳ trách nhiệm nào nếu không làm được. 

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI