Ngành bán lẻ “đông cứng” vì dịch COVID-19

09/03/2020 - 06:58

PNO - Tiểu thương cả tháng không bán được sản phẩm nào, phải cho nhân viên nghỉ việc, nhiều người đóng cửa và sang sạp… là thực trạng chung tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trong mùa này.

Ngày trước bán được năm, giờ chỉ được một

Chỉ tay vào hàng trăm sạp kinh doanh quần áo tại chợ An Đông 1 (Q.5, TPHCM) đang vắng hoe, chị Thái Trang - chủ sạp Thái Vân - nói: “Em nhìn đi, có khách nào tới chợ mua đồ đâu? Giờ ai cũng tránh chỗ đông người. Nhiều sạp mở bán nhưng từ ngày khai trương đến nay hơn một tháng, không bán được sản phẩm nào. Dù vậy, hằng ngày, tiểu thương vẫn đến chợ với hy vọng biết đâu sẽ bán được một hai cái áo. Tôi chuyên bán thời trang tự thiết kế nên vẫn còn một ít khách. Nhưng ngày trước bán được 50 sản phẩm/ngày thì nay chỉ bán được năm sản phẩm”. 

Do không kinh doanh được, nhiều tiểu thương tại chợ An Đông đã phải cắt giảm nhân viên, sạp nào có xưởng thì cho công nhân tạm nghỉ việc. Chị Châu Ngọc Hòa - chủ sạp A75, kinh doanh quần áo ở tầng 1 - cho biết, từ tết đến nay, sạp không tiêu thụ được sản phẩm nên cách đây vài ngày, đã thông báo cho khoảng 10 nhân viên sản xuất tạm nghỉ.

Ở hầu hết các siêu thị, hàng hóa chất đầy các kệ nhưng khách mua vắng bóng
Ở hầu hết các siêu thị, hàng hóa chất đầy các kệ nhưng khách mua vắng bóng

“Không buôn bán được nhưng tôi vẫn phải đóng tiền thuế, trả lương nhân viên, lo tiền ăn hằng ngày. Không thể cầm cự được nữa nên trước mắt, tôi đành cho nhân viên sản xuất tạm nghỉ, riêng sạp thì vẫn cố gắng mở cửa để giữ mối khách” - chị Hòa nói. 

Không chỉ chợ sỉ, chợ lẻ cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Theo các tiểu thương tại chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình, TPHCM), kể từ lúc có dịch, hầu như không còn khách vào chợ. “Trước đây, chỉ có khu bán thực phẩm vắng khách, còn khu bán quần áo lúc nào cũng đông. Nhưng hiện nay, cả hai khu đều vắng khách” - một tiểu thương lắc đầu. Trước đây, tiểu thương kinh doanh kín 48 quầy ăn uống, nay chỉ còn phân nửa và lượng khách ngồi ăn chỉ đếm trên đầu ngón tay. 

Chị Nguyễn Thị Lệ Thủy - chủ sạp đồ gia dụng tại chợ này - ngao ngán, trước luôn đông khách không thua siêu thị vì sản phẩm bán có nguồn gốc, được bảo hành, đổi trả nhưng hiện doanh thu của sạp sụt giảm hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Dì Hai Cưng - tiểu thương chợ Bà Hoa, Q.Tân Bình - từng kinh doanh khấm khá nhờ bỏ mối rau cho chục nhà hàng xứ Quảng ở TPHCM. Nhưng kể từ sau tết, các nhà hàng này cắt giảm lượng rau do ế khách nên sạp của dì cũng ế theo. 

Nhân viên siêu thị đông hơn khách hàng

Chiều 4/3, tại siêu thị BigC Gò Vấp, hàng hóa chất đầy ắp nhưng không có nhiều khách mua, chỉ có một vài khách ghé xem đồ dùng trong khu vực hàng Nhật đồng giá 40.000 đồng ở tầng 1. Co.opmart Phan Văn Trị, siêu thị LOTTE Mart Nguyễn Văn Lượng (Q.Gò Vấp, TPHCM) cũng trong tình cảnh tương tự: khách thưa thớt, kể cả cuối tuần cũng không còn cảnh xếp hàng tính tiền như trước. Tín hiệu tích cực có chăng là giỏ hàng của khách nhiều hơn do họ tranh thủ mua nhiều hàng/lần để dùng dần, hạn chế đi mua nhiều lần. 

Tại Co.opmart Phan Văn Trị, diện tích quầy ăn bị thu hẹp lại, lượng món ăn nấu sẵn cũng giảm do ít khách. Khu gà rán Lotteria, khu vui chơi giải trí thuê trong siêu thị này và các gian hàng quần áo, trang sức cũng vắng hoe khách. Khu vực ăn uống, chiếu phim và các gian hàng trong LOTTE Mart Nguyễn Văn Lượng cũng không còn cảnh chen lấn, xếp hàng như mọi khi. 

Các siêu thị điện máy Thiên Hòa, Nguyễn Kim, Trung tâm thương mại Vincom, khu mua sắm ở tòa nhà Vietjet Plaza (Parkson CT Plaza cũ) cũng trong tình cảnh đìu hiu, vắng lặng. Tại các gian hàng quần áo thời trang, mỹ phẩm cao cấp, chỉ có nhân viên. 

Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam đánh giá, dịch COVID-19 không chỉ làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam mà còn tác động mạnh đến những cửa hàng hiện hữu. Có đến 45% người được hỏi cho biết, họ đang dự trữ thức ăn tại nhà nhiều hơn trước đây. Những cửa hàng hiện hữu bị tác động mạnh, với hơn 50% người được hỏi cho biết đã giảm tần suất ghé thăm các siêu thị, cửa hàng tạp hóa và chợ truyền thống.

Bên cạnh đó, 25% số người được hỏi nói rằng, họ đã tăng cường mua sắm trực tuyến và giảm các hoạt động mua sắm bên ngoài. Mặt khác, người tiêu dùng e dè với những ngành hàng như thịt tươi, rau tươi và hải sản trong suốt thời kỳ dịch bệnh; ngành đồ uống, bia và nước ngọt cũng có xu hướng giảm tiêu thụ.

chợ Căn Cứ (Q.Gò Vấp) bình thường vốn rất đông khách  nhưng nay lại vắng lặng, nhiều tiểu thương ngồi chơi
Chợ Bà Hoa (quận Tân Bình) bình thường vốn rất đông khách nhưng nay lại vắng lặng, nhiều tiểu thương ngồi chơi

Đại diện Saigon Co.op cho biết, lượt khách đến siêu thị mua sắm có giảm do tâm lý lo ngại dịch COVID-19 nhưng tính chung, doanh thu vẫn không giảm nhiều do hóa đơn mua hàng của khách tăng hơn so với trước, đồng thời, khách còn đặt mua hàng qua điện thoại.

Còn theo đại diện Big C, chỉ một số siêu thị dạng phức hợp mua sắm, có khu ẩm thực, giải trí hoặc có gian hàng cho thuê mới giảm khách do tâm lý ngại nơi đông người. Ở các siêu thị chuyên doanh thực phẩm, đồ dùng, hóa mỹ phẩm, từ 19g trở đi, khách vẫn đến mua sắm nhiều.

Cũng đánh giá lượt khách đến siêu thị giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng đại diện LOTTE Mart cho hay, lượng khách giảm nhiều tại các chi nhánh ở những tỉnh, thành có khách du lịch đông như Đà Nẵng, Nha Trang, còn ở TPHCM và một số tỉnh khác, hiện lượng khách đang dần ổn định trở lại. Một số khách hạn chế đến siêu thị nhưng vẫn đặt mua đồ dùng, thực phẩm tươi sống thông qua phần mềm của siêu thị.

Không có tiền đóng thuế và mặt bằng

Một cán bộ Ban quản lý chợ Phạm Văn Hai thông tin, toàn chợ có 1.688 sạp. Hiện thương nhân đang kinh doanh 1.263 sạp, bỏ trống hoặc dùng để làm kho 425 sạp. Từ sau tết, có 8 hộ xin trả giấy phép để nghỉ kinh doanh.

“Nhiều thương nhân treo bảng cho thuê sạp nhưng không ai thuê. Trước đây, giá cho thuê mỗi sạp là 10 triệu đồng/tháng, sau đó giảm xuống 5-7 đồng/tháng, nhưng nay hạ giá xuống 2 triệu đồng/tháng, thậm chí có sạp không lấy tiền thuê, chỉ cần người bán tự đóng tiền diện tích sử dụng sạp cho ban quản lý chợ (250.000 đồng/tháng) nhưng vẫn không ai thuê” - vị cán bộ này nói. 
Bà Nguyễn Thị Xuân Mai - Trưởng ban quản lý chợ Bàu Cát, Q.Tân Bình - cho biết, mãi lực của chợ hiện chỉ bằng 1/4 so với trước đây. Buôn bán ế ẩm, tiểu thương không có tiền để đóng thuế và tiền thuê sạp. Chúng tôi thu góp nhiều đợt nhưng tiểu thương cũng không có tiền để đóng. “Các tiểu thương đề nghị ban quản lý chợ làm công văn miễn giảm thuế cho họ và chúng tôi đã làm công văn gửi lên chi cục thuế của quận” - bà Xuân Mai nói. 

Theo đại diện Ban quản lý chợ An Đông, lượng khách hàng “truyền thống” của chợ là khách nước ngoài như Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc… nhưng nay gần như vắng bóng. Toàn bộ các ngành hàng tại chợ đều bị ảnh hưởng, nhưng nặng nhất là ngành bán cho khách nước ngoài như sản phẩm thủ công mỹ nghệ, bánh kẹo, thực phẩm khô hoặc ngành hàng phải nhập nguyên vật liệu từ nước ngoài như may mặc. Nhiều sạp đã tạm ngưng kinh doanh từ sau tết đến nay. Trước thực trạng này, toàn bộ tiểu thương chợ An Đông đã làm đơn xin giảm 50% thuế hằng tháng từ 3-6 tháng (tính từ tháng 2/2020).

 “Chúng tôi đã kiến nghị cơ quan chức năng hỗ trợ về thuế cho tiểu thương nhưng chính sách hỗ trợ hiện vẫn chưa có. Nếu tiểu thương cần hỗ trợ về vốn, chúng tôi sẽ hỗ trợ thủ tục, phối hợp với ngân hàng để sớm giải ngân cho họ” - ông Đinh Hồ Duy Ngọc, Trưởng ban quản lý chợ An Đông, thông tin. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Duy Minh - Cục trưởng Cục Thuế TPHCM - cho biết, cục đã yêu cầu chi cục thuế 24 quận, huyện rà soát hoạt động kinh doanh của các hộ tiểu thương để sớm có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Nếu hộ kinh doanh có mức doanh thu giảm hơn 50% so với mức doanh thu khoán hiện nay, sẽ được điều chỉnh ngay mức thuế khoán theo đúng doanh thu thực tế.

“Đối với các hộ kinh doanh chưa đạt mức giảm 50%, theo quy định pháp luật, phải qua đầu năm sau mới được điều chỉnh giảm thuế khoán. Tuy nhiên, trước tình hình khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nếu doanh thu chưa đạt mức giảm 50% nhưng giảm nhiều tháng liền, hộ kinh doanh phải báo tình hình với cục thuế, chúng tôi sẽ xin ý kiến Chính phủ, Bộ Tài chính giãn hoặc gia hạn thời gian nộp thuế” - ông Lê Duy Minh nói. 

Thanh Hoa - Nguyễn Cẩm

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Hoàng Nguyễn 09-03-2020 11:41:53

    Cách đây khoảng 5 năm chợ An Đông rất đông khách nên mình có ghé định mua ít quần áo. Vừa cầm cái áo lên xem là cô bán hàng đã hỏi mua sỉ hay mua lẻ? Mình trả lời dạ em mua lẻ. Cô ấy đáp ở đây tui không bán lẻ rồi lắc tay đủi đi. Đi đúng 10 sạp thì hết 10 sạp là vậy mai mắn có sạp bán lẻ thì không cho lựa màu giống như là chỉ được mua áo trong ri bị lẻ của họ vậy. Nên từ đó đến nay mình không bao giờ bước chân vào chợ An Đông cho dù hàng hóa của họ có đẹp cỡ nào đi nữa. Huống hồ chi là bây giờ họ ế rồi kêu ca làm gì? Bình thường mình có muốn bán đâu nên bây giờ ế cũng vậy thôi. Đừng đỗ lỗi cho dịch bệnh.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI