Ngẩn người vì những đề văn cũ… hơn người yêu cũ

05/04/2020 - 21:34

PNO - Ở nhà chống dịch, xem chương trình dạy văn trên truyền hình, tôi giật mình bắt gặp những đề văn cũ hơn… người yêu cũ.

Tình cờ, VTV7 đang phát bài giảng phân tích thông qua vở chèo Quan Âm Thị Kính. Tôi bất ngờ khi năm nay đã là năm 2020 của thế kỷ 21 rồi mà vở chèo vẫn còn được phân tích theo kiểu Sùng bà đại diện cho giai cấp địa chủ phong kiến, Thị Kính đại diện cho tầng lớp nhân dân lao động bị thống trị. Những mâu thuẫn lặt vặt mẹ chồng con dâu được “nâng cấp” thành mâu thuẫn đối kháng cho hai giai cấp. Nghe được một đoạn, một người trung niên như tôi còn thấy chán, chẳng buồn muốn nghe tiếp.

Tôi chợt ngẩn người khi nghĩ tới thế hệ 2k (những đứa trẻ sinh từ năm 2000 trở về sau) - đối tượng chính đang phải nghe bài giảng này một cách bắt buộc - sẽ tiếp nhận thông tin và tư tưởng chủ đạo của tác phẩm, của thời đại như thế nào?

Với cái kiểu phân tích văn học sáo mòn, cũ kỹ và có phần khiên cưỡng đến bảo thủ thì bảo sao học sinh thấy chán môn văn? Các em không thể tiếp nhận thông tin thì không thể cảm và yêu văn chương được.

Không chỉ gặp lại “người cũ” trong tác phẩm mà khi đề minh họa cho đề thi THPT quốc gia năm nay của Bộ GD-ĐT được công bố, tôi cũng gặp lại người quen cũ. Ở phần nghị luận văn học vẫn là Mỵ của cặp đôi Vợ chồng A Phủ.

Nếu để ý sẽ thấy, cả chục năm rồi, đề nghị luận văn học lớp 12 cứ quanh quẩn với Vợ chồng A Phủ, với Lặng lẽ Sapa, với Ai đã đặt tên cho dòng sông... Chẳng lẽ, trong văn học Việt Nam, đáng để học sinh tìm hiểu chỉ có loanh quanh vài tác phẩm đó thôi sao?

Đừng trách học sinh cứ học thuộc lòng văn mẫu cả tập dày cộp, bởi chúng ta có “cỡi trói” cho tư duy thẩm mỹ của tụi nhỏ đâu. Chúng ta cứ bắt chúng quanh quẩn với những tác phẩm và chủ đề "nhẵn mặt" ấy. Hễ nói đến Mỵ là phải nói đến sự áp bức, sự cùng cực… Những đề kiểm tra đánh giá khác nào máy photocopy siêu tốc in hàng loạt cực nhanh mà chẳng cần chút cảm xúc nào.

Với kiểu đề thi muôn năm cũ như vậy, bảo sao học sinh lười đọc sách, không thích tìm tòi cảm nhận những tác phẩm văn học mang tính nhân văn bổ ích cho tâm hồn. 

Công sức dạy học sáng tạo, phản biện, cách cảm nhận một tác phẩm văn học... của bao nhiêu thầy cô sẽ ra sao khi từ chương trình cho đến cách kiểm tra đánh giá cũ hơn cả… người yêu cũ!

Tâm Tâm

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI