Ngành điện TP.HCM muốn đẩy mạnh sản xuất điện mặt trời

16/05/2018 - 22:35

PNO - Dự kiến trong năm 2018, tổng công ty sẽ tiếp tục vận động khách hàng lắp đặt hệ thống sản xuất điện mặt trời trên mái nhà với tổng công suất 5,0 MWp.

Nhu cầu về năng lượng điện ngày càng cao, trong khi các nguồn nhiên liệu để sản xuất điện như than đá, dầu mỏ, nước (thủy điện) ngày càng cạn kiệt đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, chẳng hạn như nguồn năng lượng mặt trời.  

Nganh dien TP.HCM muon day manh san xuat dien mat troi
Điện năng lượng mặt trời trên một trụ sở văn phòng tại TP.HCM

Nằm ở vùng nhiệt đới gần xích đạo, nước ta có tiềm năng rất lớn để phát triển điện mặt trời, đặc biệt là khu vực miền Nam. Tuy nhiên, trong nhiều năm, việc sản xuất điện từ nguồn năng lượng này gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu tư cao, thiếu các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Ngày 11/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 11/2017/ QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Theo đó, có nhiều cơ chế hỗ trợ phát triển điện mặt trời về vốn đầu tư và thuế, về đất đai, về quy định trách nhiệm mua điện, giá mua điện và yêu cầu nối lưới đối với bên mua điện.

Theo quyết định số 11/2017/QĐ-TTg, ngành điện sẽ mua lại điện mặt trời với giá 2.086 đồng/kWh chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương với 9,35 UScents/kWh, theo tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.

Trên thực tế, đã có một số công trình điện mặt trời được đưa vào sử dụng, nhưng chủ yếu ở các đảo, vùng sâu, vùng xa. Điển hình như ở TP.HCM, có công trình điện mặt trời cấp điện cho ấp Thiềng Liềng (xã Thạnh An, H.Cần Giờ, TP.HCM) do Tổng công ty Điện lực TP.HCM đầu tư 13 tỷ đồng, đã đưa vào sử dụng từ năm 2011.

Theo các nghiên cứu, cường độ bức xạ mặt trời trung bình tại TP.HCM khá cao, nên tiềm năng phát triển và khai thác năng lượng mặt trời tương đối lớn, lại còn có các khu công nghiệp rộng hàng ngàn héc-ta. Tận dụng được không gian trên các mái nhà xưởng này để sản xuất điện mặt trời là một lợi thế không nhỏ. 

Ông Phạm Quốc Bảo - Phó tổng giám đốc, người phát ngôn của Điện lực TP.HCM - cho biết, tính đến nay, toàn thành phố đã có 274 khách hàng lắp đặt điện mặt trời nối lưới, với tổng công suất hơn 3,6 MWp, trong đó 245/274 khách hàng đăng ký bán lại phần điện dư cho ngành điện.

Dự kiến trong năm 2018, tổng công ty sẽ tiếp tục vận động khách hàng lắp đặt hệ thống sản xuất điện mặt trời trên mái nhà với tổng công suất 5,0 MWp. Những lợi ích mà điện mặt trời mang lại khá rõ ràng.

Tuy nhiên, do chi phí đầu tư còn cao, thời gian thu hồi vốn tương đối dài, các chính sách hỗ trợ phát triển điện năng lượng mặt trời cũng mới được Chính phủ ban hành, nên việc phát triển điện năng lượng mặt trời tại TP.HCM thời gian qua vẫn còn hạn chế. 

Ông Bảo cho biết, Tổng công ty Điện lực TP.HCM hiện đang kiến nghị Bộ Công thương, Bộ Tài chính xem xét lại quy định về hóa đơn mua bán điện mặt trời, để tháo gỡ vướng mắc cho các nhà đầu tư, thúc đẩy nhanh hơn việc triển khai và sử dụng năng lượng điện mặt trời tại TP.HCM.  

Thăng Long

Khách hàng có thể tham khảo các giải pháp tiết kiệm điện tại website http://cskh.hcmpc.vn/, ứng dụng chăm sóc khách hàng trên thiết bị di động hoặc tổng đài 1900 54 54 54 của Tổng công ty Điện lực TP.HCM.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI