PNO - Gia đình ông Bùi Thiện Dân (sinh năm 1963, ngụ thị trấn Định An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) bị người bạn thân là ông Nguyễn Hồng Nhẫn (sinh năm 1959, ngụ cùng thị trấn) ngang nhiên chiếm dụng 230m2 đất mặt tiền để xây nhà máy sản xuất nước đá, kinh doanh thu lợi suốt 14 năm qua.
Bị buộc tháo dỡ vẫn lấn chiếm thêm Gia đình ông Bùi Thiện Dân mưu sinh bằng nghề hàn tiện phục vụ các tàu đánh cá ở cảng cá Định An (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh). Năm 2002, do một phần diện tích đất của gia đình nằm trong khu vực giải tỏa để mở rộng cảng cá, nên gia đình ông Dân được UBND huyện Trà Cú giao lại một mảnh đất khoảng 551m2 (giao đất có thu tiền) đối diện khu vực cảng cá để gia đình di dời cơ sở hàn tiện qua đây.
Tuy nhiên, khi ông Dân chưa kịp di dời thì vào năm 2008, ông Nguyễn Hồng Nhẫn - một người bạn chơi thân nhiều năm của ông Dân, có đất cạnh bên - đã ngang nhiên lấn chiếm 80m2 để mở rộng nhà máy nước đá. Bị “bạn thân” lấn chiếm đất, ông Dân nhiều đêm suy nghĩ cách ứng phó nhằm lấy lại đất mà tránh làm mất lòng với bạn. Theo đó, nhiều lần ông Dân giải thích “đây là phần đất gia đình có kế hoạch di dời cơ sở hàn tiện về chứ không phải bỏ trống, mong bạn hiểu và không xây dựng lấn qua…”. Thế nhưng ông Nhẫn vẫn tiếp tục lấn chiếm nên ông Dân buộc lòng phải trình báo lên chính quyền thị trấn Định An nhờ can thiệp, buộc tháo dỡ. Thế nhưng, ông Nhẫn chẳng những không tháo dỡ mà còn âm thầm mở rộng diện tích lấn chiếm - xây dựng nhà máy lên tới 230m2.
Ông Bùi Thiện Dân bên các bản án có hiệu lực nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa thi hành được
Không chấp nhận được sự ngang ngược của người “bạn thân” thuở nào, ông Dân khiếu kiện đòi lại đất. Ngày 22/10/2009, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Trà Cú xét xử sơ thẩm buộc ông Nhẫn phải tháo dỡ nhà máy nước đá (phần lấn chiếm) trả lại đất cho ông Dân. Ông Nhẫn không đồng ý và kháng cáo. Ngày 20/1/2010, TAND tỉnh Trà Vinh xử phúc thẩm và không chấp nhận các yêu cầu của ông Nhẫn. Khi bản án có hiệu lực, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trà Cú tổ chức thi hành án thì phát hiện nhà máy nước đá là tài sản chung của vợ chồng ông Nhẫn, do bà Tăng Thị Hồng Nghiệp (vợ ông Nhẫn) đứng tên chủ doanh nghiệp, nên không cưỡng chế được. Để giải quyết việc này, TAND tỉnh báo cáo lên TAND tối cao đề nghị xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm. Tại quyết định giám đốc thẩm, TAND tối cao giao hồ sơ cho TAND huyện Trà Cú xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
5 năm sau, vào ngày 15/11/2017, TAND huyện Trà Cú đưa vụ án ra xét xử lại, buộc vợ chồng ông Nhẫn, bà Nghiệp và các thành viên trong gia đình giao trả lại phần đất đã lấn chiếm cho ông Dân. Song, ông Nhẫn vẫn không chấp hành. Lần xét xử phúc thẩm gần đây nhất vào ngày 29/3/2018, TAND tỉnh Trà Vinh đã tuyên buộc hộ ông Nhẫn tháo dỡ nhà máy nước đá, trả lại 230m2 đất chiếm dụng cho ông Dân, đồng thời phải bồi thường thiệt hại cho ông Dân hơn 128 triệu đồng (chiếm dụng đất nhiều năm). Đây là bản án sau cùng, nhưng tới nay vẫn chưa thi hành.
Bao giờ cưỡng chế?
Làm việc với phóng viên, đại diện Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trà Cú cho rằng, việc chậm trễ thi hành án những năm qua là do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc xử lý khí gas của nhà máy nước đá rất tốn kém và phức tạp. Chính vì việc cưỡng chế, tháo dỡ nhà máy này khá gian nan nên ngành chức năng cấp huyện và tỉnh đã gặp gỡ ông Nhẫn, ông Dân để bàn phương án, thỏa thuận. Cụ thể, vận động ông Dân chuyển nhượng toàn bộ phần đất trên cho ông Nhẫn. Ban đầu ông Dân không đồng ý, nhưng sau đó ông chấp nhận bán toàn bộ khu đất hơn 550m2 với giá 3 tỉ đồng thì ông Nhẫn lại không chịu mua.
Phần đất của ông Dân bị ông Nhẫn (từng là bạn thân) chiếm dụng xây nhà máy nước đá hơn 14 năm…
Do vụ việc quá kéo dài nên ông Dân tiếp tục gửi đơn “kêu cứu” nhiều nơi. Gần đây, ông Kim Ngọc Thái - Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trà Vinh - và các ngành chức năng có buổi đối thoại với ông Dân về việc trên. Tại đây, một lần nữa ông Dân đồng ý theo vận động của cơ quan chức năng là chuyển nhượng toàn bộ khu đất cho ông Nhẫn với giá 3 tỉ đồng (như giá cũ). Nếu ông Nhẫn không có thành ý sửa sai thì yêu cầu cưỡng chế, tháo dỡ nhà máy để trả lại đất cho ông Dân. Ông Kim Ngọc Thái ghi nhận ý kiến ông Dân và giao cho Cục Thi hành án dân sự tỉnh chỉ đạo Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trà Cú, chuẩn bị các phương án cưỡng chế nếu việc thỏa thuận không thành.
Cũng do ông Nhẫn cố tình không thi hành án, nên ngày 10/11/2022, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trà Cú ra thông báo về việc thi hành bản án có hiệu lực. Theo đó, trong thời hạn 15 ngày (từ khi nhận thông báo), ông Nhẫn, bà Nghiệp và các thành viên phải tháo dỡ, di dời tài sản ra khỏi phần đất 230m2 đã chiếm dụng của ông Dân. Trường hợp, tiếp tục không di dời thì ngành chức năng sẽ cưỡng chế và ông Nhẫn phải chịu toàn bộ chi phí hơn 800 triệu đồng.
Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh Trà Vinh, cũng như đại diện Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trà Cú nhìn nhận: Vụ việc đã kéo dài quá lâu và dư luận rất quan tâm, đồng thời lãnh đạo tỉnh ủy cũng đã có chỉ đạo, vì vậy lần này phải xử lý rốt ráo. “Việc cưỡng chế, tháo dỡ sẽ được thực hiện vào giữa tháng 12/2022. Dự kiến thời gian cưỡng chế, tháo dỡ khoảng 6 ngày và không có việc trì hoãn thi hành án như thời gian qua nữa, trừ trường hợp ông Nhẫn đạt thỏa thuận mua lại toàn bộ phần đất trên của ông Dân” - đại diện Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trà Cú khẳng định.
Theo xác minh của cơ quan chức năng, mỗi ngày hộ ông Nhẫn sản xuất khoảng 1.800 cây nước đá để bán cho các tàu cá, trừ chi phí ước lời khoảng 8-10 triệu đồng/ngày. Như vậy, 14 năm qua, gia đình ông Nhẫn đã thu lợi rất lớn, trong khi gia đình ông Dân lại phải chịu nhiều thiệt hại, vì không có nơi để di dời cơ sở hàn tiện.