Ngân hàng tăng lãi suất huy động, mức cao nhất lên 7,6%/năm

08/06/2022 - 17:54

PNO - Trong ba tháng trở lại đây, ngày càng nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Mức lãi suất cao nhất tại các ngân hàng đang là 7,6%/năm.

 

Dòng vốn từ các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản, tiền ảo... đang dồn về các ngân hàng. Ảnh Thanh Hoa
Dòng vốn từ các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản, tiền ảo... đang dồn về các ngân hàng - Ảnh: Thanh Hoa

Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB) là ngân hàng có sự điều chỉnh mạnh nhất trong tháng 6 này khi tăng từ 0,5-0,5% điểm ở các kỳ hạn. Theo đó, với kỳ hạn 1 - 2 tháng lãi suất hiện 3,9%/năm; gửi kỳ hạn từ 6 đến 8 tháng, mức lãi là 5,6%. Các kỳ hạn gửi 9 -11 tháng, lãi suất 5,7%/năm.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy động thêm 0,1% ở hầu hết các kỳ hạn. SCB đang giữ vị trí "quán quân huy động" khi áp dụng mức lãi suất tiền gửi cao nhất thị trường lên đến 7,6%/năm. Tuy nhiên, mức này chỉ áp dụng cho món tiền gửi có số dư từ 500 tỉ đồng trở lên.

Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) chỉ điều chỉnh tăng lãi suất tại một số kỳ hạn dài. Chẳng hạn, kỳ hạn 15 tháng và 17 tháng tăng 0,25% lên 6,95%/năm. Kỳ hạn 18 tháng là 7%/năm. Kỳ hạn 24 và 36 tháng lãi suất lần lượt là 7,2% và 7,3%/năm.

Các ngân hàng như ACB, BaoVietBank, Oceanbank, PGBank… cũng tăng thêm lãi suất từ 0,3-0,4% điểm so với các tháng trước.

Trước đây, bất chấp các ngân hàng tư nhân đua nhau tăng lãi suất huy động, nhóm Big 4 ngân hàng gồm BIDV, Vietinbank, Vietcombank, Agribank vẫn giữ lãi suất huy động ổn định. Lần điều chỉnh lãi suất huy động gần nhất của BIDV là cách đây gần 1 năm (từ tháng 8/2021). Từ 1/6 này, BIDV thay đổi biểu suất huy động. Theo đó, tất cả các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên đều tăng thêm 0,1% điểm lên 5,6%/năm. Các kỳ hạn ngắn vẫn như nguyên. Còn tại Vietcombank, nếu khách gửi trực tuyến thì được cộng thêm 0,1% so với lãi suất gửi tại quầy.

Dù có sự điều chỉnh nhưng lãi suất của BIDV cùng với Vietcombank, Vietinbank, Agribank vẫn đang thuộc nhóm thấp nhất thị trường với mức cao nhất từ 5,5 – 5,6%/năm. Lãi suất huy động trên mức 7%/năm đang thuộc về các ngân hàng như Nam Á (7,4% cho kỳ hạn 36 tháng), CBBbank là 7%/năm cho kỳ hạn 18 tháng, PVCombank là 7,25%/năm cho kỳ hạn 36 tháng…

Lãi suất tăng, dòng tiền rút từ các kênh đầu tư nóng trong năm 2021 như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu, tiền điện tử… đã quay trở lại ngân hàng càng nhiều. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2022, người dân đã gửi gần 174.000 tỉ đồng vào hệ thống ngân hàng, đưa tổng số tiền gửi của cư dân lên mức 5,47 triệu tỉ đồng, tương đương tăng 3,28% so với cuối năm 2021. Hiện mức tăng trưởng tiền gửi này đã lớn hơn mức tăng đạt được trong cả năm 2021 (chỉ khoảng 158.000 tỉ đồng).

Theo dự báo của các chuyên gia, trước áp lực lạm phát có thể tăng cao trong những quý tới nên mặt bằng lãi suất huy động có xu hướng tiếp tục tăng. Theo Công ty chứng khoán VNDirect, mức lãi suất có thể tăng khoảng 30-50 điểm cơ bản cho cả năm 2022, tương đương khoảng 0,3 – 0,5%.

Công ty chứng khoán BSC thì cho rằng mặt bằng lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ 0,5-1% trong năm 2022. Nhưng theo dự báo của Công ty chứng khoán VCBS (thuộc Vietcombank), lãi suất huy động có thể chịu áp lực tăng 100-150 điểm cơ bản trong cả năm 2022, tương đương khoảng 1 – 1,5%.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI