Hàng loạt cửa hàng đóng cửa và những thiệt hại nhãn tiền
Đại dịch COVID-19 đang lây lan trên diện rộng tại các quốc gia châu Âu, điển hình là Ý, Đức, Pháp, Anh và Tây Ban Nha. Ca nhiễm dương tính virus SARS-CoV-2 cùng số người tử vong tăng nhanh đáng kể từ đầu tháng 3/2020.
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, chính phủ Ý ban bố lệnh hạn chế đi lại trên toàn quốc, cấm mọi hoạt động tụ tập nơi công cộng, hủy bỏ tất cả sự kiện thể thao, giải trí, nghi lễ tôn giáo... Tính đến sáng 11/3, Ý ghi nhận 631 trường hợp tử vong cùng 10.149 ca nhiễm SARS-CoV-2.
|
Nhiều thương hiệu thời trang gặp khó giữa mùa dịch COVID-19 |
Dịch bệnh bùng nổ, người dân ngại đi du lịch cũng như mua sắm, khiến các cửa hàng thời trang rơi vào giai đoạn khủng hoảng, đình trệ.
Trước diễn tiến nghiêm trọng của dịch bệnh, Nike đã đóng cửa ít nhất 4 văn phòng. Sau khi đóng cửa trụ sở châu Âu tại Hà Lan và trụ sở chính ở Beaverton, Oregon; trụ sở Soho của Nike ở London và các văn phòng tại Duxford Park, Sunderland cũng tạm thời ngưng hoạt động, yêu cầu khoảng 150 nhân viên làm việc từ xa. Nhân viên tại trụ sở của hãng mốt Louis Vuitton ở London cũng được yêu cầu sơ tán khỏi tòa nhà sau khi nhiều trường hợp xác nhận dương tính COVID-19.
Đối phó với dịch bệnh, nhiều hãng thời trang đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn sự lây lan của virus bao gồm hạn chế đi công tác, hủy bỏ các hoạt động và kêu gọi nhân viên tránh các khu vực bùng phát dịch COVID-19.
Đại diện các thương hiệu Nike, Crocs và Skechers cũng chia sẻ khả năng công ty sẽ chịu tổn thất nặng về tài chính trong năm nay do dịch bệnh.
Công ty giao nhận vận tải hàng hóa Zencargo ước tính từ ngày 9/3 - 20/4, các nhà bán lẻ ở Mỹ phải chịu thiệt hại 700 triệu USD do thiếu hụt nguồn hàng sản xuất cũng như khó khăn trong việc vận chuyển và phân phối sản phẩm do dịch bệnh COVID-19. Giám đốc Zencargo - Ratrick Hasani còn tiết lộ, bên cạnh điện tử và đồ nội thất, quần áo là một trong những ngành hàng chịu thương tổn nhiều nhất.
|
Nike đóng cửa ít nhất 4 trụ sở trong mùa dịch. |
Hiệp hội Thời trang quốc gia Ý đưa ra dự đoán hàng xuất khẩu Ý sẽ giảm ít nhất 100 triệu euro trong quý I và 200 triệu euro ở quý II nếu dịch bệnh kéo dài qua nửa đầu năm 2020.
Hàng loạt nhà mốt lùi kế hoạch ra mắt sản phẩm. Versace hoãn phát hành bộ sưu tập mùa xuân ngày 16/5 tại Hoa Kỳ. “Sức khỏe và sự an toàn của du khách và các nhân viên phải được ưu tiên hàng đầu”, đại diện thương hiệu chia sẻ.
Ngoài Versace, Giorgio Arman cũng tuyên bố hủy show diễn tại Dubai ngày 19-20/4. Ralph Laurent hủy show tại New York tháng 4. Prada và Gucci cũng lần lượt tạm hoãn show ngày 21/5 tại Tokyo và 18/5 tại San Francisco, Mỹ. Hiện, Chanel và Dior cũng đang cân nhắc có nên tiếp tục tổ chức buổi trình diễn thời trang tại Ý vào tháng 5 sắp tới, khi quốc gia này đang trở thành ổ dịch lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc.
Hệ lụy dây chuyền
Theo Telegraph, giống như du lịch và mọi ngành công nghiệp khác, thời trang cũng chịu thiệt hại nghiêm trọng bởi tác động của đại dịch và nếu thế giới không khống chế được COVID-19 trong vòng vài tuần tới, không chỉ lợi nhuận của các công ty mà xa hơn là toàn bộ dây chuyền cung ứng cũng bị ảnh hưởng không kém.
|
Nhiều show thời trang bị hủy bỏ nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona. |
Tính đến thời điểm hiện tại, chính phủ Trung Quốc đang khống chế dịch bệnh khá tốt khi số ca tử vong và nhiễm mới ở mức rất thấp kể từ cuối tháng 2. Một số cửa hàng tại Thượng Hải mở cửa kinh doanh trở lại nhưng không mấy khả quan do phần đông người dân vẫn hạn chế ra ngoài. Đồng thời, các nhân công nhà máy rục rịch tái sản xuất nhưng hiệu suất vẫn còn ở mức thấp.
Ông lớn của làng mốt như H&M cũng lâm vào tình thế khó khăn. Ước tính Trung Quốc chiếm 50% sản phẩm cung ứng cho họ. 24% các nhà bán lẻ Anh cũng đang vật lộn với sự gián đoạn các chuỗi cung ứng.
Sự khủng hoảng này không nằm ngoài dự tính bởi Trung Quốc là nơi sản xuất quần áo lớn nhất toàn cầu, chiếm 56% sản lượng trên thế giới (số liệu năm 2019 theo Euromonitor International - tập đoàn nghiên cứu thị trường). Phần lớn bông và lụa của các thương hiệu đều nhập từ đất nước tỷ dân, vì vậy ngay cả khi quá trình sản xuất ở châu Âu vẫn tiếp diễn thì các thương hiệu cũng khó khăn trong vấn đề nguyên liệu, cụ thể là hàng dệt.
|
Giorgio Armani quyên góp 1,43 triệu USD cho công tác phòng, chống dịch bệnh tại Ý. |
Theo các chuyên gia tại Euromonitor International cho biết dịch bệnh bùng phát, sản xuất bị gián đoạn, điều này đặt ra thách thức trực tiếp đối với vệc quản lý chuỗi cung ứng của các thương hiệu may mặc. Bên cạnh đó, theo báo cáo năm 2019 của Business of Fashion và McKinsey&Company, thị trường Trung Quốc đóng góp 38% mức tăng trưởng của ngành thời trang toàn cầu trong suốt thập kỷ qua, do đó doanh thu đầu năm 2020 của các hãng mốt dự kiến sẽ sụt giảm.
Sau Trung Quốc, nhiều thương hiệu bắt đầu quyên góp ủng hộ Ý trong nỗ lực khống chế dịch COVID-19. Tiêu biểu, nhà thiết kế hàng đầu của Ý - Giorgio Armani quyên góp 1,43 triệu USD cho các bệnh viện tại Milan, bệnh viện Spallanzani của Rome và Cơ quan Bảo vệ Dân sự (quản lý các sự kiện khẩn cấp). Các tập đoàn LVMH, Kering và Versace cũng hỗ trợ trong công tác phòng chống dịch bệnh nhưng không tiết lộ con số cụ thể.
Chung Thu Hương (theo Sina và Telegraph)