Ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc bị vi phạm bản quyền

28/05/2021 - 11:04

PNO - Khán giả Hàn Quốc gần đây đã phát hiện ra nhiều nhạc sĩ và các công ty ghi âm có trụ sở tại Trung Quốc vi phạm bản quyền bài hát K-pop trên YouTube. 

Bên cạnh những tranh cãi gần đây giữa hai nước Hàn Quốc và Trung Quốc về một số yếu tố văn hóa liên quan đến kim chi, samgyetamg, hanbok… thì mới đây, khán giả xứ Hàn tiếp tục sôi sục khi phát hiện các nhạc sĩ và công ty ghi âm có trụ sở tại đất nước tỷ dân vi phạm bản quyền âm nhạc khi tự nhận là chủ sở hữu của các bài hát K-pop trên YouTube.

Ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc trở thành nạn nhân của các vụ vi phạm bản quyền của các hãng nhạc Trung Quốc
Ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc trở thành nạn nhân khi bị các hãng nhạc Trung Quốc vi phạm bản quyền

Các công ty Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố họ sở hữu bản quyền đối với các ca khúc Road, Morning Tears của IU; Good Person của Tiy và Waiting của Younha, đồng thời thu tiền bản quyền một cách bất hợp pháp.

Ví dụ như mô tả nội dung trên YouTube tại Trung Quốc phía dưới bài hát Morning Tears của IU ghi rằng được cấp phép cho YouTube bởi Believe Music (thay mặt cho Union Entertainment). Union Entertainment có trụ sở chính tại Bắc Kinh, điều hành một doanh nghiệp phân phối âm nhạc quốc tế. Sau khi khán giả Hàn Quốc phát hiện sự việc, nhiều mô tả bài hát gây tranh cãi đã bị xóa.

Ngoài Believe Music, một số hãng nhạc khác có trụ sở tại Trung Quốc cũng bị phát hiện vi phạm bản quyền bài hát của nghệ sĩ K-pop. Các công ty Trung Quốc đã đăng ký nhiều ca khúc của nhạc sĩ Hàn Quốc mà chủ sở hữu bản quyền ban đầu chưa đăng ký vì nhiều lý do khác nhau. 

Theo Korea Times, nhiều khả năng các công ty Trung Quốc đã lợi dụng khoản hở trong việc chủ sở hữu bản quyền (các nghệ sĩ K-pop) không tích cực giám sát các sản phẩm của mình được tải lên trên YouTube ở các quốc gia lân cận.

Ảnh chụp màn hình từ YouTube.
Ảnh chụp màn hình YouTube

Chuyên gia trong ngành công nghiệp giải trí xứ kim chi cho rằng nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ tại Trung Quốc còn tương đối thấp: "Nhiều công ty nhạc Trung Quốc không có kiến thức về quyền sở hữu trí tuệ hoặc cố tình phớt lờ vi phạm”.

Đây không phải là lần đầu tiên các hãng nhạc Trung Quốc cố tình vi phạm bản quyền. Trước đó, một nhà sản xuất truyền hình Trung Quốc đã mua bản quyền sử dụng định dạng của chương trình truyền hình Hàn Quốc The Masked Singer, nhưng từ chối trả tiền bản quyền cho công ty Hàn Quốc, mặc dù công ty xứ Hàn đã thắng kiện theo luật pháp quốc tế về vấn đề này.

Các chuyên gia cho rằng phía nghệ sĩ Hàn Quốc chỉ có cách duy nhất là gửi trực tiếp khiếu nại bản quyền lên YouTube.

“Theo luật chủ sở hữu bản quyền, không nhất thiết phải đăng ký quyền sở hữu tác phẩm của họ trên YouTube, nhưng nếu có vấn đề, họ có thể thực hiện quyền của mình" - luật sư Seol Ji-hye nói với Korea Times. 

Tuy nhiên, Seol Ji-hye nói thêm rằng các nhạc sĩ Hàn Quốc sẽ khó giành lại bản quyền của họ khi đệ đơn kiện quốc tế chống lại các công ty xứ Trung nếu chính phủ Trung Quốc không hợp tác.

Younha, một ca sĩ kiêm nhạc sĩ nổi tiếng Hàn Quốc và cũng là nạn nhân bị hãng nhạc Trung Quốc vi phạm bản quyền cho biết: "Tôi đã biết về hành vi vi phạm bản quyền… Tôi đã rất ngạc nhiên trước tình huống này, ngoài sức tưởng tượng của tôi, nhưng tôi sẽ giải quyết vấn đề".

Trong khi đó, Bộ Văn hóa Hàn Quốc, cũng như các nghệ sĩ biểu diễn và cơ quan âm nhạc, đang xem xét một cách nghiêm túc việc các hãng nhạc Trung Quốc vi phạm bản quyền các bài hát của nghệ sĩ K-pop.

Chung Thu Hương (theo Korea Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI