Ngân hàng thực phẩm ở Anh cạn kiệt thực phẩm

19/02/2023 - 20:09

PNO - Nhiều ngân hàng thực phẩm ở Anh phải ngừng tiếp nhận người đăng ký hỗ trợ mới, do nguồn cung thực phẩm đang cạn kiệt, trong khi nhu cầu vẫn không ngừng tăng cao.

 

Người dân Anh xếp hàng chờ nhận suất ăn từ thiện do ngân hàng thực phẩm cung cấp - Ảnh: Jeremy Selwyn/Independent
Người dân Anh xếp hàng chờ nhận suất ăn từ thiện do ngân hàng thực phẩm cung cấp - Ảnh: Jeremy Selwyn/Independent

Tại Anh, ngày càng có nhiều người phải sống dựa vào nguồn thực phẩm do hệ thống “ngân hàng thực phẩm” - tổ chức hỗ trợ đồ ăn miễn phí cho người nghèo - cung cấp, trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang diễn ra gay gắt.

Báo cáo mới nhất của mạng lưới hỗ trợ thực phẩm IFAN (có trụ sở tại London) cho thấy, có tới 90% ngân hàng thực phẩm đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung thực phẩm, do nhu cầu tăng cao được ghi nhận vào cuối tháng 12/2022 và tháng 1/2023.

Trong 154 ngân hàng thực phẩm được khảo sát, có hơn một nửa xác nhận sẽ phải cắt giảm lượng thực phẩm phát ra, thậm chí là từ chối cấp phát suất ăn cho những người đăng ký mới.

Tổ chức Trussell Trust (với hệ thống hơn 1.300 ngân hàng thực phẩm và là nhà cung cấp thực phẩm cho người nghèo lớn nhất Vương quốc Anh) cũng đưa ra con số cho thấy, chỉ tính từ tháng 4 đến tháng 9/2022, tổ chức này đã phân phát 1,3 triệu gói thực phẩm khẩn cấp (nhiều hơn 1/3 so với cùng kỳ năm 2021 và hơn 50% so với trước đại dịch COVID-19).

Đây là hệ quả của cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở “xứ sở sương mù” với lạm phát lương thực ở mức 16,7% và giá xăng cao hơn gần 130% so với 1 năm trước đó. Điều đáng lo ngại là, mới đây, cơ quan phụ trách ngân sách thuộc chính phủ Anh đã đưa ra dự báo đầy u ám rằng, mức thu nhập khả dụng của các hộ gia đình sẽ giảm 4,3% trong năm 2023. Mức giảm này được cho là kỷ lục khi so sánh với “thời kỳ đen tối” xảy ra năm 1956.

Nhiều ngân hàng thực phẩm đang phải chật vật tìm kiếm nguồn cung thực phẩm để có thể đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân - Ảnh: Karen Ducey/Getty Images
Nhiều ngân hàng thực phẩm đang phải chật vật tìm kiếm nguồn cung để có thể đáp ứng nhu cầu của người dân - Ảnh: Karen Ducey/Getty Images

Theo hãng tin The Guardian, tiền lương thực tế sụt giảm và lạm phát tăng cao chính là mồi lửa kích hoạt hàng loạt các cuộc đình công lan rộng trong khu vực hành chính công. Đây là điều ít khi xảy ra trong nhiều thập kỷ qua.

Cùng với đó, hệ thống các ngân hàng thực phẩm cũng đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu kỷ lục từ những người hưu trí, các gia đình có em bé, đội ngũ công chức đang làm việc trong khu vực công - bao gồm nhân viên y tế và giáo viên.

Giáo sư Philip Banfield - Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Anh - cảnh báo Thủ tướng Rishi Sunak và Bộ trưởng Y tế Steve Barclay rằng, chính phủ Anh cần nhanh chóng tìm ra giải pháp hiệu quả để “giải cứu hệ thống y tế Anh khỏi bờ vực sụp đổ” do tình trạng suy thoái kinh tế gây nên, trước khi tình hình trở nên mất kiểm soát.

Công chức làm việc trong khu vực công, người nghỉ hưu và gia đình có con nhỏ là những đối tượng chịu tác động nặng nề nhất bởi lạm phát chi phí sinh hoạt tại Anh - Ảnh: NY Times
Công chức làm việc trong khu vực công, người nghỉ hưu và các gia đình có con nhỏ là đối tượng chịu tác động nặng nề nhất bởi khủng hoảng chi phí sinh hoạt tại Anh - Ảnh: NY Times

Hiện nay, một số ngân hàng thực phẩm đang phải đối mặt với tình trạng nhân viên và đội ngũ tình nguyện viên kiệt sức khi phải làm việc liên tục trong thời gian dài, phải cáng đáng khối lượng công việc khổng lồ - tỉ lệ thuận với lượt người cần được hỗ trợ đang không ngừng tăng lên mỗi ngày.

Nguyễn Thuận (theo The Guardian)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI