Đất chung thành nhà riêng
Nhiều năm nay, cư dân ở chung cư số 170 Lý Tự Trọng, phường Bến Thành, quận 1 thắc mắc về sự hiện diện của một nhà dân trên tầng 7 (sân thượng) chung cư, vốn là phần diện tích chung của chung cư.
Theo trình bày của người dân, chủ hộ đang sử dụng phần diện tích chung là ông L.V.S. Trước đây, ông S. là bảo vệ của chung cư nên được ban quản trị cũ tạo điều kiện cho “ở nhờ” trên tầng 7 để thuận tiện công việc.
Sau hơn 10 năm, ông S. dẫn gia đình vào sinh sống và đã lấn chiếm trái phép không gian chung của chung cư. Đến năm 2017, khi ban quản trị mới giải quyết cho ông S. nghỉ việc và yêu cầu trả lại không gian chiếm dụng thì ông S. không đồng ý.
Khi gia đình ông L.V.S. xin phép ký hợp đồng thuê nhà, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 1 đã có văn bản từ chối do nhà ở xây dựng trái phép. Theo văn bản số 1280/DVCI-QLN ngày 2/6/2017, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 1 cho biết: “Chung cư có cấu trúc 8 tầng lầu, trước đây do Nhà hát Kịch TPHCM bố trí cho cán bộ, công nhân viên sử dụng.
Trong đó, tầng 7 và 8 là sân thượng dùng làm diện tích chung của tập thể. Phần diện tích căn hộ do ông S. sử dụng ở tầng 7 là phần diện tích sinh hoạt chung. Khoảng năm 1998, ban quản trị chung cư cho ông S. sử dụng, ông S. tự cải tạo thành căn hộ có diện tích khoảng 40m2 và sinh sống”.
Căn cứ biên bản phối hợp kiểm tra hiện trạng sử dụng ngày 24/5/2017 giữa Công ty TNHH Dịch vụ công ích quận 1, UBND phường Bến Thành và việc ông S. không còn làm bảo vệ chung cư, ban quản trị chung cư và tập thể hộ dân đã đề nghị ông S. giao trả lại phần diện tích đã chiếm dụng, vốn là nơi sinh hoạt chung và lối thoát hiểm.
Người dân tại chung cư 55 Nguyễn Văn Thủ, phường Đa Kao, quận 1 nhiều năm nay cũng chịu cảnh phiền hà như trên. Theo đó, chung cư 55 Nguyễn Văn Thủ có diện tích sân chung khoảng 322,99m2 (là phần diện tích để xe, công trình phụ, lối đi, phòng cháy và chữa cháy). Thế nhưng, theo thời gian, nhiều người dân đã lấn chiếm toàn bộ diện tích sân chung này để xây nhà ở, gây mất an toàn trước nguy cơ cháy, nổ.
“Ban đầu, họ xin xây tạm nhưng dần dần cơi nới thành nhà ở ngay tầng trệt chung cư, diện tích sử dụng chung của chúng tôi bị chiếm đoạt. Đối chiếu với bản vẽ ban đầu của chung cư, tôi phát hiện có 3-4 nhà vẫn đang tồn tại theo kiểu tạm, không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không biết bao giờ mới xử lý” - một cư dân ở chung cư 55 Nguyễn Văn Thủ nói.
Theo người dân, hệ lụy của việc xin xây dựng tạm rồi lấn chiếm khiến sân chung ngày càng nhỏ lại, gây mất an toàn cho cư dân. Ngoài ra, gần đây, các hộ dân lấn chiếm trước kia còn tiếp tục sử dụng diện tích sân chung ít ỏi còn lại để làm nơi trồng cây cảnh, sinh hoạt... dẫn đến phát sinh mâu thuẫn giữa các hộ ở tầng trên và hộ lấn chiếm sân chung. Có trường hợp xảy ra xô xát, buộc công an địa phương phải vào cuộc giải quyết.
Tại chung cư Ngô Gia Tự, quận 10, nhiều năm nay, người dân cũng đau đầu do khoảng không gian bên trên bị các hộ ở lâu năm tại đây cơi nới, lấn chiếm. Người dân cho biết, việc các hộ ở trên lầu cơi nới, lấn chiếm dẫn đến các nguy cơ mất an toàn và làm mất mỹ quan chung. Thực trạng này đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền xử lý dứt điểm.
|
Chung cư 170 Lý Tự Trọng bị lấn chiếm tầng 7 (sân thượng chung) để làm nhà riêng |
Khó xử lý do “yếu tố lịch sử”
Theo đại diện UBND phường Đa Kao, quận 1, hiện trạng sử dụng tại tầng trệt và sân chung của chung cư 55 Nguyễn Văn Thủ không có thay đổi, phù hợp với bản vẽ hiện trạng nhà do Hội đồng nhà ở Q.1 lập năm 2001.
Theo người dân, trước đây, khi Báo Phụ Nữ TPHCM phản ánh nạn lấn chiếm sân chung, việc đặt đồ vật lấn chiếm sân chung đã giảm, nhưng những căn nhà được xây dựng trái phép ở đây vẫn tồn tại do “yếu tố lịch sử” (xây dựng trước năm 2001). Hiện tại, khi đặt vấn đề về việc xử lý các trường hợp này, người dân được hướng dẫn khởi kiện đến tòa án để giải quyết. Thế nhưng, ai có trách nhiệm đi khởi kiện để đòi đất chung? Do vậy, những căn nhà nằm trên đất chung vẫn ngang nhiên tồn tại.
Với chung cư 170 Lý Tự Trọng, theo đề nghị của cư dân, ban quản trị chung cư đã nhiều lần đề nghị gia đình ông L.V.S. ngừng cư trú, trả lại nguyên trạng ban đầu để làm chỗ sinh hoạt chung, lối thoát hiểm. Theo biên bản một cuộc họp có sự tham dự của lãnh đạo UBND phường Bến Thành, Công ty Dịch vụ công ích quận 1 và đại diện người dân, trước yêu cầu di dời đi nơi khác, gia đình ông S. viện dẫn điều kiện kinh tế khó khăn nên đề nghị được tiếp tục sinh sống tại chung cư.
Trong cuộc họp này, đại diện UBND phường Bến Thành đã đề nghị ban quản trị chung cư khởi kiện ra tòa án, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý các phần ảnh hưởng đến công tác phòng cháy, chữa cháy, an toàn lao động. Đáng nói, tuy công trình nhà ở của ông S. được xác định là trái phép nhưng ông này lại được cấp sổ hộ khẩu. Theo người dân, việc cấp sổ hộ khẩu cho gia đình ông S. tại chung cư 170 Lý Tự Trọng là không phù hợp với quy định pháp luật.
Phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo và trực tiếp đến UBND phường Bến Thành để tìm hiểu thông tin về hướng xử lý của địa phương với trường hợp ông S. nhưng chưa được hồi âm.
Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, những công trình xây dựng trên diện tích chung của chung cư là công trình trái phép. Việc để hình thành các công trình này là sự tắc trách trong quản lý của cơ quan chức năng.
“Theo quy định, khi người dân có khiếu nại liên quan đến các công trình này, cơ quan chức năng địa phương phải thụ lý, giải quyết hoặc kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền giải quyết chứ không thể đùn đẩy trách nhiệm xử lý và hướng dẫn người dân khởi kiện ra tòa. Song song đó, chủ đầu tư, ban quản trị hoặc đơn vị quản lý chung cư cần phối hợp với cơ quan chức năng để mạnh tay xử lý các công trình sai phép, không tạo tiền lệ xấu cho các vi phạm tương tự” - luật sư Đức nói.
Sơn Vinh