Ngành bán lẻ tăng tốc sau đại dịch COVID-19

28/06/2020 - 13:17

PNO - Chỉ số lạc quan của người tiêu dùng (NTD) ở mức cao sẽ giúp ngành bán lẻ Việt Nam sớm phục hồi. Đó là nhận định được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo “Thương mại điện tử Việt Nam tăng tốc sau đại dịch” do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) tổ chức ngày 25/6.

Theo ông Nguyễn Anh Dzũng - Giám đốc cấp cao Dịch vụ Đo lường bán lẻ Nielsen Việt Nam - qua khảo sát trong quý I và II/2020, chỉ số lạc quan của NTD Việt Nam vẫn thuộc top 5 của thế giới. Phần lớn NTD quan tâm sức khỏe, chuộng hàng nội địa và tăng mua sắm trực tuyến.

Dịch COVID-19 bùng phát khiến người người tiêu dùng hạn chế mua bán trực tiếp chuyển sang mua sắm trực tuyến
Dịch COVID-19 bùng phát khiến người người tiêu dùng hạn chế mua bán trực tiếp chuyển sang mua sắm trực tuyến

Cụ thể, có đến 65% NTD sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho sản phẩm tốt và đảm bảo sức khỏe; 49% NTD cảm thấy sức khỏe là quan tâm số một; 26% mua bảo hiểm sức khỏe sau đại dịch. Đặc biệt, có 59% NTD đa phần mua hàng tiêu dùng nội địa và 63% số người được hỏi cho biết họ sẽ tiếp tục mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn sau dịch COVID-19. Đồng thời, phần lớn NTD chuyển sang ăn uống tại nhà nhiều hơn, 83% NTD giảm thiểu việc ăn uống bên ngoài.

Dù các ngành hàng đều sụt giảm doanh số nhưng khá nhiều doanh nghiệp, nhà cung ứng vẫn “ăn nên làm ra” nhờ chuyển đổi linh hoạt cách thức hoạt động, đáp ứng kịp thời sự thay đổi của NTD. Bà Vũ Ánh Tuyết - Chánh văn phòng Lazada Việt Nam - dẫn chứng nhiều trường hợp bán hàng trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) đạt kết quả rất ấn tượng sau dịch COVID-19.

Bà Tuyết dẫn chứng, chị Trương Thị Tâm (TP.HCM) chuyên kinh doanh sản phẩm hữu cơ đã thu hút được lượng người theo dõi tăng 70 lần so với trước dịch, đơn hàng tăng 15 lần và doanh thu tăng 14 lần nhờ tăng cường livestream (quảng cáo trực tuyến). Tương tự, MC Nhã My sau khi bị hủy nhiều chương trình do dịch, đã chuyển sang làm livestreamer, tăng thu nhập hơn 1,5 lần so với khi làm MC. Chủ xưởng giày Minh Nhân mỗi ngày có 200-300 đơn hàng, doanh thu tăng 1,5 lần so với năm ngoái, tạo công ăn việc làm cho 20 nghệ nhân nhờ tăng tương tác với khách nhiều hơn qua kênh bán hàng online.

Theo bà Tuyết, dịch COVID-19 đã thay đổi hành vi mua sắm của NTD. Có những sản phẩm mà trước đây họ không nghĩ sẽ mua qua sàn TMĐT, nhưng khi xảy ra dịch COVID-19, họ mua qua sàn rất nhiều. Chẳng hạn, khi Sagrifood tham gia bán thực phẩm tươi sống qua kênh này (từ giữa tháng 4/2020), số đơn hàng tăng gấp 40 lần so với trước.

Theo báo cáo chỉ số TMĐT của Vecom, năm 2019, tốc độ tăng trưởng TMĐT nước ta đạt trên 32%. Tốc độ tăng trưởng trung bình của giai đoạn 2016-2019 khoảng 30%. Quy mô TMĐT bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2019 đạt khoảng 11,5 tỷ USD. Vecom dự đoán, tốc độ tăng trưởng của năm 2020 sẽ tiếp tục duy trì ở mức trên 30% và quy mô TMĐT Việt Nam sẽ vượt 15 tỷ USD. Báo cáo TMĐT các nước Đông Nam Á năm 2019 của Google, Temasek và Bain & Company dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình cho cả giai đoạn 2015-2025 của TMĐT Việt Nam là 29%. Khi đó, quy mô TMĐT của Việt Nam sẽ đạt 43 tỷ USD và đứng vị trí thứ ba trong khối ASEAN.

 Mặc dù TMĐT Việt Nam có cơ hội phát triển nhanh, bền vững nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Theo các chuyên gia, một trong những thách thức nổi bật là sự phát triển không cân đối giữa TMĐT ở TP.Hà Nội, TP.HCM với các địa phương còn lại. Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó chủ tịch Vecom - cho biết, đã đề xuất chiến lược lan tỏa nhằm hỗ trợ các địa phương triển khai mạnh mẽ TMĐT trong khi vẫn duy trì vị trí đầu tàu của hai thành phố trên. Trong tháng 6/2020, Vecom đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển TMĐT với Sở Công thương TP.HCM và sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với nhiều địa phương khác. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI