Ngân hàng tung chiêu khách hàng bị "mê hoặc"

21/10/2015 - 11:22

PNO - Ngân hàng (NH) liên tục gọi điện chào mời, cho vay ngay cả khi khách hàng đang vay ở một NH khác.

Công ty tài chính cử nhân viên tiếp cận với người có thu nhập thấp để cho vay... trước sự dễ dãi của các nhà băng vốn nổi tiếng khắt khe về thủ tục, nhiều người sau cú gật đầu thiếu cân nhắc đã... té ngửa.

"Săn" đến cùng 

Anh K.H. (Q.Bình Tân, TP.HCM) cho hay, thời gian gần đây anh liên tục nhận được điện thoại của NH chào mời vay tiêu dùng. Hầu hết NH đều đưa ra các điều kiện cho vay khá dễ.

Theo nhân viên của NH ANZ, hiện NH này đang đẩy mạnh sản phẩm cho vay tiêu dùng cá nhân với LS khá hấp dẫn. Điều kiện cho vay đơn giản, chỉ cần sao kê lương là được vay ngay khoản tiền gấp 10 lần lương tháng.

Thậm chí, anh K.H. cho biết đang vay của NH khác, nhưng nhân viên của ANZ thông báo, anh vẫn có thể vay của ANZ. “Vay nhiều nơi, tiền đâu để trả hàng tháng”, anh K.H. nói với nhân viên tư vấn của ANZ, liền được hướng dẫn: “Không sao đâu anh, bên em sẽ kéo dài thời gian trả nợ của anh ra, để hàng tháng anh trả ít thôi. Như vậy, anh sẽ cân đối được tài chính”.

Chưa hết, nhân viên này còn mời anh K.H. mở thẻ tín dụng, mặc dù biết anh đang có hai thẻ của Vietcombank và Techcombank với tổng dư nợ 60 triệu đồng. Sau khi bị anh K.H. tiếp tục từ chối, nhân viên ANZ bảo, anh chỉ cần photo mặt trước của hai cái thẻ tín dụng và gửi qua là NH này sẽ cho vay với hạn mức tương đương (60 triệu đồng) mà không cần phải chứng minh thu nhập.

Ngan hang tung chieu khach hang bi
Trước khi quyết định vay tiêu dùng, khách hàng cần tìm hiểu kỹ các thỏa thuận - Ảnh minh họa: P. Huy

Thực tế cho thấy, NH chỉ dễ dãi với những người có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, đối tượng thu nhập thấp lại có một nhóm doanh nghiệp khác “chăm sóc” tận tình không kém, đó là công ty tài chính.

Chị Hồng Cẩm (H.Bình Chánh, TP.HCM), cho biết cách đây khoảng ba ngày, khi chị đang bán cóc, ổi như thường lệ trên đường Hoàng Phan Thái (xã Bình Chánh, H.Bình Chánh, TP.HCM), có hai thanh niên vào mua cóc ăn và giới thiệu là nhân viên của một công ty tài chính có trụ sở ở Q.1, TP.HCM.

Sau một hồi bắt chuyện, hai nhân viên này mời chị Cẩm vay vốn để kinh doanh. Theo họ, công ty chỉ cho những người làm ăn đàng hoàng vay vốn với LS rất thấp. Chị Cẩm gặng hỏi về LS thì một nhân viên tên Đức, với những hình xăm vằn vện trên cánh tay, cho biết, nếu chị vay 10 triệu đồng, mỗi ngày chị đóng 300.000đ trong vòng 43 ngày.

“Nếu chị đóng đều và đúng hạn, công ty sẽ bớt cho chị một ngày, còn 42 ngày. Nếu không vay, chị giới thiệu cho tụi em, chị sẽ được trích 5% hoa hồng”, Đức nói. Như vậy, nếu vay 10 triệu đồng, chị Cẩm sẽ phải trả tổng cộng 12,9 triệu đồng.

Có nghĩa là LS chị Cẩm phải chịu trong vòng chưa đến 1,5 tháng là gần 30%. Thấy chị Cẩm có vẻ quan tâm, hai nhân viên nói trên “tâm sự” với chị gần một giờ. Những ngày sau đó, hai nhân viên nói trên tiếp tục ghé vào quán của chị Cẩm với lý do chờ lấy tiền góp của khách hàng, đồng thời tiếp tục chào mời chị vay.

Coi chừng ôm nợ to

Trường hợp anh K.H., nhân viên của ANZ cho biết, LS hiện tương đương 8,8-14,5%/năm. Thậm chí, thời gian đầu LS còn chưa tới 9%/ năm. Với vay tiêu dùng bằng hình thức tín chấp, mức LS này thật hấp dẫn so với mặt bằng chung.

Tuy nhiên, khi anh K.H. gặng hỏi nhân viên tư vấn của ANZ về cách tính LS, cô này mới ấp úng rằng: “Đây là LS được tính trên dư nợ ban đầu”. Có nghĩa là, NH sẽ tính LS trên tổng số tiền vay, sau đó cộng với số tiền vay rồi chia đều hàng tháng để người vay tiền trả nợ.

Ví dụ, anh K.H. vay 60 triệu đồng trong vòng hai năm với LS 14%/năm, mỗi tháng anh sẽ phải trả NH 3,2 triệu đồng, trong đó tiền lãi là 700.000đ, còn lại 2,5 triệu đồng là tiền gốc. Với cách tính như vậy, cho đến tháng cuối cùng, khi mà tiền gốc còn 2,5 triệu đồng, thì anh K.H. vẫn phải trả tiền lãi là 700.000đ.

Do đó, nghe sơ qua thì có vẻ như LS khá thấp, hấp dẫn, song thực tế thì hoàn toàn khác. Nếu quy ra LS trên dư nợ giảm dần, mức LS của NH này hiện vào khoảng 16 - 24%/năm.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI