Ngành dịch vụ tỷ đô phục vụ thú cưng

14/12/2019 - 15:37

PNO - Sự gia tăng sở hữu thú cưng tạo nên ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD của Trung Quốc.

Một hôm, trở về nhà muộn sau giờ làm việc, Li Chao choáng váng khi thấy chó cưng JoJo đã chết. JoJo vừa là “đứa con” vừa là “bạn chí cốt” của anh, nhưng anh không tìm được dịch vụ chôn cất xứng đáng cho nó. Li đã tự lập ra dịch vụ của riêng mình. Bây giờ, anh đã là một phần của ngành công nghiệp thú cưng trị giá hàng tỷ USD của Trung Quốc.

Nganh dich vu ty do phuc vu thu cung
Li Chao - người sáng lập dịch vụ tang lễ cho thú cưng mang tên Joypets Funeral Home (JFH) - cùng một con chó cưng của mình tại công ty của anh ở Bắc Kinh

Không có số liệu thống kê chính thức của chính phủ về số lượng chó, mèo hoặc vật nuôi khác hiện sống ở Bắc Kinh hoặc các khu vực khác của đất nước, nhưng theo Sách trắng ngành thú cưng do Pet Fair Asia và Doumin.com xuất bản, số lượng thú cưng ở Trung Quốc đã tăng hơn 8% trong năm 2019, lên gần 100 triệu con.

Sự gia tăng sở hữu thú cưng phần lớn là do người dân Trung Quốc ngày càng giàu lên và họ sẵn lòng chi tiền cho những con thú cưng họ quý mến. Nhưng khuynh hướng này cũng phản ánh “mặt tối” là 1/5 chủ thú cưng được phỏng vấn trong báo cáo của ngành cho biết, họ mua thú cưng để làm nơi “nương tựa tinh thần”; con số này tăng 20% so với năm trước. 

Trước năm 1994, việc sở hữu chó bị nghiêm cấm ở Bắc Kinh vì nó bị coi là “trò tiêu khiển tư sản”. Nhưng các quy tắc ngày càng được nới lỏng dần. Hiện nay, ước tính có hơn 73 triệu chủ sở hữu thú cưng trên toàn quốc và ngành phục vụ chó mèo có trị giá đáng kinh ngạc là 202 tỷ nhân dân tệ (28 tỷ USD).

Trong 3 năm qua, số lượng cửa hàng thú cưng mới ở Bắc Kinh đã tăng 60% kèm theo nhiều loại dịch vụ như chải lông, chăm sóc, khách sạn, chụp ảnh, đám tang thú cưng…

Nganh dich vu ty do phuc vu thu cung
 

Zhao Siyu - quản lý khách sạn mèo Catsvilla ở Bắc Kinh - nói, ngành này ngày càng dễ kiếm tiền vì mọi người đều thích đốt tiền cho thú cưng của mình, miễn là nằm trong khả năng.

Khách sạn Catsvilla đầu tiên được thành lập khi sếp Zhao - chủ sở hữu Gina Guo - không thể tìm thấy một khách sạn thú cưng để phục vụ những con mèo của cô. Cô lập ra khách sạn mèo của riêng mình rồi dần dần trở thành một doanh nghiệp. Các nhà thiết kế chuyên nghiệp đã tạo ra từng phòng, lắp đặt các khu vực để chơi, bể cá, kệ và khu vệ sinh riêng.

Khi thú cưng chết, một số chủ sở hữu xót thương, bỏ ra hơn 1.000 USD để làm lễ an táng cho nó. Sau 4 năm khởi nghiệp với nhà tang lễ Joypets, Li cho biết, mỗi tuần, anh tổ chức ba đám tang cho thú cưng “qua đời”.

Li nói rằng, anh không kiếm được nhiều tiền từ dịch vụ của mình, nhưng anh làm điều đó vì nghĩ rằng, điều quan trọng là mọi người có thể nói lời tạm biệt với thú cưng.

Cô Guo - chủ sở hữu khách sạn mèo Catsvilla - và giám đốc tang lễ Li là hai trong số hàng ngàn người Trung Quốc nhờ đến thú cưng để làm chỗ dựa tinh thần. Nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng, nuôi động vật là một cách hiệu quả để giảm căng thẳng và lo lắng, đặc biệt là khi các vấn đề về sức khỏe tâm thần ngày càng gia tăng ở Trung Quốc. Trong một báo cáo chính thức được công bố tháng Bảy vừa qua, Ủy ban Y tế của Bắc Kinh nói rằng, hàng chục triệu người trên khắp đất nước bị trầm cảm và lo lắng. 

Cẩm Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI