Ngân hàng vẫn ép người vay mua bảo hiểm nhân thọ

24/03/2025 - 07:25

PNO - Luật nghiêm cấm ngân hàng bán bảo hiểm nhân thọ liên kết đầu tư trước và sau 60 ngày giải ngân khoản vay, nhưng nhiều ngân hàng vẫn tìm cách lách luật, ép người vay mua sản phẩm này.

Nhiều kiểu lách luật

Anh D. làm hồ sơ vay 1,3 tỉ đồng tại Ngân hàng (NH) H. để chăn nuôi, sản xuất. Nhân viên NH này tư vấn anh cần đóng phí 2% trên tổng giá trị khoản vay (khoảng 26,5 triệu đồng) để được hưởng lãi suất (LS) ưu đãi và nói “đây là chi phí duy nhất”. Nhưng đến ngày ký hợp đồng vay vốn, một nhân viên khác đề nghị anh D. dùng khoản phí 2% này mua bảo hiểm nhân thọ (BHNT) liên kết đầu tư nhằm “tiết kiệm” và “bảo vệ rủi ro”. Nhân viên này nói, với khoản vay 1,3 tỉ đồng, anh D. nên mua gói BHNT trị giá 31 triệu đồng.

Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp bảo hiểm cần ngăn tình trạng ngân hàng ép người vay mua bảo hiểm để khôi phục niềm tin của người dân đối với ngành - Ảnh minh họa
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp bảo hiểm cần ngăn tình trạng ngân hàng ép người vay mua bảo hiểm để khôi phục niềm tin của người dân đối với ngành - Ảnh minh họa

Để lách luật, nhân viên NH đề nghị anh D. để mẹ mình đứng tên mua bảo hiểm, còn người thụ hưởng là con của anh. Sau 60 ngày, hợp đồng có thể được chuyển sang tên anh D. Nhân viên này cũng hướng dẫn mẹ anh D. trả lời theo kịch bản đã được chuẩn bị sẵn nếu công ty bảo hiểm gọi điện xác nhận thông tin. Anh D. nói: “Nhân viên NH đã đẩy tôi vào tình thế khó khăn. Hồ sơ bị kéo dài gần 1 tháng, gây trì hoãn kế hoạch sản xuất của tôi. Do bước cuối cùng để được giải ngân là mua bảo hiểm nên tôi buộc phải chấp nhận, dù LS chỉ được ưu đãi giảm 0,5% trong năm đầu tiên, từ 12% xuống còn 11,5%/năm”.

Khi làm thủ tục vay 1,8 tỉ đồng tại NH S. để mua căn hộ, anh T. được nhân viên NH tư vấn rằng, để được hưởng LS ưu đãi 6,5%/năm trong 3 năm đầu, anh cần mua thêm gói BHNT hỗn hợp trị giá 15 triệu đồng và gửi tiết kiệm 30 triệu đồng. Nếu đồng ý, anh phải ký vào bản cam kết tự nguyện tham gia và xác nhận đã đọc kỹ hợp đồng.

Khi thử gọi điện thoại để vay tiền, chúng tôi cũng được nhân viên NH A. và NH V. tư vấn: để được hưởng mức LS ưu đãi 7,5%/năm, khách hàng cần mua gói BHNT hỗn hợp với mức phí 15 triệu đồng. Các nhân viên này nói, việc mua BHNT gần như là điều kiện bắt buộc nếu muốn được ưu đãi về LS. Trước đây, các chi nhánh NH nước ngoài không áp dụng hình thức này, nhưng nay cũng bắt đầu triển khai.

Cần tăng cường thanh tra

Tiến sĩ Phan Phương Nam - Phó trưởng khoa Luật Thương mại, Trường đại học Luật TPHCM - cho biết, trong các trường hợp như trên, để bảo vệ quyền lợi của mình, người dân nên phản ánh trực tiếp với Bộ Tài chính, nếu có bằng chứng. Bộ sẽ có biện pháp xử lý theo quy định.
Bộ Tài chính có các quy định để bảo vệ người dân, nhưng vấn đề nằm ở chỗ người dân đang cần vay vốn. Họ lo ngại rằng nếu khiếu nại, hồ sơ vay vốn có thể bị giải quyết dây dưa hoặc bị hủy bỏ. Đây là những lo ngại chính đáng của người đi vay tiền. Nếu muốn khiếu nại, người đi vay cần chuẩn bị bằng chứng cụ thể, ví dụ như ghi âm cuộc tư vấn. Nếu không có bằng chứng, Bộ Tài chính sẽ khó có cơ sở để giải quyết.

Theo tiến sĩ Phan Phương Nam, việc nhân viên NH đề xuất chuyển tên người mua bảo hiểm sang người thân có thể gây ra sự bất hợp lý của việc chuyển nhượng, đặc biệt là khi việc bán bảo hiểm thường gắn liền với quá trình thẩm định tài chính và sức khỏe của người mua. Ngoài ra, các sản phẩm bảo hiểm cũng có thời hạn chuyển giao hợp đồng. Nếu thời gian chuyển giao quá ngắn, người mua có thể hủy hợp đồng sau khi cân nhắc và được hoàn trả phí sau khi bị trừ các chi phí liên quan. Do đó, người đi vay có thể sử dụng quyền này để bảo vệ mình. Tuy nhiên, quyền này chỉ áp dụng cho BHNT, không áp dụng cho các loại bảo hiểm khác.

Tiến sĩ Phan Phương Nam cho rằng, việc NH lách luật để bán bảo hiểm, bỏ qua các bước thẩm định sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Nhiều người mua bảo hiểm chỉ để được vay vốn, sau đó hủy hợp đồng sẽ gây méo mó thị trường. Để giải quyết vấn đề này, cần có biện pháp xử lý mạnh tay đối với các nhân viên môi giới bán bảo hiểm và nhân viên NH. Có thể thu hồi giấy phép hành nghề của nhân viên môi giới và áp dụng mức phạt nặng đối với nhân viên NH, như phạt gấp 10-20 lần số tiền thu lợi bất chính. Ngoài ra, cần tăng cường thanh tra hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bảo hiểm.

Dẫn dữ liệu thanh tra 5 công ty bảo hiểm, chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán - thành viên Hội Luật gia Việt Nam - cho hay, tỉ lệ hủy hợp đồng BHNT mua qua NH sau 1 năm là đáng báo động, trong đó có sản phẩm tỉ lệ hủy lên tới 74%. Điều này đặt ra nghi vấn về nhu cầu thực sự của người mua, cho thấy việc mua bảo hiểm như một điều kiện bắt buộc khi vay vốn.

Theo ông, các NH đang tập trung khai thác tối đa nhóm khách hàng đang có thay vì tìm kiếm khách hàng mới. Họ tích cực chào mời các sản phẩm dịch vụ tài chính, như đẩy mạnh việc bán bảo hiểm thông qua các khoản tiền gửi, tiền vay để tận dụng mức hoa hồng hấp dẫn từ các công ty bảo hiểm. Khoản hoa hồng này không được tính trực tiếp vào LS nhưng vẫn làm tăng chi phí thực tế mà khách hàng phải chịu. Có NH đã thu về hàng trăm triệu USD từ việc độc quyền bán bảo hiểm. Với khoản hoa hồng khổng lồ như vậy, các NH đã tìm mọi cách để thúc đẩy doanh số.

Các văn bản pháp luật đã quy định NH không được ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nhưng trên thực tế, nhiều NH vẫn tìm cách lách luật. Một trong những giải pháp chấn chỉnh là lập đường dây nóng của Chính phủ. Tuy nhiên, theo ông Trần Nguyên Đán, hiệu quả của biện pháp này vẫn chưa rõ nét. Ông khẳng định, việc giảm LS cho vay khi mua BHNT là không phù hợp với nguyên tắc tín dụng.

Doanh nghiệp bảo hiểm phải giám sát ngân hàng

Ông Ngô Trung Dũng - Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam - cho hay, năm 2023, ngành BHNT Việt Nam bị mất niềm tin trầm trọng dẫn đến thất thu. Theo số liệu từ Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới năm 2024 đạt 24.512 tỉ đồng, giảm 12,2% so với năm trước nhưng tốc độ giảm đã chậm lại đáng kể so với mức giảm 44,7% của năm 2023.

Để ngăn chặn tình trạng NH ép buộc người vay mua bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm cần phải thiết lập những yêu cầu nghiêm ngặt đối với các NH đối tác, bao gồm việc kiểm tra và giám sát chặt chẽ chất lượng tư vấn của nhân viên NH, áp dụng các biện pháp kỷ luật nghiêm minh đối với những trường hợp vi phạm.

Một giải pháp quan trọng là đưa tiêu chí về tỉ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm năm thứ hai vào các thỏa thuận hợp tác với NH. Đây là một chỉ số quan trọng để đánh giá chất lượng tư vấn, bởi khách hàng bị ép buộc mua bảo hiểm thường có xu hướng hủy hợp đồng sớm. Doanh nghiệp bảo hiểm cũng cần chủ động triển khai các biện pháp kiểm tra và giám sát kênh bán bảo hiểm qua NH để đảm bảo tính minh bạch và bảo vệ quyền lợi của khách hàng.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI