Ngăn khách bỏ trốn khi đi du lịch nước ngoài, hướng dẫn viên sẽ phải có... nghiệp vụ cảnh sát

06/08/2019 - 07:13

PNO - Theo một số hãng lữ hành, Nghị định mới từ sau vụ 152/153 hành khách bỏ trốn tại Đài Loan cuối năm 2018 khiến họ phải làm thêm nhiều nhiệm vụ ngoài chuyên môn.

Chẳng hạn, Nghị định 45/2019/NĐ-CP (Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch) này quy định doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành sẽ bị phạt tiền từ 80-90 triệu đồng đối với hành vi "Để khách du lịch trốn ở lại nước ngoài hoặc trốn ở lại Việt Nam trái pháp luật".

Ngan khach bo tron khi di du lich nuoc ngoai, huong dan vien se phai co... nghiep vu canh sat
Hình ảnh 4 nhóm du khách hơn 150 người Việt mua tour đi Đài Loan được cho là trốn ở lại làm lao động vào tháng 12/2018. Ảnh minh họa

Anh Nguyễn Trần Việt Hải, đại diện một đơn vị dẫn tour tại TP.HCM cho biết, NĐ 45 xuất phát từ quan niệm rằng người đi du lịch đều mua chương trình trọn gói của công ty lữ hành, đi theo đoàn và có hướng dẫn viên (HDV) đi kèm. Như vậy, đơn vị dẫn tour có trách nhiệm quản lý khách từ đầu đến cuối và phải đưa khách đi đến nơi về đến chốn.

Đối với đoàn khách đi theo chương trình trọn gói, HDV du lịch là người đại diện duy nhất của công ty du lịch theo suốt hành trình. Nhiệm vụ của họ là quán xuyến chỗ ăn chỗ ở, điểm tham quan, phương tiện vận chuyển, thuyết minh,… Buổi tối dẫn khách đi chơi, mua sắm, HDV tiếp tục giải quyết vô số trục trặc có thể xảy ra. Nên việc HDV quán xuyến hết một đoàn khách trung bình mỗi đoàn 15-20 người là điều vô cùng khó khăn.

“Quy định như vậy không khớp với thực tế, bởi các dịch vụ du lịch rất đa dạng, trong thời gian ở nước ngoài khách du lịch không thể lúc nào cũng nằm trong quản lý của công ty du lịch và không phải lúc nào người của công ty du lịch cũng có thể kè kè bám sát để quản lý khách....", anh Hải chia sẻ.

Theo một số hãng lữ hành, quy định này cũng "chọi" với định nghĩa về hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành trong Luật Du lịch 2017, là "việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch"… Mà nếu không cung cấp dịch vụ trọn gói thì công ty du lịch không thể ngăn cản khách bỏ trốn được.

"NĐ45 vô tình bắt các công ty du lịch "biến" HDV thành cảnh sát là không thực tế", đại diện một hãng lữ hàng tại quận 1 chia sẻ.

Để thực hiện NĐ 45, các công ty lữ hành chỉ còn cách thắt chặt khâu xét duyệt hồ sơ xin visa, những việc hoàn toàn ngoài chuyên môn. Vai trò của công ty du lịch là cung cấp bằng chứng về các dịch vụ như: máy bay, khách sạn, chương trình tour,… Việc xét duyệt và quyết định cấp visa luôn thuộc về các cơ quan lãnh sự của từng quốc gia.

Ngan khach bo tron khi di du lich nuoc ngoai, huong dan vien se phai co... nghiep vu canh sat
Nhiều người chen lấn xin visa đi Hàn Quốc tại phố Trần Duy Hưng, Hà Nội. Ảnh minh họa

Hàn Quốc và Nhật Bản hiện nay trao một phần trách nhiệm sơ tuyển hồ sơ visa cho công ty tổ chức tour, còn tất cả các nước khác đều tự xét duyệt visa cho du khách mà không quan tâm đến việc vé máy bay hay chương trình tour là của công ty du lịch nào, và thường đây cũng chỉ là một phần của hồ sơ xin visa…

Đối với khách đi Nhật Bản, Hàn Quốc hiện một số công ty du lịch dự định áp dụng thu phí tuyển hồ sơ, nghĩa là công ty tour sẽ đại diện cho khách nộp visa, điều đó đồng nghĩa công ty phải trải qua bước tư vấn và gạn lọc hồ sơ với khách. Khi đó những hồ sơ từ các công ty du lịch này được xét duyệt nhanh hơn và có tỷ lệ đậu cao hơn. Hai quốc gia này đều áp dụng biện pháp chấm điểm và áp dụng phạt (cấm quyền ưu tiên từ 1 tuần đến vài tháng hay vĩnh viễn) đối với những công ty du lịch có khách ở lại bất hợp pháp.

Trong đó, Hàn Quốc tổng kết khoảng 6 tháng một lần, áp dụng phạt cho tỷ lệ khách ở lại bất hợp pháp từ 0,3% trở lên, đến 20% sẽ bị cấm vĩnh viễn.

“Vậy nếu cơ quan lãnh sự của quốc gia đến đã đồng ý cấp visa cho du khách thì công ty du lịch liệu có cơ sở gì để phán đoán là người khách đó có thể trốn lại để từ chối dịch vụ?”, anh Việt Hải đặt câu hỏi.

Đại diện công ty lữ hành Saigontourist cho biết, hãng đã phải thực hiện sàng lọc hồ sơ xin visa tại đầu vào nhằm bảo đảm công ty chỉ tiếp nhận những du khách đăng ký mua tour với mục đích du lịch thuần túy.

Theo các công ty lữ hành tại TP.HCM, tại nhiều nước trên thế giới đã có những quy định, xử phạt ở mức độ khác nhau, kể cả tù giam, đối với các vụ trốn ở lại. Người bị phạt thường là chính đương sự, hoặc người chứa chấp ở nước sở tại. Nhưng không bao giờ là người tư vấn và nộp visa giùm như các công ty du lịch Việt Nam.

Theo luật sư Trần Đức Phượng, thuộc Đoàn luật sư TP.HCM đối với những quy định xử phạt hành chính thường không xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan hay phân biệt cố ý hay vô ý. Nên việc khách có cố tình hay không thì công ty, đơn vị dẫn tour vẫn là người bị "nắm thóp" khi khách trong đoàn bỏ trốn.

Để hạn chế rủi ro, các công ty du lịch cần xem xét cam kết với khách ngay từ đâu, giữ hộ chiếu trong xuyên suốt chuyến đi hoặc có những cam kết đi kèm với người thân, thân nhân của khách để đảm bảo không có việc cố tình trốn khi đi du lịch nước ngoài.

Bên cạnh quy định xử phạt các hãng lữ hành nếu để khách bỏ trốn, NĐ 45 được đánh giá tiến bộ khi quy định những cá nhân, tổ chức tranh giành khách hoặc nài ép khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ sẽ bị phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng. 

Những tổ chức, cá nhân không phối hợp với cơ quan chức năng trong công tác cứu hộ, cứu nạn cho khách du lịch có thể bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng; phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng đối với hành vi không áp dụng biện pháp bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách du lịch.


Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI