Ngang nhiên bán nền hốt bạc dù 14 năm chưa xong khâu giải tỏa

05/10/2018 - 15:40

PNO - Suốt 14 năm trời vẫn chưa thực hiện xong bồi thường giải tỏa nhưng Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Phi Long (chủ đầu tư dự án Khu đô thị thương mại Nam Sài Gòn) vẫn ngang nhiên chào bán dự án ra thị trường.

Dự án Khu đô thị thương mại Nam Sài Gòn (D14/391A Trịnh Quang Nghị, xã Phong Phú, H.Bình Chánh, TP.HCM) được UBND TP.HCM giao cho Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Phi Long (Công ty Phi Long) làm chủ đầu tư từ năm 2004, hiện vẫn chưa xong khâu đền bù, giải tỏa. Thế nhưng, từ đó đến nay, công ty này vẫn ngang nhiên “xẻ” dự án bán ra thị trường khiến khách hàng rơi vào cảnh khốn đốn. 

Chủ đầu tư nhận tiền rồi trốn 

Trong đơn gửi đến Báo Phụ Nữ TP.HCM, đại diện các khách hàng phản ánh, khoảng năm 2010, nghe Công ty Phi Long rao bán đất nền trong dự án Khu đô thị thương mại Nam Sài Gòn, họ đã tìm đến mua. Lúc này, Công ty Phi Long đưa bản đồ phân lô với nhiều hình ảnh những nhà phố lung linh, một biệt thự hoành tráng làm trụ sở công ty nằm giữa dự án và một đoạn đường khoảng 500m cũng vừa làm xong. 

Thấy dự án quá bắt mắt, cộng thêm những lời “có cánh” của các nhân viên tư vấn, nhiều người đã đổ tiền vào. Thậm chí, có người còn chấp nhận trả thêm tiền ngoài hợp đồng từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. 

Ngang nhien ban nen hot bac du 14 nam chua xong khau giai toa
 
Ngang nhien ban nen hot bac du 14 nam chua xong khau giai toa
Phần lớn dự án chỉ là ao hồ, đồng cỏ

Theo hợp đồng, trong 24 tháng, Công ty Phi Long có nghĩa vụ xây dựng xong hạ tầng dự án và bàn giao nền cho khách hàng để xây dựng nhà ở. Thế nhưng, đến hẹn, mọi người giật mình khi phát hiện dự án không có dấu hiệu được triển khai. Ngoài một vài hạng mục đầu tư ban đầu khi mở bán, hầu như không có hạng mục nào được xây dựng thêm; phần lớn dự án là một khu đất toàn ao hồ, đồng ruộng.

Bức xúc, khách hàng đã khiếu nại nhiều lần nhưng chủ đầu tư chỉ hứa hẹn, không giải quyết. Chờ hết năm này sang năm khác mà dự án vẫn không “nhúc nhích”, nhiều khách hàng tìm đến chủ đầu tư thì phát hiện công ty đã đóng cửa, chủ đầu tư “biến mất”. 

Ông Bùi Đức Tài - một khách hàng mua nền dự án - kể, ông ký hợp đồng mua đất của Công ty Phi Long năm 2009, giá 525 triệu đồng và đã thanh toán 395 triệu đồng (tương đương 80% giá trị hợp đồng). Theo hợp đồng, năm 2011, công ty phải giao đất cho ông, nhưng đến nay vẫn chưa có. Ông đã khiếu nại. Sau nhiều lần hứa hẹn, Công ty Phi Long cắt liên lạc luôn.

“Tôi là người khuyết tật, làm việc cực khổ gần 20 năm mới chắt chiu được vài trăm triệu đồng, mong có căn nhà để an cư. Nhưng gần chục năm qua, tiền mất, đất không có, phải tốn tiền thuê nhà trọ, vô cùng khổ sở” - ông Tài than.

Tương tự, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thảo làm công nhân gần chục năm mới tích cóp được khoảng 300 triệu đồng. Vay mượn thêm, vợ chồng chị mua nền dự án này, đã đóng gần 600 triệu đồng nhưng đất vẫn không có, hằng tháng còn phải trả gần 5 triệu đồng tiền lãi ngân hàng. 

Quá ưu ái chủ đầu tư 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 30/6/2004, UBND TP.HCM đã thu hồi hơn 20ha đất của dân tại xã Phong Phú, H.Bình Chánh để giao cho Công ty Phi Long triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư dự án. Nhưng đến nay, dự án vẫn chưa hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. Dù vậy, hiện nay, hàng loạt văn phòng giao dịch nhà đất ở TP.HCM vẫn đang chào mời, rao bán đất nền của dự án này với giá từ 13-15  triệu đồng/m2.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong quá trình triển khai, thay vì tập trung thực hiện dự án, chủ đầu tư lại liên tục thay đổi người đại diện pháp luật. Ước tính, từ khi dự án được giao đến nay, doanh nghiệp này đã thay đổi người đại diện pháp luật khoảng trên 20 lần. Chủ đầu tư cũng liên tục đổi tên doanh nghiệp, sáp nhập, chuyển trụ sở và có hàng loạt vi phạm.

Dù đã có một vài hạng mục san lấp và đầu tư hạ tầng, nhưng thực tế, dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chủ đầu tư còn có dấu hiệu san lấp rạch trái phép, vi phạm các quy định về quản lý sử dụng đất và đầu tư xây dựng. Ngôi biệt thự hoành tráng trong dự án -  trụ sở của Công ty Phi Long - thực tế là xây dựng trái phép.

Ngang nhien ban nen hot bac du 14 nam chua xong khau giai toa
Ngôi biệt thự xây trái phép trong dự án

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, có nhận được một số đơn phản ánh của khách hàng và đã cho kiểm tra. Hiện Công ty Phi Long vẫn chưa cung cấp được quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án, chưa chấp hành các quy định theo Luật Nhà ở.

Một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho hay, không riêng dự án này, hiện tất cả các dự án mà Công ty Phi Long làm chủ đầu tư tại TP.HCM đều triển khai rất chậm và có nhiều sai phạm như: chưa hoàn tất bồi thường giải phóng mặt bằng; không thực hiện thủ tục chỉnh lý biến động các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đã bồi thường thuộc dự án; chậm đầu tư cơ sở hạ tầng...

Nhiều dự án đã có kết luận thanh tra nhưng chủ đầu tư không khắc phục theo các nội dung kết luận. Vì vậy, vừa qua, sở đã đề xuất UBND TP.HCM có chỉ đạo không xem xét, giải quyết gia hạn cho chủ đầu tư thực hiện dự án, thu hồi hủy bỏ quyết định giao đất.

Theo luật sư Nguyễn Văn Thắng (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận), điều 64 Luật Đất đai quy định rõ, đất được Nhà nước giao, cho thuê mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án thì chủ đầu tư được gia hạn thêm 24 tháng nhưng phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng mức tiền sử dụng đất, thuê đất. 

Nếu hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất. Dự án Khu đô thị thương mại Nam Sài Gòn kéo dài suốt 14 năm qua mà vẫn chưa bồi thường, giải tỏa xong nhưng vẫn không bị thu hồi là quá phi lý. Phải chăng, UBND TP.HCM đã quá ưu ái cho chủ đầu tư? 

Cũng theo luật sư Thắng, theo quy định, dự án chưa bồi thường giải tỏa xong thì không được bán hàng hay huy động vốn dưới bất kỳ hình thức nào, bởi lúc này, đất đai vẫn thuộc sở hữu của người dân. Chủ đầu tư bán đất hoặc huy động vốn trong thời điểm này chẳng khác nào bán đất của người khác. 

Bích Trần 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI