Ngán ngẩm vì phim truyền hình dài lê thê

27/07/2024 - 07:50

PNO - Bộ phim Mình yêu nhau, bình yên thôi (phát trên kênh truyền hình VTV3 lúc 20g từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần) vừa bước sang tập 102. 2 nhân vật chính Đức Anh và Hân đã có kết thúc có hậu sau gần 5 tháng phát sóng. Thế nhưng, phim vẫn chưa kết thúc bởi câu chuyện của 2 đôi nhân vật phụ là Lâm - Ngọc, Quân - Lan chưa được giải quyết xong.

Mối tình của Lâm và Ngọc hiện đang bị mẹ cô phản đối do chênh lệch hoàn cảnh, địa vị xã hội. Còn Quân và Lan quay về điểm xuất phát ban đầu là chỉ làm bạn với nhau. Xem ra, để đi đến cái kết có hậu như “truyền thống” của phim Việt, còn phải mất thêm nhiều tập phim nữa. Đến nay, nhà sản xuất cũng chưa công bố phim dừng ở tập mấy.

Với thời lượng 20 phút/tập, 102 tập Mình yêu nhau, bình yên thôi cũng chỉ tương đương 51 tập so với phim truyền hình có độ dài thông thường là 40-45 phút/tập. Có điều, do thiếu tính đột phá, người xem vẫn có cảm giác phim này lê thê quá mức cần thiết. Mâu thuẫn giữa vợ chồng Đức Anh - Hân tựu trung chỉ vì tính người chồng trẻ con, còn người vợ cố chấp. Một số tình huống hiểu lầm lẽ ra được hóa giải ngay nếu nhân vật hỏi cho ra lẽ nhưng lại không hỏi, rất trái với tính cách nhân vật được khắc họa.

Đức Anh và Hân làm hòa nhưng phim Mình yêu nhau, bình yên thôi  vẫn chưa dừng ở tập 102
Đức Anh và Hân làm hòa nhưng phim Mình yêu nhau, bình yên thôi vẫn chưa dừng ở tập 102

Nhân vật không thèm hỏi, không cần giải thích là mô típ quen thuộc để câu giờ ở nhiều phim truyền hình trước đó. “Chiêu” này chỉ hiệu quả khi phim ở giai đoạn đầu; nếu nhà làm phim vẫn áp dụng thì càng về sau, người xem càng thấy ngán.

Phim truyền hình hiện nay đa phần dài từ 40 tập trở lên, thời lượng phổ biến từ 40-45 phút/tập. Mỗi khi sắp phát sóng, nhà sản xuất thường công bố số tập nhưng ít khi nào dừng ở con số đã công bố, nhất là với phim truyền hình làm theo kiểu vừa quay, vừa phát. Đã có những phim kéo dài cả trăm tập, như phim Hoa vương 102 tập, Gạo nếp gạo tẻ 109 tập. Với những phim này, thứ duy nhất giữ chân khán giả là diễn viên và diễn xuất.

Người xem mong được xem phim ít tập, gọn gàng, dàn diễn viên có nghề, nhưng điều này hóa ra lại khó thành hiện thực. Ở phía Bắc, chỉ có 1 đơn vị sản xuất phim truyền hình là hãng VFC nhưng đảm nhiệm 2 khung giờ phim trên VTV1 và VTV3. Từ tháng 3/2024, VTV3 có thêm khung thời gian chiếu phim mới là 20g mỗi ngày trừ thứ Bảy, Chủ nhật nên “chia lửa” sản xuất với đơn vị ngoài. Phim mở màn khung giờ mới này là Mình yêu nhau, bình yên thôi do SK Pictures thực hiện.

Ở phía Nam, số đơn vị tư nhân tham gia sản xuất phim nhiều hơn nên ít có tình trạng dôi dư số tập. Nhưng dù có 1 hay nhiều đơn vị tham gia sản xuất thì “bệnh” chung của phim truyền hình vẫn là “tham”. Hiếm lắm mới có một số phim dài dưới 30 tập, như Lối về miền hoa 24 tập, Đừng làm mẹ cáu 25 tập, Anh có phải đàn ông không 28 tập, hay gần đây là Gặp em ngày nắng 16 tập.

Việc phim nội “nở nồi” về số tập dường như đang đi ngược trào lưu làm phim truyền hình hiện nay trên thế giới. Nhiều phim bộ của Mỹ, Hàn giờ đây được rút ngắn còn dưới 20 tập/bộ hoặc chia nhỏ ra thành nhiều mùa. Cách làm này khiến người xem đỡ ngán, nhưng để làm được điều này, đòi hỏi tay nghề biên kịch rất cao. Khi chưa có được điều này, người xem chỉ mong các nhà biên kịch Việt đừng cố gắng câu kéo, bởi càng kéo, càng lộ điểm yếu và càng khiến khán giả ngán ngẩm.

Nguyễn Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI