Phát biểu khai mạc tọa đàm, bà Lý Việt Trung - Tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM - thông tin, diễn biến khí hậu cực đoan đã được cảnh báo trong một tương lai không xa. Nhưng ngay cả trong tình hình khả quan nhất vẫn tiềm ẩn thách thức. Do đó, tọa đàm nhằm phác thảo những thay đổi trong cung ứng nước sạch khi TPHCM có những thách thức về biến đổi khí hậu, gia tăng dân số, và thay đổi sản xuất theo xu hướng 4.0, trong đó có kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh, và thích nghi linh hoạt của đơn vị chức năng và cộng đồng.
|
Bà Lý Việt Trung - Tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM - phát biểu gợi mở tọa đàm - Ảnh: Phùng Huy |
Nhấn mạnh bối cảnh nhiều thách thức, ông Bùi Thanh Giang - Phó tổng giám đốc Sawaco - cho biết, rất có nhiều vấn đề quan tâm liên quan ngành cấp nước, như việc khai thác nước ngầm.
Hiện nay, Sawaco đảm bảo cung ứng nước cho các quận, huyện và TP Thủ Đức, đảm bảo cung ứng 100% nước sạch cho người dân sử dụng. Hiện nay cung ứng cho gần 1,6 triệu đấu nối.
Theo ông Giang, Sawaco sẽ thực hiện nhiều biện pháp nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn, cố gắng giảm tỉ lệ thất thoát nước, ứng dụng số hóa để tạo điều kiện thuận lợi, phục vụ khách hàng tốt hơn…
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TPHCM - cho rằng những nhân tố phát triển kinh tế - xã hội và biến đổi khí hậu có thể làm thay đổi nhu cầu cung ứng nước cho TPHCM, trong đó biến động dân số là yếu tố quan trọng nhất.
|
Ông Bùi Thanh Giang - Phó tổng giám đốc Sawaco - phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: Phùng Huy |
Về hoạt động cấp nước của TPHCM, ông Bùi Thanh Giang - Phó tổng giám đốc Sawaco - cho biết thêm, công suất phát nước bình quân năm 2022 đạt 1.924.417m3/ngày, bằng 97,58% so với công suất kế hoạch năm 2022 và bằng 100,25% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính 5 tháng đầu năm 2023, mỗi ngày cung ứng 1.901.590m3/ngày, giảm hơn năm 2022 bởi sự tác động tiêu cực của sự phát triển kinh tế, dịch vụ tại TPHCM.
“Hiện nay, ngành cấp nước thành phố đang đương đầu với nhiều khó khăn. Tình trạng khai thác nước ngầm vẫn diễn ra. Thiếu công nghệ, xử lý bậc cao. Việc khai thác nước trực tiếp từ sông ngòi ở sông TPHCM rất khó chống chọi với biến động chất lượng nước, xâm nhập mặn, thiếu hồ dự trữ, thiếu bể chứa trung gian” - ông Giang nói.
Trong năm 2023, để đảm bảo cấp nước an toàn, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân thành phố, phía Sawaco sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, có việc giảm tỉ lệ thất thoát nước; nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước, chất lượng phục vụ khách hàng, tăng cường giám sát chất lượng nước và triển khai chương trình uống nước tại vòi. Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực cấp nước, tối ưu hóa và tích hợp sâu mô hình thủy lực vào công tác vận hành, dự báo, lập kế hoạch phát triển cho mạng lưới cấp nước. Hiện đại hóa trang thiết bị kỹ thuật quản lý mạng lưới đường ống và các nhà máy nước…
|
Ông Nguyễn Toàn Vẹn - Phó chi cục trưởng Chi cục thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM |
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Toàn Vẹn - Phó chi cục trưởng Chi cục thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM - cho biết, dự báo biến đổi khí hậu TPHCM trong những năm tiếp theo sẽ diễn biến phức tạp. Dự báo trong 6 tháng cuối năm nay, lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm từ 5-10%. Dự báo 5 năm tới, lượng mưa sẽ tăng từ 10-12%. Mực nước đỉnh triều 6 tháng đầu năm 2023, đỉnh triều cao nhất đo được tại trạm Phú An là 1,74m.
Dự báo trong 2023, mực nước đo tại trạm này có thể đạt 1,78m vào giữa tháng 12. Về xu thế xâm nhập mặn, trong quý I/2023, đo được tại trạm Nhà Bè là 9,2, thấp hơn độ mặn trung bình nhiều năm. So với các năm trước, năm nay độ mặn giảm.
Trung bình hằng năm, biển Đông có 12-13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, có 4-6 cơn ảnh hưởng đến đất liền việt Nam.
Về tình hình cung ứng nước, việc cấp nước cho sản xuất nông nghiệp TPHCM là lấy nước từ kênh Đông, và kênh Đông lấy nước từ hồ Dầu Tiếng. TPHCM đã phối hợp với đơn vị quản lý hồ Dầu Tiếng trong vấn đề điều tiết, để cắt lũ, giảm lũ, đảm bảo an toàn công trình, phục vụ cấp nước sản xuất nông nghiệp cũng như cấp nước sinh hoạt.
Theo phối hợp này, hồ Dầu Tiếng phải đảm bảo cấp nước về kênh Đông với tổng lượng nước cho sản xuất nông nghiệp là 325 triệu m3/năm. Và hàng năm hồ Dầu Tiếng đảm bảo được cho TPHCM theo yêu cầu này. Đối với cấp nước thô phục vụ cho sinh hoạt của nhà máy nước kênh Đông và nhà máy nước Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi là 216.000m3/ngày đêm, thời gian cấp nước liên tục, xấp xỉ 400 triệu m3/năm.
