Ngán vay tiền ngân hàng do lãi suất cao

07/03/2023 - 06:01

PNO - Nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay 0,5 - 1%/năm nhưng về tổng thể, lãi suất vẫn ở mức cao khiến người có nhu cầu không dám vay.

Lãi suất giảm nhưng vẫn cao 

Một nhân viên Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Nam Sài Gòn cho biết, đầu tháng Ba này, lãi suất cho vay mua nhà giảm 0,4% ở tất cả các kỳ hạn so với tháng Hai. Hiện lãi suất cho vay 18 tháng là 10,4%/năm, 2 năm là 10,5%/năm, 3 năm là 11,4%/năm. Sau đó, cứ mỗi 3 tháng, lãi suất được điều chỉnh 1 lần với biên độ dao động 3,5%/năm nhưng sẽ không vượt mức lãi suất thả nổi 13,5%/năm. So với tháng 11/2022, lãi suất cho vay mua nhà ở ngân hàng này vẫn cao hơn 0,2%/năm. 

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) đang áp mức lãi suất cho vay năm đầu tiên là 10,3%/năm, giảm 0,2%/năm so với cuối năm 2022 nhưng lãi suất từ năm thứ hai trở đi là 11,9%/năm, vẫn cao hơn 0,5%/năm so với cuối năm ngoái. Lãi suất thả nổi tại ngân hàng này đang là 15,1%/năm. 

Vào tháng 1/2023, lãi suất cho vay mua nhà của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) trong năm đầu là 16%/năm, lãi suất thả nổi là 16,4%/năm. Sang tháng Hai, ngân hàng này giảm lãi suất trong 3 tháng đầu còn 14%/năm; đến tháng Ba, lãi suất trong 3 tháng đầu tiếp tục giảm còn 13,5%. Sau thời gian ưu đãi, lãi suất thả nổi vẫn là 16,4%/năm. 

Nhiều doanh nghiệp cho biết dù lãi suất vay giảm nhẹ nhưng vẫn còn rất cao so với tình hình kinh doanh, tài chính của họ (ảnh chụp ở Công ty may Sài Gòn 3) - ẢNH: THANH HOA
Nhiều doanh nghiệp cho biết dù lãi suất vay giảm nhẹ nhưng vẫn còn rất cao so với tình hình kinh doanh, tài chính của họ (ảnh chụp ở Công ty may Sài Gòn 3) - Ảnh: Thanh Hoa

Trong tháng Ba, lãi suất cho vay của Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) trong 6 tháng là 11,5%/năm, giảm 0,6%/năm so với tháng Hai nhưng lãi suất thả nổi vẫn 14%/năm. Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) giảm lãi suất cho vay trong 6 tháng đầu từ 13%/năm xuống còn 12%/năm, sau đó lãi suất thả nổi là 15,5%/năm. 

Hiện nay, lãi suất cho vay của khối ngân hàng có vốn nước ngoài thấp hơn khối ngân hàng trong nước. Lãi suất cho vay mua nhà của Ngân hàng Shinhan (Hàn Quốc) trong tháng Ba này giảm thêm 1%/năm cho mọi kỳ hạn so với tháng Hai, giảm khoảng 1,5%/năm so với tháng 12/2022. Hiện lãi suất cố định trong 6 tháng đầu của ngân hàng này là 7,99%/năm, 54 tháng tiếp theo là 10,5%/năm nhưng nếu so với tháng 11/2022, lãi suất vẫn cao hơn khoảng 0,3%/năm. 

Trong tháng 3/2023, Standard Chartered (Anh Quốc) giảm lãi suất thêm 1%/năm, còn 11%/năm trong suốt thời gian vay; Hong Leong Bank (Malaysia) giảm lãi suất từ 11,7%/năm xuống còn 10,7%/năm, lãi suất thả nổi là 13,2%/năm; lãi suất cho vay của UOB (Singapore) trong năm đầu là 10,98%/năm, sau đó thả nổi 13,2%/năm. 

Một khách vay là anh Trần Văn Vinh (TPHCM) cho biết: “Trước đây, tôi đóng tiền gốc và lãi khoảng 30 triệu đồng/tháng nhưng bây giờ phải đóng gần 38 triệu đồng/tháng. Mức giảm hiện nay quá thấp so với tổng mức tăng thời gian qua”. Anh Vinh vay ngân hàng 2 tỉ đồng, lãi suất ưu đãi là 8,9%/năm nhưng lãi suất thả nổi vẫn 14%/năm. 

Doanh nghiệp không dám vay 

Ông Trần Việt Anh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn - cho hay, đầu tháng 10/2022, lãi suất cho vay tăng 4 - 5%/năm nhưng nay chỉ giảm 0,5 - 1%/năm, lãi suất vay trung bình vẫn trên 10%/năm nên các doanh nghiệp không dám vay khoản mới: “Nhiều doanh nghiệp được cấp hạn mức tín dụng nhưng không dám giải ngân do đơn hàng xuất khẩu ít, công ty không có lợi nhuận, càng vay sẽ càng lỗ. Các doanh nghiệp đều mong lãi suất cho vay giảm về mức 7 - 8%/năm như trước”.

Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM (AGTEK) - thông tin, đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ hiện nay giảm 30 - 40%, sang châu Âu giảm 60%. Trong quý I/2023, tổng đơn hàng xuất khẩu của ngành tiếp tục giảm 40% so với cùng kỳ năm trước, đối tác yêu cầu giảm giá 50% khiến sự cạnh tranh thêm gay gắt. Việc lãi suất cho vay giảm là điều tốt nhưng trong bối cảnh đơn hàng giảm, đối tác ép giá như hiện nay, các doanh nghiệp không dám vay khoản mới. Doanh nghiệp mong có chính sách hỗ trợ như hoãn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), trong quý II và quý III/2022, doanh thu của các doanh nghiệp ở TPHCM đạt 64% so với trước đại dịch COVID-19. Sang quý IV/2022, hoạt động sản xuất, kinh doanh chậm lại, số doanh nghiệp có doanh thu tăng chỉ còn 22% (tỉ lệ này trong quý III/2022 là 26%). Trong quý I/2023, số doanh nghiệp có mức lương bình quân trên 10 triệu đồng/người/tháng giảm còn 65% (tỉ lệ này trong quý II/2022 là 80%).

Ông Nguyễn Phước Hưng - Phó chủ tịch HUBA - nói, lãi suất cho vay trên 10%/năm như hiện nay sẽ tác động rất lớn đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước cần hạ lãi suất huy động vốn của các ngân hàng để chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn nợ vay đối với các khoản vay trung, dài hạn; áp dụng chính sách ân hạn 1 năm thay vì gộp nợ và trả ngay trong năm sau như đã áp dụng năm 2021; kéo dài thời gian của hợp đồng vay tương ứng với thời gian ân hạn mà không làm thay đổi số tiền phải trả từng thời kỳ theo lịch trả nợ trước đó. 

Lãi suất chỉ giảm tạm thời 

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc OCB - cho biết, lãi suất cho vay đang giảm nhanh hơn so với lãi suất huy động. Trong vài tuần tới, lãi suất sẽ tiếp tục giảm nhanh bởi lãi suất cao sẽ làm tăng rủi ro cho ngân hàng: “Lãi suất cao khiến khả năng trả nợ thấp, nợ xấu tăng”. 

Theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, việc giảm lãi suất hiện nay chỉ mang tính giai đoạn, tình thế. Muốn lãi suất giảm lâu dài, lạm phát phải giảm sâu, lãi suất huy động giảm. Còn hiện nay, lãi suất huy động chỉ giảm ở vài ngân hàng. Lạm phát ở Mỹ vẫn còn khá cao, chưa có dấu hiệu gì cho thấy Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dừng tăng lãi suất. Việc Fed tiếp tục tăng lãi suất sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam, giá trị đồng USD tăng khiến giá trị tiền đồng giảm (tỉ giá tăng) bởi nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu. Những yếu tố này buộc Ngân hàng Nhà nước phải đẩy lãi suất lên cao để ổn định tỉ giá. 

Theo ông, các ngân hàng giảm lãi suất là do áp lực từ Ngân hàng Nhà nước, do mức cầu của nền kinh tế giảm (các hoạt động kinh tế giảm, các trung tâm thương mại vắng vẻ, thị trường bất động sản đóng băng…). Việc giảm lãi suất sẽ tốt cho doanh nghiệp, cho người vay mua nhà, có thể giúp thị trường bất động sản khởi sắc. Tuy nhiên, cách tính lãi suất hiện nay là chưa rõ ràng, chỉ ưu đãi trong 6-12 tháng đầu, sau đó thả nổi với biên độ 4 - 5%/năm. Ở Mỹ, người vay mua nhà chỉ chịu lãi suất cố định 7%/năm trong vòng 30 năm. 

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước công bố gói 120.000 tỉ đồng hỗ trợ người mua nhà ở xã hội với lãi suất thấp hơn lãi suất trên thị trường từ 1,5 - 2%/năm. Theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, nếu chỉ giảm 1,5 - 2%/năm thì gói hỗ trợ không có ý nghĩa, không có nhiều người dân có khả năng tiếp cận được khoản vay bởi lãi suất cho vay hiện vẫn ở mức 12 - 15%/năm. Để hiệu quả, gói hỗ trợ này phải giống gói 30.000 tỉ đồng cách đây 10 năm, tức Ngân hàng Nhà nước rót vốn cho các ngân hàng thương mại với lãi suất thấp 3% để các ngân hàng này cho vay với lãi suất 5%/năm. 
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định: “Thị trường trái phiếu đang đóng băng, không ít doanh nghiệp có thể vỡ nợ do không bán được sản phẩm, không vay được vốn để đảo nợ. Chính phủ cần có biện pháp chặn khủng hoảng. Nếu không, kế hoạch phát triển kinh tế sẽ phi thực tế, không khả thi”. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI