ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho biết, cả nước có hơn 800.000 ca mắc COVID-19, trong đó TPHCM là trên 406.000 ca (khoảng 50%). Tính đến ngày 8/10, TP đã mất đi 15.603 người, số ca chỉ tính trên tầng 2 và tầng 3. Như vậy có 690 người/1 triệu dân đã mất (so với bình quân thế giới là 616, và cả nước là 207).
“Lãnh đạo và nhân dân TPHCM đang nỗ lực chung sức chia sẻ nỗi đau với các gia đình có người thân mất trong đại dịch. Nhưng bên cạnh đó, qua dịch bệnh đã phát lộ rõ hơn nhiều vấn đề bức xúc, vốn là các vấn đề mà Đoàn ĐBQH TPHCM đã nhiều lần phát biểu trước nghị trường Quốc hội”, ĐBQH Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Đó là quá tải hệ thống y tế; vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp; định biên, biên chế cho một TP đông dân rất thấp; rồi phường, xã, thị trấn có 100.000 dân trở lên có định biên cũng giống như các phường, xã, thị trấn 2.000 – 3.000 dân…
“Đặc biệt, ngân sách để lại cho TPHCM là quá thấp mà chúng tôi đã nhiều lần đề nghị trước Quốc hội nhưng đến giờ này vẫn chỉ có 18%. Năm 2019, TPHCM thu hơn 411.000 tỷ đồng, chỉ chi được 78.000 tỷ đồng. Năm 2020, thu hơn 372.000 tỷ đồng, chi cũng không quá 70.000 tỷ đồng. Sang năm 2021, dự toán là 365.000 tỷ đồng và được để lại 69.000 tỷ đồng. Như vậy, TPHCM phải bội chi 14.000 tỷ đồng nữa mới đảm bảo được các khoản chi”, ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho biết.
Vì vậy, các khoản đầu tư cho TPHCM tới đây phải được đầu tư đúng mực để TP có điều kiện đầu tư vào hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là đầu tư y tế. TP cần có nhiều hơn nữa cơ chế chính sách đãi ngộ cho đội ngũ y, bác sĩ, đãi ngộ phải thỏa đáng để thu hút học sinh giỏi vào ngành y và giúp y, bác sĩ an tâm công tác.
Tam Bình