Ngán ngẩm vì phim chiếu mạng chèn quảng cáo

22/08/2022 - 15:41

PNO - Trong nhiều sản phẩm web drama (phim chiếu mạng) có không ít phim khiến người xem ngán ngẩm vì quảng cáo dày đặc, được chèn vô tội vạ, không ăn nhập với nội dung phim.

Hợp tác với nhãn hàng để có thêm kinh phí sản xuất là việc mà các nghệ sĩ Việt thường làm. Nhiều dự án không chỉ có một, mà tới ba hoặc bốn nhãn hàng xuất hiện trong một số phân đoạn phim. Việc hợp tác này là cần thiết với nghệ sĩ, để nhẹ gánh tài chính cho đơn vị sản xuất, và có thêm kinh phí đầu tư.

Việt Hương trong một cảnh phim ngập quảng cáo cho thương hiệu spa
Việt Hương trong một cảnh phim ngập quảng cáo cho thương hiệu spa

Tuy nhiên, không ít web drama bị dư luận phản ứng bởi việc lồng ghép quá nhiều quảng cáo, và chúng hoàn toàn khiên cưỡng với nội dung câu chuyện. Mới đây, web drama Xóm chùa của nghệ sĩ Việt Hương kết hợp với Thái Hòa đã được giới thiệu đến công chúng. Người xem dành nhiều lời khen cho Thái Hòa khi anh vào vai một kẻ thủ đoạn bất chấp để kiếm lợi lộc. Vai diễn đòi hỏi nam diễn viên phải “mang” nhiều mặt nạ, liên tục biến hóa, lọc lừa người bạn thân là nhân vật của Việt Hương. Cả hai thuộc hai băng nhóm xã hội khác nhau, sẵn sàng “ăn miếng, trả miếng”, không dễ bị bắt nạt.

Nội dung Xóm chùa không quá đặc sắc, nhưng nhờ dàn diễn viên tên tuổi nên được khán giả quan tâm. Nhưng dù vậy, chính người xem cũng đôi khi khó hiểu với một số tình tiết được cài cắm trong phim. Ở tập hai, nhân vật ông nội (do Việt Hương thủ vai) đến một spa để làm đẹp. Tại đây, cô gặp người chủ nhiều chuyện với đoạn thoại dài quảng cáo cho các dịch vụ làm đẹp của cơ sở. Việt Hương liên tục tương tác, “mồi” thêm để phần giới thiệu đậm đà hơn.

Trong phân đoạn này, nếu nhân vật chủ spa không thoại, khán giả chỉ cần xem các góc máy đặc tả, cách bày trí banner, logo bản hiệu, cũng đủ biết cả hai đang quảng cáo cho nhãn hàng. Cách lồng quảng cáo của Xóm chùa khá thô, bởi không ăn nhập với nội dung câu chuyện, cũng không hợp với tính cách nhân vật mà Việt Hương đảm nhận. Đáng tiếc, đây không phải là lần duy nhất, Xóm chùa có màn lồng ghép quảng cáo khiên cưỡng, gây khó chịu như vậy.

Nhiều web drama khác cũng bị nhà sản xuất đưa nhãn hàng vào một cách vô tội vạ, không đủ sáng tạo để kết hợp duyên dáng. Như web drama Lỡ va vào nhau với sự tham gia của Tuấn Trần và Midu, có nội dung tình cảm trẻ trung, thú vị và dàn diễn viên xinh đẹp, diễn xuất tốt. Tuy nhiên, vì là dự án được một thương hiệu tài trợ chính, nên khi xem khán giả dễ cảm thấy chán bởi cách nhà sản xuất đang tìm hướng để “trả tài trợ”. Nếu web drama này hạn chế hình ảnh của thương hiệu, có thể hiệu ứng và sự đón nhận từ khán giả sẽ tốt hơn.

Từ trước đến nay, có khá nhiều dự án không chỉ riêng phim ảnh mà cả MV cũng từng thành công dù chèn quảng cáo. Ở những sản phẩm đó, nhãn hàng xuất hiện một cách hợp lý, gần như trở thành một yếu tố của câu chuyện. Như web drama Đây là ông già của tao do nghệ sĩ Hoàng Sơn sản xuất. Nhân vật người cha trên phim làm công việc giao hàng nhanh, nên sự xuất hiện của đơn vị vận tải ở đây là phù hợp, không khiên cưỡng. Các nhà sản xuất nên khéo léo hơn trong việc lồng ghép thương hiệu, bởi nếu làm không khéo sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của cả dự án và ngược lại. 

Khánh An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI