Ngân hàng sẽ quyết liệt kiểm soát nợ xấu

03/01/2024 - 12:43

PNO - Thông tin được ông Đào Minh Tú – Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chia sẻ tại buổi họp báo thông tin điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2023, định hướng nhiệm vụ năm 2024, ngày 3/1.

Ông Đào Minh Tú – Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam – cho biết, chưa bao giờ nền kinh tế rơi vào hoàn cảnh đặc biệt như hiện nay. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, lạm phát cao, thương mại toàn cầu sụt giảm, giá cả biến động mạnh, xung đột chính trị vẫn phức tạp. Các ngân hàng thế giới tiếp tục neo giữ lãi suất điều hành cao đã ảnh hưởng đến kinh tế trong nước, tác động chung đến ngành ngân hàng.

Tuy nhiên nhờ điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, đã góp phần kiểm soát lạm phát khoảng 3,2 – 3,4%. Tăng trưởng kinh tế 5%, dù thấp hơn mục tiêu đề ra (6 – 6,5%) nhưng mức tăng trưởng này là rất cao so với nhiều nước trong khu vực.

 Một trong những mục tiêu trong năm 2024 của ngành ngân hàng là kiểm soát nợ xấu hiệu quả.
Một trong những mục tiêu trong năm 2024 của ngành ngân hàng là kiểm soát nợ xấu hiệu quả.

Nhờ điều hành tỷ giá linh hoạt, giá trị đồng tiền VND tiếp tục giữ vững chỉ giảm khoảng 2%, trong khi những quốc gia khá giá trị đồng tiền giảm 12-17%.

NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành với mức giảm 2%/năm, là mức giảm thấp nhất trong 20 năm vừa qua. Mức lãi suất cho vay đầu năm và giữa năm 2023 còn gay gắt nhưng đến những tháng dần cuối năm đã xuống thấp, kể cả ngắn hạn, dài hạn và lĩnh vực không ưu tiên. Tổng mức giảm lãi cho vay là hơn 2%/năm đây so với năm 2022.

Tăng trưởng tín dụng cuối năm tăng tốc nhanh hơn đầu năm, đây là sự chỉ đạo vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và cả ngành ngân hàng. Tính đến cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng là 13,5%, thấp hơn con số đặt ra là 14-15% nhưng mức thấp hơn không nhiều.

Các gói hỗ trợ tín dụng đang được quyết liệt triển khai. Gói 120.000 cho vay xây và mua nhà ở xã hội chỉ mới giải ngân hơn 140 tỉ đồng, 1 số chủ đầu tư dự án chưa có nhu cầu vay, những dự án còn lại chưa đủ pháp lý. Ông Đào Minh Tú khẳng định ngành ngân hàng không thiếu tiền, sẵn sàng giải ngân nếu dự án đủ pháp lý. Trên tinh thần quyết tâm và trách nhiệm triển khai gói này thì NHNN đã cùng các hiệp hội, chính quyền địa phương tháo gỡ khó khăn. Nhờ vậy mà ngành bất động sản đang dần hướng đến phát triển phân khúc nhà ở xã hội, dành cho người có thu nhập thấp.

Gói 15.000 cho ngành thuỷ sản, lâm sản tới nay đã hấp thụ được 11.000 tỉ, nếu hết gói thì ngành ngân hàng tiếp tục đồng hành, cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp. Trong hội nghị đối thoại với nông dân vừa qua, NHNN được nghe nhiều chia sẻ về việc còn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn ở lĩnh vực này, ngành ngân hàng khẳng định không hạn chế giới hạn nào đối với lĩnh vực nông nghiệp như hạn mức tín dụng, lãi suất, cơ chế chính sách (có 18 cơ chế đã thực hiện trong lĩnh vực ngân hàng). Nếu thuộc đối tượng ưu đãi thì lãi suất chỉ 4%/năm.

Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong năm 2023 tăng từ 50-99%, giá trị giao dịch cũng tăng từ 5,4 – 10,8% gần như gấp đôi so với năm 2022.

Hiện các ngân hàng đang đẩy mạnh đơn giản thủ tục cho vay. Các khoản vay tín chấp không cần trực tiếp đến trụ sở ngân hàng mà tất cả đều thông qua qua ứng dụng (app), nhưng khó khăn hiện nay là 1 số app cho vay trá hình lợi dụng những hình ảnh của ngân hàng, làm người dân hiểu nhầm giữa tổ chức chính thống và tín dụng “đen”.

Theo ông Đào Minh Tú, trong năm 2024, kinh tế được dự báo vẫn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Nhiệm vụ trọng tâm của NHNN là phải vào cuộc quyết liệt hơn về mọi mặt, xử lý quyết liệt những tồn tại yếu kém, hành động kịp thời và phù hợp hơn để tạo đòn bẩy lớn cho nền kinh tế. Định hướng tăng trưởng tín dụng trong năm 2024 sẽ là 15% - bằng so với năm 2023. Đặc biệt ngành ngân hàng sẽ quyết liệt kiểm soát nợ xấu, đảm bảo tỷ lệ nợ xấu (không bao gồm các ngân hàng yếu kém) dưới 3%.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI