Ngân sách đầu tư cho văn hóa chỉ dưới 1%, trung tâm văn hóa lớn TPHCM bao giờ cất cánh?

09/07/2020 - 17:38

PNO - Đại biểu đặt vấn đề, 5 năm qua, làm gì mà vẫn một câu đánh giá phát triển văn hóa chưa tương xứng vai trò, vị trí là trung tâm cả nước?

Chiều 9/7, Kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM khóa IX tiếp tục làm việc với các phiên thảo luận tại tổ.

Góp ý về văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng và dự thảo báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025, đại biểu Nguyễn Văn Đạt quan tâm các vấn đề mà ông cho cần làm rõ thêm về nội dung quy hoạch đô thị và 7 chương trình đột phá vẫn chưa có chương trình nào đạt 100%, đặc biệt vấn đề giảm ngập nước chưa có được một kết quả để người dân thật sự yên tâm.

Kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM khóa IX ngày khai mạc 9/7. Ảnh: Quốc Ngọc
Kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM khóa IX khai mạc ngày 9/7 - Ảnh: Quốc Ngọc

Tuy nhiên, ông Đạt bày tỏ thắc mắc lớn hơn về vấn đề văn hóa. “Tôi nhớ trong báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020, đánh giá hạn chế thiếu sót đó là phát triển văn hóa của thành phố chưa tương xứng vai trò, vị trí là trung tâm văn hóa lớn của vùng và cả nước. Và trong dự thảo báo cáo chính trị lần này, để chuẩn bị cho đại hội nhiệm kỳ 2020-2025, vẫn cũng một câu đánh giá y chang như vậy”, ông Đạt nêu.

“Tôi nghĩ chúng ta cần xem xét nhận định và nghiêm túc đánh giá lại. Vậy 5 năm qua chúng ta tập trung đầu tư cho lĩnh vực văn hóa như thế nào? Thành phố cần quan tâm hơn, đánh giá sâu hơn nguyên nhân nào, để nhiệm kỳ 2020-2025, chúng ta có những giải pháp cụ thể hơn, đầu tư nguồn lực nhiều hơn nữa để làm sao phát triển văn hóa phải tương xứng với vị trí, vai trò của thành phố”, ông Đạt bày tỏ.

Theo ông Huỳnh Thanh Nhân - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM - đây là đánh giá về đầu tư phát triển văn hóa chưa tương xứng với phát triển kinh tế của thành phố.

“Tôi nghĩ đánh giá này có lẽ không chỉ nhiệm kỳ này mà nhiệm kỳ sau cũng như thế. Mặc dù phải nói sự quan tâm, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố những năm gần đây về phát triển văn hóa rất lớn. Nội dung đánh giá này do Sở tham mưu UBND thành phố đưa vào văn kiện để cho thấy văn hóa của chúng ta đang ở đâu trong phát triển kinh tế của thành phố”, ông Nhân nói và cho hay tỷ lệ ngân sách đầu tư cho văn hóa hiện là một con số rất nhỏ, chỉ dưới 1%.

Ông Nhân cho biết, qua đối thoại văn hóa, Sở đã lấy ý kiến và tổng hợp để tham mưu làm sao phải có tỷ lệ nhất định trong tổng chi của thành phố, tương xứng cho phát triển văn hóa và cho rằng, nên có một quy định cụ thể về tỷ lệ này.

Mặc dù hiện nay, TPHCM đang có nhiều dự án được triển khai, nhưng thật sự số cơ sở do thành phố đang quản lý để phục vụ đáp ứng được nhu cầu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ví dụ những dự án quy mô, như khởi công rạp xiếc thành phố sắp tới, hay nhà hát giao hưởng hiện nay đang phê duyệt quy hoạch…

“Vừa rồi Ban thường vụ cũng thông qua Đề án phát triển xây dựng bảo tàng của TPHCM. Trong những năm tới, chúng tôi tin rằng các công trình văn hóa của thành phố sẽ khá hơn, cả về việc phát huy được các thiết chế văn hóa”, ông Nhân nói.

Một vấn đề dư luận rất quan tâm là bảo tồn di tích văn hóa. Thứ nhất, trong công tác giám sát vừa qua, Sở đã kiến nghị vướng mắc, khó khăn và hiện năm nay các dự án trùng tu, bảo tồn di tích đã tăng về số lượng.

Thứ hai là lãnh đạo thành phố đã chấp nhận cho các di tích trên địa bàn quận huyện sẽ do Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình khu vực làm chủ đầu tư việc trùng tu, bảo tồn. Đây là chỉ đạo mà người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa đánh giá cao về sự quan tâm của thành phố đối với vấn đề mà người dân quan tâm.

“Chúng ta giữ cũng nhiều mà mất cũng có. Trong đó có những công trình mà chúng tôi phải trả lời chất vấn rất nhiều… Ví dụ như di tích Nhà máy Ba Son, chúng ta có giữ được không? Chúng tôi đã tham mưu Thành ủy và UBND thành phố đề nghị Bộ Quốc phòng thống nhất bàn giao cho thành phố”, ông Nhân nêu.

Ngày mai 10/7, các đại biểu sẽ nghe báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tổ tại hội trường về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2020; chương trình hoạt động giám sát năm 2021 của HĐND thành phố.

Vào buổi chiều, Thường trực HĐND thành phố báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố. Đại biểu sẽ thảo luận và có thể thông qua nghị quyết giám sát chuyên đề này, đồng thời, thảo luận về các tờ trình của UBND thành phố.

Quốc Ngọc

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Quang Thành 09-07-2020 18:39:15

    Bài viết hay. Nhưng nghĩ lại thì thấy buồn quá. Mấy chục năm qua, thành phố lớn nhất nước này mà chưa xây dựng được một nhà hát xứng tầm nào cả thì là một chuyện khó tin, nhưng là sự thật.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI