Ngăn tội phạm tẩu tán tài sản, làm sao để đảm bảo quyền công dân?

30/10/2024 - 11:34

PNO - Nhiều vụ án lớn hiện vẫn gặp khó bởi tới thời điểm khởi tố, xét xử, các tài sản đã bị tẩu tán.

Sáng 30/10, Quốc hội nghe tờ trình dự thảo Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.

Quốc hội nghe Tờ trình dự thảo Nghị quyết
Quốc hội nghe Tờ trình dự thảo Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự - Ảnh: Q.H.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết, nghị quyết xác định việc thí điểm xử lý vật chứng, tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa thực hiện ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, xuyên suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Phạm vi chỉ áp dụng thí điểm đối với các vụ án, vụ việc hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Dự thảo Nghị quyết quy định 5 biện pháp xử lý vật chứng, tài sản, bao gồm: Trả lại tiền cho bị hại hoặc gửi tiền vào ngân hàng để chờ xử lý; Nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa; Cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản và xử lý tiền thu được từ việc mua bán, chuyển nhượng; Giao vật chứng, tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp để quản lý, khai thác, sử dụng; Tạm ngừng giao dịch; tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản.

Trong đó, với biện pháp thứ năm (Tạm ngừng giao dịch; tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản), ông Nguyễn Huy Tiến cho biết thêm, quy định này nhằm ngăn ngừa việc tẩu tán, chuyển dịch tài sản liên quan tội phạm ngay từ ban đầu, tạo một bước sớm để kiểm tra, xác minh, khi có đủ căn cứ, điều kiện thì áp dụng ngay các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa theo quy định.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc áp dụng cơ chế thí điểm sẽ có tác động rất lớn đến quyền con người, quyền công dân, nhất là quyền tài sản. “Do đó, phạm vi thí điểm giới hạn trong một số vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo như dự thảo là phù hợp” - bà Nga nói.

Thảo luận về nội dung này tại phiên thảo luận tổ của đoàn TPHCM, ĐBQH Dương Ngọc Hải cho hay, nhiều vụ án, trong đó có cả các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo cũng gặp khó khăn. Có những tài sản trong các vụ án kéo dài, thậm chí đến giai đoạn thi hành án. Có những vụ kéo dài hàng chục năm chưa giải quyết được, chưa thi hành án xong. Ở TPHCM có một số vụ án trong lĩnh vực ngân hàng, đến nay đã 30 năm vẫn chưa giải quyết.

Thực tế, có vụ việc đã biết rõ đối tượng tình nghi nhưng không thể xử lý, không thu giữ được nhưng tới khi khởi tố và xét xử, các đối tượng đã tẩu tán tài sản. Do đó, ĐBQH cơ bản đồng tình với dự thảo nghị quyết để khắc phục những khó khăn trên.

Dù vậy, đại biểu Dương Ngọc Hải cũng phân vân, trong trường hợp không chứng minh được hành vi phạm tội thì việc giải quyết thế nào khi chúng ta đã xử lý tài sản trước khi tòa tuyên án. Ông thấy trong dự thảo nghị quyết, vai trò, trách nhiệm của Viện Kiểm sát trong việc giám sát hoạt động tư pháp còn rất mờ nhạt.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) lưu ý, nghị quyết này cần được xây dựng để đảm bảo quyền con người và quyền công dân, đồng thời phù hợp với các nguyên tắc “suy đoán vô tội”. Việc áp dụng các biện pháp hạn chế quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu cần được xem xét kỹ lưỡng ở từng giai đoạn tố tụng khác nhau, tránh xâm phạm không cần thiết hoặc vi phạm quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI