Tàn phá rừng tự nhiên
Từ tin báo của người dân, chúng tôi men theo con đường xuyên qua các rẫy keo của người dân ở thôn 5, xã Phước Hiệp (huyện Phước Sơn) để tiếp cận hiện trường. Từ đường lớn, chạy xe máy chừng 30 phút nữa thì đến được khu vực đồi Bò Ông Vang (Km số 3 đường cao su, thuộc địa phận thôn 5, xã Phước Hiệp).
Tại đây, những khoảnh đồi lớn bị đốt, dọn sạch, nhiều đoạn gỗ được kéo xuống tập kết dưới chân đồi. Trên khu vực đồi này, nhiều gốc gỗ lớn bị cưa hạ, dấu cưa còn mới và đã được lực lượng kiểm lâm đánh số, đường kính từ 40cm đến 70cm. Cách đó không xa, một vạt đồi khác đã bị đốt nhưng chưa phát dọn, nhiều cây gỗ cháy chỉ còn trơ thân, cành. Theo người dân địa phương, vạt rừng này vừa bị đốt vào cuối tháng 7 vừa qua.
|
Những cây gỗ lớn có đường kính bằng cả 1 người ôm đã bị đốn hạ |
Từ điểm đầu tiên, chúng tôi cứ men theo những con đường đầy sỏi đá luồn sâu vào phía trong. Khu vực rừng gần Km số 4, số 5 (người dân địa phương gọi là khu vực lán 2, lán 3) cũng chịu chung số phận. Những cánh rừng tự nhiên hầu như bị đốt trụi, xơ xác. Những cây lớn hạ xuống, chưa có đánh số kiểm lâm. Ngoài ra, tại một vạt keo sát vệ đường, có một gốc cây khá lớn, đường kính gần 1m đã bị hạ, lấy mất phần thân, chỉ còn phần gốc. Trên thân cây có ký hiệu PH/01, ghi thời điểm tháng 2 năm 2021.
Theo ước lượng ban đầu, số diện tích rừng tự nhiên ở đây bị đốt, khai thác gỗ lên đến hàng chục hecta. Chỉ cần men theo cung đường có sẵn, chạy vòng quanh ở khu vực này thì đều có thể chứng kiến cảnh đốt, phá rừng. Một điều lạ, là việc đốt rừng, phá rừng diễn ra gần ngay con đường mà người dân làm để vận chuyển keo, bằng mắt thường cũng có thể nhìn thấy. Vậy nhưng, lực lượng chức năng vẫn không phát hiện được trước khi lâm tặc rút đi, hoặc đến hiện trường khi sự việc đã rồi.
|
Phương thức chủ yếu của lâm tặc là hợp đồng với một số người dân địa phương tiến hành đốt cháy rừng rồi khai thác những cây gỗ đã bị chết |
Theo báo cáo của UBND xã Phước Hiệp, vào ngày 13/7, đoàn kiểm tra của xã đã vào kiểm tra tại khoảnh 6 (tiểu khu 646, khu vực ngã ba Đông Dương) phát hiện có 9 cây gỗ chủng loại chuồn, chò xanh, sơn huyết bị chặt hạ, cắt khúc, cưa xẻ, một số đã vận chuyển ra khỏi khu vực. Hiện trường để lại hơn 7,3m3 gỗ tròn, gần đó còn có một lán trại phục vụ việc khai thác lâm sản trái phép, một súng tự chế trong lán trại, không phát hiện đối tượng.
Tiếp tục kiểm tra lại khu vực trên vào ngày 17 đến ngày 19/7, UBND xã phối hợp với Đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 2 và Công an huyện, phát hiện 6 người trú tại xã Quế Lâm (Nông Sơn) đang lập lán trại trong rừng nên tiến hành phá hủy lán trại, yêu cầu rời khỏi địa bàn. Đại diện chính quyền địa phương cho hay địa điểm xảy ra tình trạng khai thác lâm sản trái phép nằm vùng giáp ranh, xa khu dân cư nên công tác nắm tình hình, xử lý gặp nhiều khó khăn, đối tượng là người ngoài địa phương, có thể manh động, liều lĩnh gây khó cho lực lượng thi hành nhiệm vụ.
Chủ rừng ở đâu?
|
Những cây gỗ lớn sẽ được hạ xuống, phân khúc ngắn rồi đưa lên xe tải vận chuyển đi trong đêm |
Người dẫn đường cho biết, tình trạng lén lút đốt rừng, lấy gỗ ở khu vực này diễn ra dai dẳng từ khoảng 3 năm nay. Các đối tượng thông đồng với một số người dân để đốt rừng, sau đó nhóm người từ phía Hiệp Đức đi theo đường rừng, tiếp cận khu vực này vào khoảng 5, 6 giờ chiều, mang theo máy cưa để cắt hạ các thân cây lớn. Đến tối, nhóm này dùng xe tải chở theo một xe múc vào cẩu, bốc các đoạn gỗ đã được chặt hạ lên xe rồi di chuyển theo đường vòng, theo rừng cao su về khu vực Khe Dứa để về Hiệp Đức ngay trong đêm.
Mỗi tuần các đối tượng chỉ xuất hiện 1, 2 đêm, lén lút lấy gỗ đi. “Lực lượng chức năng cũng đi tuần tra, nhưng khi họ đã rút đi hết rồi thì còn làm được gì nữa? Cứ lên đánh số rồi về. Cứ như thế thì chẳng mấy chốc ở đây chẳng còn rừng tự nhiên nữa”, một người dân địa phương bức xúc.
|
Diện tích rừng bị phá ở khu vực này lên đến hàng chục hecta nhưng chủ rừng cho đến nay vẫn chưa xử lý cụ thể một vụ phá rừng nào |
Để tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với ông Ung Duy Ba - Hạt phó Hạt Kiểm lâm Phước Sơn. Ông Ba cho biết, những địa điểm xảy ra tình trạng chặt hạ cây rừng đã được kiểm lâm địa bàn kiểm tra, đo đếm và đang trong quá trình điều tra nên không thể cung cấp số liệu liên quan. Ông Ba thừa nhận tình trạng đốt rừng, chặt cây ở khu vực lâm phận giáp ranh giữa xã Phước Hiệp với huyện Hiệp Đức có xảy ra, rất phức tạp. Nhiều lần lực lượng kiểm lâm triển khai phục kích, song đối tượng khá tinh vi, thậm chí cử lực lượng canh giữ kiểm lâm. Đến thời điểm hiện tại, đã phát hiện nhiều vụ phá rừng ở khu vực này, đã tiến hành khởi tố vụ án, nhưng cũng chỉ… để đó, vì không bắt được đối tượng hay tang vật.
“Kiểm lâm gặp khó vì lực lượng mỏng, các đối tượng lợi dụng địa hình phức tạp, đường rừng từ Hiệp Đức lên khá gần so với đường vào khu vực này từ phía Phước Hiệp”, ông Ba nói.
Cũng theo ông Ba, khu vực rừng này thuộc quản lý của các đơn vị như: UBND xã Phước Hiệp và Hạt Kiểm lâm Phước Sơn. Tuy nhiên, trách nhiệm của chủ rừng trong vụ việc này đang được đặt dấu hỏi rất lớn.
|
Những cánh rừng tự nhiên bị đốt cháy nham nhở |
Ông Alăng Ngọc - Giám đốc Ban Quản lý rừng Phước Sơn - cho biết vào tháng 7 vừa rồi có xảy ra vụ cháy rừng tại khu vực đồi Bò Ông Vang. Lực lượng của ban đã tham gia chữa cháy và đang chờ báo cáo diện tích, tọa độ vụ cháy.
Cũng theo ông Ngọc, khu vực xảy ra cháy rừng do UBND xã quản lý, không thuộc lâm phận của ban. Ban đã chỉ đạo Trạm quản lý bảo vệ rừng số 1 phối hợp UBND xã xác minh, đo đếm diện tích, trạng thái rừng, điều tra xác minh nguyên nhân cháy. “Khu vực rừng giáp ranh giữa Hiệp Đức và Phước Sơn có tình trạng người dân Hiệp Đức lên lén lút hạ gỗ. Đây cũng là điểm nóng của huyện”, ông Ngọc nói.
Trao đổi về vụ việc, ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn - cho hay Hạt Kiểm lâm phối hợp với Công an huyện đang tổ chức điều tra và chưa có báo cáo chính thức. Riêng vụ phá rừng do UBND xã Phước Hiệp phát hiện vào ngày 13/7, đến ngày 27/7, huyện mới nhận được báo cáo của xã.
Huyện cũng đã có văn bản chỉ đạo Hạt Kiểm lâm phối hợp với Công an, UBND xã Phước Hiệp tiếp tục điều tra, xác minh, làm rõ đối tượng thực hiện hành vi khai thác rừng, phá rừng trái phép tại khoảnh 6, tiểu khu 646 thuộc địa bàn xã Phước Hiệp và hoàn chỉnh hồ sơ để xử lý nghiêm theo quy định, báo cáo kết quả về UBND huyện.
|
Có những gốc cây 2 người ôm không xuể |
“Tinh thần của huyện là sẽ làm rõ vụ việc, rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân trong việc để xảy ra phá rừng. Huyện cũng giao kiểm lâm và các cơ quan phối hợp với địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát địa bàn, lâm phận quản lý. Hiện nay, lâm phận có rừng tự nhiên giáp ranh với các huyện Hiệp Đức, Nam Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My và cả phía tỉnh Kon Tum, tỉnh đã giao cho các địa phương cùng bàn, thống nhất phương án phối hợp bảo vệ rừng khu vực giáp ranh, song do dịch bệnh phức tạp nên vẫn chưa thể triển khai...” - ông Trung nói.
Nguyễn Dương