Nhằm xây dựng các giải pháp đảm bảo an toàn cấp nước trong giai đoạn hiện nay, TS. KTS. Lê Thị Hồng Na - Giảng viên chính Bộ môn kiến trúc, Khoa Kỹ thuật xây dựng, Trường ĐH Bách khoa TPHCM - đề xuất giải pháp sử dụng nước hiệu quả trong công trình xanh.
|
TS. KTS. Lê Thị Hồng Na - Giảng viên chính Bộ môn kiến trúc, Khoa Kỹ thuật xây dựng, Trường ĐH Bách khoa TPHCM - chia sẻ tại tọa đàm |
Cụ thể cần thay đổi hành vi và thay đổi thiết bị trong xây dựng kiến trúc, cần có những thiết kế thụ động để tiết kiệm được lượng nước sử dụng. Ưu tiên lựa chọn các thiết bị tiết kiệm nước. Ví dụ, bồn cầu phải có 2 chế độ xả, vòi phải đạt được các chỉ số nước tiết kiệm. Bên ngoài: hệ thống tưới tự động, thông minh, nhỏ giọt.
Cạnh đó, trong quy hoạch thiết kế, vận hành cảnh quan nên có những giải pháp cố gắng bảo tồn hệ thống cây xanh hiện hữu, bảo tồn tối đa. Phát triển cây xanh mới theo hướng ưu tiên cây địa phương, cây tầng tán để hút giữ nước.
Lắp đặt toàn bộ thiết bị đo đạc, định lượng, thống kê, kiểm tra kiểm soát định kỳ lượng nước rò rỉ xem có đảm bảo để tiến hành sửa chữa khi phát hiện sự cố.
Đối với công trình xanh, công trình bền vững luôn nghiên cứu đề xuất những phương án cải tiến, để đạt hiệu quả tối ưu.
Cuối cùng, một yếu tố vô cùng quan trọng là sự tham gia, đồng hành của cộng đồng.
Đơn cử, đối với một dự án có 760 căn hộ sẽ có rất nhiều người khác nhau trong cùng công trình, nhận thức, hành vi cũng sẽ khác nhau. Thế nên, cần chia sẻ với khách hàng về công trình xanh, lối sống xanh, và những hành vi tiết kiệm nước để lan tỏa thông điệp. Tổ chức đào tạo lan tỏa thông điệp tiết kiệm nước đến gia đình, cộng đồng.
Sau khi công trình hoàn thành, cung cấp nội dung, sổ tay hướng dẫn, trình chiếu video thường xuyên tại khu vực ra vào của cư dân.
|
Quang cảnh tọa đàm - Ảnh: Phùng Huy |
PGS. TS. KTS. Nguyên Hạnh Nguyên, Trưởng khoa Kiến trúc - Nội thất - Mỹ thuật ứng dụng ĐH Nguyễn Tất Thành" - đặt vấn đề an ninh nước về lâu dài khi TPHCM sẽ trở thành đại đô thị với dân số 15 triệu người. Trong quá trình phát triển đó, theo bà, có 3 vấn đề lớn nhất xảy ra là vấn đề giao thông, ô nhiễm môi trường và nguồn an ninh nước. TPHCM cần coi an ninh nước là vấn đề cần giải quyết trong thời gian tới.
Bà Nguyên nhấn mạnh, công nghệ cần đi trước một bước trong xử lý ngập mặn, ô nhiễm. Công nghệ cùng hồ chứa để giữ nước thượng nguồn và phủ xanh thượng nguồn là những vấn đề vĩ mô cần quan tâm giải quyết.
Bên cạnh đó, tiết kiệm nước cần thiết phải trở thành văn hóa. Lấy dẫn chứng từ Israel, đất nước gần như không có nước trở thành một nước nông nghiệp đứng đầu thế giới bằng cách tái sử dụng nguồn nước bằng mọi cách. Đó là thành quả của “văn hóa nước” mà người Israel đặt ra. Họ dạy cho trẻ con từ trong trường học rằng người Israel không có một giọt nước nào và phải trở thành đất nước được mọi người kính nể trong việc dự trữ nguồn nước. Từ đó, nước trở thành văn hóa khi hình thành trong ý thức của mỗi gia đình, mỗi người dân cách thức sử dụng sao cho phù hợp”, Phó giáo sư Hạnh Nguyên nói.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Cao Thanh Bình – Trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐND TPHCM nhận định, nội dung tọa đàm đã mang đến những vấn đề rất ý nghĩa khi đưa ra những vấn đề về phát triển bền vững trong cung ứng nước. Ông Bình cho rằng cần phải chấp nhận, thích nghi, thích ứng với các khó khăn mang tính khách quan như biến đổi khí hậu, thiên tai, tác động môi trường hay quá tải về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật, hạ tầng xã hội,… Để thích nghi, cần có giải pháp trung hạn, dài hạn, cần cụ thể kế hoạch thực hiện. Riêng cái chủ quan, theo ông Bình, là các vấn đề liên quan vai trò quản lí, quy hoạch, chiến lược phát triển, phân bổ nguồn vốn đầu tư hay vai trò, năng lực điều hành của các đơn vị được giao nhiệm vụ,… được các chuyên gia chỉ ra là những cái có thể khắc phục được và các cấp, các ngành có liên quan cần có kế hoạch hành động ngay.
Nhóm phóng viên