Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi có dịp ghé thăm ngôi làng Xoă dưới chân núi Chư Đăng Ya (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai). Ngôi làng yên bình, mộc mạc do được ngọn núi bao bọc. Những cánh đồng lúa xanh mướt, trải dài, những dòng sông uốn lượn như tô vẽ thêm sắc màu cho ngôi làng nhỏ.
Lớp học bơi của những chàng trai chăn bò
Khi chúng tôi đang hòa mình vào cảnh sắc nơi đây thì thoáng thấy một nhóm người gồm cả lớn cả bé đang đứng vui đùa trên bờ suối. Tiến lại gần trò chuyện, cả đoàn mới vỡ lẽ ra rằng, một số nam thanh niên trong làng đã nghĩ ra cách ngăn suối dạy bơi cho trẻ em.
3 thanh niên đã mở ra lớp học bơi núi rừng này là Y Pyiu, Y Tai (cùng SN 1994), anh Rơ Ni (SN 2000), cùng ngụ làng Xoă (xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai).
|
Ba chàng trai trẻ dạy bơi, dạy cứu người đuối nước cho các em nhỏ |
Nói về lớp dạy bơi đặc biệt này, 3 chàng thanh niên nở nụ cười hiền rồi nhìn nhau nói, từ xưa khi đi chăn bò, Y Pyiu, Y Tai và Rơ Ni thấy nhiều em nhỏ không biết bơi, sợ nước. Bên cạnh đó, 3 chàng trai đã chứng kiến cảnh nhiều em nhỏ bị đuối nước thương tâm nên đã nảy sinh ý định mở lớp dạy bơi.
Tuy nhiên, do ở khu vực nông thôn, xung quanh chủ yếu là núi rừng, sông suối nên cả nhóm nghĩ ngay ra cách chặn suối để làm hồ bơi dạy cho các em. Dựa vào thời gian học tập của các em nhỏ, 3 chàng trai chia thành các buổi dạy bơi phù hợp.
“Bọn mình ở quê nên hiểu được sự khó khăn, thiếu thốn của các em nhỏ nên chúng mình dạy bơi hoàn toàn miễn phí. Gia đình các em nghèo nên cũng không có điều kiện mua phao bơi, do đó mọi người tận dụng thân chuối hoặc can nhựa để tập bơi cho các em.
Các em học nhanh thì chỉ mất khoảng 1 tuần, chậm thì nửa tháng sẽ biết bơi. Ngoài kinh nghiệm bơi đã có trong nhiều năm của mình, bọn mình còn trau dồi thêm kiến thức trên mạng xã hội để có thể truyền dạy lại các em một cách tốt nhất”, anh Y Tai nói.
Đang dở câu chuyện, anh Y Tai đưa mắt nhìn lớp học và yêu cầu hơn chục em nhỏ tay cầm can nhựa, thân cây chuối… đứng vào hàng để khởi động trước khi bơi.
Sau khi cho các em khởi động khoảng 10 phút, anh cho các em xuống suối và chia thành 3 nhóm ngự trị ở 3 đoạn suối khác nhau. Trong đó, anh Rơ Ni dạy các em chưa biết bơi, anh Y Tai dạy các em cách bơi ngửa, Y Pyiu dạy cho các em đã bơi thành thạo về kĩ năng cứu người bị đuối nước.
3 chàng trai dạy cho các em lý thuyết về môn bơi lội, kỹ thuật bơi cơ bản để phòng ngừa đuối nước, cách nhận biết vùng nước nguy hiểm, cách cứu người đuối nước, các kỹ năng sơ cứu người đuối nước…. 3 “thầy giáo” mặc dù chưa qua trường lớp nào nhưng vẫn mang đến sự cuốn hút và dõi theo của các học trò.
Khi phần lý thuyết đã giúp các em hiểu được phần nào thì 3 “người thầy” tiến xuống dòng suối và thực hiện từng động tác cụ thể. Những động tác hụp, lặn, sải tay, đạp chân được thực hiện điêu luyện, tỉ mĩ.
Anh Y Pyiu chia sẻ “Lớp học không những giúp các em học bơi, ứng cứu người khi cần thiếu mà còn là sân chơi thể thao lành mạnh giúp các em bớt căng thẳng và rèn luyện sức khỏe sau những giờ học trên lớp”.
Từ lớp học đi cứu người đuối nước
Khi chúng tôi hỏi, có em nào sau khi học xong từng cứu được người bị đuối nước thì có 7 cánh tay rụt rè dơ lên. Chia sẻ câu chuyện của mình, em Siu Than (SN 2008, làng Xoă, xã Chư Đăng Ya) với ánh mắt tự hào nhớ lại, cách đây khoảng 2 năm trên đường đi học về thì em phát hiện một bạn học sinh lớp 1 chẳng may bị trượt chân rơi xuống suối.
Lúc này, không nghĩ ngợi gì, em vội để cặp sách trên bờ ngồi nhảy ùm xuống suối với hy vọng cứu được bạn lên bờ. Sau đó, Siu Than kéo cổ áo bạn từ phía sau đến đoạn nước cạn và cả 2 lên bờ an toàn. Từ đó, Siu Than đã kéo thêm 2 thành viên nữa đến lớp học bơi.
Hiện, người bạn bị đuối nước ngày đó và anh trai bơi rất giỏi, bên cạnh đó 2 anh em vẫn học thêm kỹ năng, đồng thời tham gia dạy cho các em chưa biết bơi.
Với thành tích cứu người bị đuối nước đáng nể của cậu bé 12 tuổi, A Lai khiến nhiều bạn trong lớp khâm phục và tự hào.
A Lai cho hay, từ khi đi học bơi em đã bạo dạn hơn và không có cảm giác sợ nước như trước nữa. Từ những kiến thức mà 3 “người thầy” đã dạy, A Lai trau dồi thêm, tập bơi nhiều để có thể có đủ sức khỏe khi cần thiết phải cứu người.
|
Nhiều em nhỏ sau khi học bơi đã cứu được nhiều trường hợp đuối nước trên địa bàn |
Với gương mặt ngây thơ, A Lai cho biết, em đã cứu được 4 bạn bị đuối nước. Nhớ lại lần đầu tiên cứu người là vào năm 2017, khi A Lai mới 10 tuổi, hôm đó em cùng các bạn đi tắm dưới ao tưới cà phê. Lúc đó, một bạn nữ nhỏ hơn em 2 tuổi mặc dù không biết bơi nhưng vẫn nhảy xuống tắm cùng. Do ao sâu nên bạn nữ bị đuối nước.
Lúc này A Lai chỉ nghĩ phải cứu được bạn nên đã áp dụng những kiến thức đã học bơi thật nhanh ra để kéo bạn vào bờ.
“Em mong rằng không phải cứu thêm một trường hợp nào bị đuối nước nữa, bởi khi đó mọi người sẽ biết bơi và không có những tai nạn đáng tiếc xảy ra”, A Lai nói.
Không chỉ giành thời gian dạy bơi cho các em nhỏ, 3 chàng trai Y Tai, Y Pyiu và Rơ Ni còn lập kênh You Tube cá nhân để giới thiệu về những cảnh sắc, đời sống sinh hoạt của người dân trong làng. Hiện kênh đã có trên 100.000 lượt đăng ký, mỗi tháng kiếm được từ 15 đến 20 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Nội - Chủ tịch UBND xã Chư Đăng Ya cho biết, trước đây không chỉ khu vực này mà nhiều nơi khác thường xuyên xảy ra các vụ đuối nước thương tâm. Tuy nhiên, từ khi mô hình dạy bơi cho trẻ em của 3 chàng thanh niên trẻ làng Xoă mở ra thì tình trạng này đã giảm, 2 năm trở lại đây, trên địa bàn xã không xảy ra vụ đuối nước nào.
“Mô hình của 3 chàng trai này rất đáng được tuyên dương. Chúng tôi hi vọng mô hình này sẽ được lan rộng đến địa bàn vùng sâu, xa của các buôn làng ở Tây Nguyên”, ông Nội chia sẻ.
Theo Trúc Hân (GD&TĐ)