Ngành âm nhạc toàn cầu tăng trưởng nhanh nhưng ẩn chứa nhiều nỗi lo

22/03/2024 - 10:07

PNO - Theo số liệu công bố ngày 21/3, doanh thu âm nhạc toàn cầu đã tăng 10,2% trong năm 2023 (28,6 tỷ USD), nhưng các công ty thu âm vẫn lo ngại về việc duy trì sự tăng trưởng trong kỷ nguyên phát trực tuyến.

Taylor Swift đang được xem là nghệ sĩ hàng đầu thế giới, theo báo cáo thường niên của Liên đoàn Công nghiệp ghi âm quốc tế, đại diện cho các công ty thu âm toàn cầu.

Theo sát Swift là hai ban nhạc Hàn Quốc, Seventeen và Stray Kids. Điều này cho thấy tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của K-Pop.

Taylor Swift đang được đánh giá là ca sĩ hàng đầu thế giới
Taylor Swift đang xếp vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng IFPI

Đĩa đơn thành công nhất thế giới là "Fflowers" của Miley Cyrus. Ca khúc duy nhất đã vượt qua 2 tỷ lượt nghe (2,7 tỷ), tiếp theo là "Calm Down" của Rema và Selena Gomez (1,89 tỷ) và "Kill Bill" của Sza ( 1,84 tỷ).

Ngành công nghiệp âm nhạc đã tăng trưởng năm thứ 9 liên tiếp, phần lớn nhờ vào sự tăng trưởng liên tục của dịch vụ phát trực tuyến, hiện chiếm hơn 2/3 doanh thu toàn cầu. Số lượt đăng ký phát trực tuyến trả phí lần đầu tiên đã vượt quá 500 triệu lượt để đạt 667 triệu lượt. Các định dạng vật lý, đặc biệt là vinyl, cũng có sự tăng trưởng, với doanh số tăng 13,4%.

John Nolan, giám đốc tài chính của IFPI (Liên đoàn Công nghiệp ghi âm quốc tế) cho biết: “Những số liệu trong báo cáo năm nay cho thấy âm nhạc là một ngành mang tính toàn cầu và đa dạng, với doanh thu tăng trưởng ở mọi thị trường, mọi khu vực và trên hầu hết mọi định dạng âm nhạc được ghi âm”.

Các khu vực phát triển nhanh nhất là Châu Phi cận Sahara (tăng 24,7%) và Châu Mỹ Latinh (19,4%), nhờ sự lan rộng của dịch vụ phát trực tuyến và sự nổi lên của các ngôi sao địa phương như Burna Boy, Asake, J Balvin và Bad Bunny.

Các thị trường âm nhạc lớn nhất vẫn là Hoa Kỳ, Nhật Bản và Anh.

Tuy nhiên, trong sự tăng trưởng này, âm nhạc vẫn có những nỗi lo riêng, đặc biệt là khi giới trẻ ngày càng dành nhiều thời gian cho TikTok và game. Dennis Kooker, đại diện Sony Music, cho biết tại cuộc họp công bố báo cáo của IFPI: “Các nền tảng video clip ngắn, được hỗ trợ quảng cáo kém nhất không cần đăng ký trả phí đang trở thành nền tảng tiêu dùng chính của nhiều người tiêu dùng trẻ tuổi”.

Universal Music Group gần đây đã loại bỏ âm nhạc của mình khỏi TikTok do tranh cãi về cách tiếp cận của ứng dụng này đối với tiền bản quyền bài hát và âm nhạc do AI tạo ra.

Koker gợi ý các hãng thu âm hãy tập trung nhiều hơn vào lượng fan cuồng nhiệt của nghệ sĩ. Ông nói: “ Đây chính là những người muốn nhiều hơn và sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho những sản phẩm được thiết kế dành riêng cho họ”.

Tuy nhiên, các công ty đang gặp khó khăn trong việc khuyến khích mọi người trả tiền nghe nhạc trực tuyến ở một số thị trường trọng điểm, bao gồm cả Pháp.

Marie-Anne Robert, giám đốc điều hành Sony Music France, cho biết tại buổi họp báo rằng ở Pháp tỉ lệ người nghe nhạc trực tuyến ở Pháp vẫn còn rất thấp.

Cô nói thêm khi đề cập đến mức thuế mới đối với các dịch vụ như Spotify sẽ được áp dụng trong năm nay tại Pháp: “Đó là một thách thức lớn đối với chúng tôi và các nghệ sĩ. Việc áp dụng thuế phát trực tuyến gần đây rõ ràng không giúp ích gì”,

Tuấn Huy (theo japantoday)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI