Ngân hàng thừa tiền nhưng vắng khách vay

28/06/2020 - 13:11

PNO - Dịch COVID-19 khiến tăng trưởng tín dụng thấp do ngân hàng thừa tiền, nợ xấu gia tăng.

Bà Nguyễn Thị Hồng - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam - cho biết, tính đến ngày 16/6, tăng trưởng tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng chỉ đạt 2,13%, bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước (5,7%). Đáng lưu ý là tiền vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay giảm 0,7%. Tác động của dịch COVID-19 khiến nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân giảm là nguyên nhân làm giảm tăng trưởng tín dụng. 

Tăng trưởng tín dụng thấp do ngân hàng thừa tiền, nợ xấu gia tăng (Ảnh minh họa).
Tăng trưởng tín dụng thấp do ngân hàng thừa tiền, nợ xấu gia tăng (Ảnh minh họa).

Ngân hàng giảm khách vay nhưng nợ xấu lại tăng. Theo NHNN Việt Nam, hiện dư nợ dự kiến do dịch COVID-19 lên tới 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống. Theo ước tính của NHNN Việt Nam, nếu dịch COVID-19 được kiểm soát trong quý I, tỷ lệ nợ xấu sẽ ở mức 2,9 - 3,2% vào cuối quý II và từ 2,6 - 3% vào cuối năm 2020. Trong trường hợp dịch được kiểm soát trong quý II, tỷ lệ này sẽ gần mức 4% vào cuối quý II và 3,7% vào cuối năm 2020. “NHNN Việt Nam bám sát mục tiêu đưa nợ xấu và nợ tiềm ẩn về dưới 3% vào cuối năm 2020. Mặc dù đã được cơ cấu lại nợ, nhưng do tác động của dịch COVID-19, tiến trình xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng” - bà Nguyễn Thị Hồng nhận định. 

Hiện nay, các doanh nghiệp vẫn khó duy trì năng lực sản xuất, ảnh hưởng đến việc trả nợ ngân hàng nên mục tiêu đưa nợ xấu về mức dưới 3% là khó khả thi. Năm 2015, Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua hơn 190.000 tỷ đồng nợ từ các tổ chức tín dụng dưới hình thức trái phiếu. Năm 2020, một số ngân hàng phải thu hồi lại toàn bộ trái phiếu đã bán cho VAMC để tự xử lý. Như vậy, nợ xấu cũ và nợ xấu mới sẽ gây nhiều khó khăn cho ngành ngân hàng. 

Nợ xấu dẫn đến nhiều hệ lụy như tăng sức ép lên tình trạng lạm phát, kìm hãm hoạt động sản xuất, kinh doanh; ngân hàng sử dụng vốn kém hiệu quả, giảm lợi nhuận, tăng chi phí hoạt động, tăng gánh nặng trả nợ. Tuy nhiên, một trong những hậu quả lớn là ngân hàng có tiền mà không cho vay được, còn nền kinh tế thì vẫn tiếp tục khát vốn. 

Theo các chuyên gia, khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực trong vài tháng tới, tình trạng nợ xấu gia tăng, tăng trưởng tín dụng kém, ngành ngân hàng trong nước sẽ bị các ngân hàng ngoại “tấn công”.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng - cho rằng, Hiệp định EVFTA không quy định ngân hàng của Việt Nam có nợ xấu bao nhiêu, tăng trưởng tín dụng tối thiểu bao nhiêu. Tuy nhiên, ngân hàng là thương hiệu của một quốc gia về tiền tệ, nếu ngành ngân hàng yếu kém do tình trạng nợ xấu tăng cao không giải quyết được, tín dụng không tăng trưởng được thì đối tác quốc tế sẽ lo ngại khi hợp tác với Việt Nam. Hơn nữa, các ngân hàng thuộc các quốc gia thành viên của EVFTA có thể xâm nhập vào thị trường ngân hàng Việt Nam dễ dàng hơn vì EVFTA cho phép điều này. 

Hiện nay, những chuẩn mực của hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn lạc hậu so với các ngân hàng trên thế giới. Bằng chứng là tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng Việt Nam đang ở chuẩn Basel I và số ngân hàng đạt theo tiêu chuẩn Basel II mới bắt đầu tăng trong năm 2020, trong khi các ngân hàng châu Âu đang áp dụng theo chuẩn Basel III và chuẩn bị tiến đến Basel IV. 

“Trước đây, đã có một số ngân hàng châu Âu vào Việt Nam nhưng đều hạn chế hoạt động, thậm chí rút đi do thấy thị trường không thích hợp. Nếu có sự cải tổ (tăng vốn, môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch), các ngân hàng châu Âu sẽ vào Việt Nam nhiều hơn” - tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định. 

Hoa Lài

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI