Ngân hàng Thế giới sắp lập quỹ giúp đỡ các nước nghèo bị thiệt hại do thảm họa khí hậu

06/11/2023 - 17:08

PNO - Cộng đồng quốc tế tiến gần hơn tới mục tiêu thành lập quỹ giúp đỡ các nước nghèo bị thiệt hại do thảm họa khí hậu, bất chấp ý kiến trái chiều.

 

Doanh nhân Ajay Banga, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, tham dự cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Marrakesh, Morocco, ngày 12/10 – Ảnh: Getty Images
Doanh nhân Ajay Banga, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, tham dự cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Marrakesh, Morocco, ngày 12/10 – Ảnh: Getty Images

Ủy ban đặc biệt của Liên Hợp Quốc (LHQ) vừa kết thúc cuộc họp tại thủ đô Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), để xúc tiến việc thành lập quỹ hỗ trợ các nước nghèo chịu thiệt hại do biến đổi khí hậu, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP28.

Đây là cuộc họp thứ 5 trong chuỗi chương trình nghị sự liên quan đến Quỹ Tổn thất và Thiệt hại. LHQ đã đạt được thỏa thuận thành lập quỹ này sau các cuộc đàm phán tại Hội nghị COP27 tại Ai Cập năm ngoái.

Sau 11 tháng, chính phủ các nước vẫn đang loay hoay về các chi tiết của quỹ, quan trọng nhất là phía chịu trách nhiệm thanh toán và nơi đặt trụ sở quỹ. Mọi khúc mắc được kỳ vọng giải quyết trong Hội nghị COP28, dự kiến diễn ra ở Dubai trong vòng chưa tới 4 tuần tới. Một trong các mục tiêu của hội nghị là đưa quỹ vào hoạt động trong năm 2024.

Theo đó, trong cuộc họp thứ 5 vừa qua ở UAE, cộng đồng quốc tế đã “tiến một bước gần hơn” tới việc thành lập quỹ, bất chấp ý kiến không đồng thuận từ các nước đang phát triển và Hoa Kỳ.

Ủy ban của LHQ đã quyết định đề xuất Ngân hàng Thế giới (WB) làm bên được ủy thác và chủ trì quỹ, chốt lại một trong các vấn đề gây mâu thuẫn nhất giữa các phía trong gần một năm qua. Ủy ban lập luận rằng việc đặt quỹ tại WB, nơi các chủ tịch đều do Mỹ bổ nhiệm, sẽ tạo niềm tin cho các nước tài trợ, đồng thời giúp các nước tiếp nhận quỹ được hỗ trợ nhiều hơn.

Đáp lại đề xuất nói trên, cũng như để thu hút cộng đồng quốc tế cùng tham gia, WB đã đồng ý làm chủ quản và cơ quan đại diện tạm thời của quỹ trong 4 năm.

Jennifer Morgan, đặc phái viên về khí hậu của Đức, cho biết: “Berlin sẵn sàng hoàn thành trách nhiệm của mình, chúng tôi đang nỗ lực đóng góp vào quỹ và đánh giá các lựa chọn để có nhiều nguồn tài chính mang tính hệ thống hơn”.

Harjeet Singh, đại diện tổ chức phi lợi nhuận Climate Action Network International, cho biết: “Đây là ngày ảm đạm với công lý khí hậu, khi các nước giàu quay lưng lại với các cộng đồng dễ bị tổn thương”.

Ông Singh cho biết: “Các nước phát triển không chỉ ép buộc các nước đang phát triển phải chấp nhận WB làm chủ quản của Quỹ Tổn thất và Thiệt hại, mà còn trốn tránh nghĩa vụ hỗ trợ tài chính cho các cộng đồng và quốc gia chịu tổn thương chính từ biến đổi khí hậu”.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết: “Chúng tôi rất tiếc rằng văn bản của cuộc họp không phản ánh nhu cầu làm rõ tính chất tự nguyện của các khoản đóng góp”.

Người này cho biết thêm, phía Mỹ đã cố gắng đưa vào chú thích cuối trang làm rõ rằng mọi khoản đóng góp cho quỹ đều là tự nguyện, nhưng chủ tịch Ủy ban không cho phép, bất chấp Mỹ phản đối.

Sultan Ahmed al-Jaber, người sẽ chủ trì các cuộc đàm phán của COP28, cho biết rằng ông hoan nghênh các khuyến nghị của Ủy ban và đây sẽ là tiền đề cho thỏa thuận chính thức tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu sắp tới.

Trường An (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI