Ngân hàng muốn số hóa, khách hàng thích giấy trắng mực đen

13/07/2020 - 06:05

PNO - Các ngân hàng muốn số hóa dịch vụ bằng các ứng dụng nhưng doanh nghiệp lại e ngại rủi ro bảo mật và tính pháp lý.

Nhiều tiện ích khi số hóa

Hiện nay, ngoài các dịch vụ ngân hàng điện tử phổ biến như mobile banking, internet banking, SMS banking… dùng chung cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp (DN), các ngân hàng còn phát triển những sản phẩm chỉ dành cho DN.  

Giao dịch với số tiền tiền lớn, nhiều người vẫn muốn tới các ngân hàng vì họ tin rằng, trong trường hợp xảy ra rủi ro vẫn còn biên lai giấy trắng mực đen bảo vệ hộ
Giao dịch với số tiền lớn, nhiều người vẫn muốn tới các ngân hàng vì họ tin rằng, trong trường hợp xảy ra rủi ro vẫn còn biên lai "giấy trắng mực đen" bảo vệ.

Tại một phòng giao dịch của Ngân hàng BIDV, nhân viên cho biết, hiện đang có ba sản phẩm ngân hàng điện tử dành cho DN, cho phép DN tra cứu thông tin, chuyển tiền trong nước, quốc tế, đặt lệnh thanh toán định kỳ, thanh toán bảng kê, yêu cầu sao kê tài  khoản, phát hành séc, xem hoặc in chứng từ chuyển tiền… nhanh chóng trên điện thoại mà không cần đến quầy giao dịch. Có cả sản phẩm giúp DN quản lý được chứng từ chứa chữ ký số, truy vấn báo cáo thu hộ, chuyển tiền (quốc tế, trong nước, theo bảng kê), điều chuyển vốn tự động, kiểm soát dòng tiền, báo cáo quản lý dòng tiền… 

Ngân hàng Vietinbank cũng có Vietinbank eFAST với nhiều tính năng như giúp DN chuyển tiền theo lệnh đơn lẻ hoặc theo file, chủ động bán ngoại tệ và thanh toán hàng hóa nhập khẩu nhanh chóng, thanh toán lương hay thu hộ, chi hộ tự động, vấn tin dữ liệu từ Tổng cục Thuế, hải quan, tạo bảng kê thuế online, rút ngắn thời gian nộp thuế để thông quan hàng hóa, chủ động xem được thống kê giao dịch từng loại.

Doanh nghiệp sợ rủi ro

Theo một cuộc khảo sát trong năm 2019 của Ngân hàng VPBank, 92% DN vẫn xử lý đơn hàng theo phương thức thủ công là trả bằng tiền mặt hoặc đến trực tiếp ngân hàng để thanh toán. Ngoài tốn công, tiềm ẩn rủi ro sai sót, phương thức xử lý bằng tiền mặt còn phát sinh chi phí khoảng 6% tùy ngành nghề, gây tăng chi phí quản lý cho DN. Mặc dù ngân hàng điện tử sẽ giúp các DN tiết kiệm từ 20-30% chi phí tài chính nhưng không ít DN, đơn vị bán hàng còn e ngại phương thức thanh toán này. 

Phần lớn DN dùng dịch vụ ngân hàng điện tử để thực hiện các giao dịch nhỏ lẻ như thanh toán trực tuyến hóa đơn điện, nước, viễn thông, nộp thuế điện tử, nộp lệ phí khi thực hiện một số dịch vụ hành chính công và một số khoản phí khác. Với các giao dịch mua bán hàng hóa, đa phần DN vẫn muốn thực hiện trực tiếp tại ngân hàng để có “giấy trắng mực đen”. 

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện Việt Nam đang có 70 tổ chức tín dụng (chưa kể các đơn vị trung gian thanh toán) giao dịch tài chính qua kênh ngân hàng điện tử, đạt trên 7 triệu tỷ đồng và qua kênh điện thoại di động đạt 300.000 tỷ đồng. Theo VCCI, con số cho thấy tính khả quan về thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam nhưng so với đà phát triển kinh tế, lượng giao dịch này còn quá nhỏ.

Ông Nguyễn Văn Trí - Giám đốc Công ty TNHH Khuôn mẫu Lập Phúc - cho biết, tất cả giao dịch thanh toán trong nước và ngoài nước của công ty này đều thực hiện trực tiếp tại ngân hàng. Theo ông, phương thức này an toàn, bảo mật cho DN tốt hơn vì không phải thực hiện chữ ký điện tử, không gặp các trục trặc về mạng.

“Các ngân hàng thường gặp lỗi mạng và hệ thống. Nếu đối tác cần tiền gấp mà giao dịch bị lỗi thì phải mất thêm thời gian chờ ngân hàng giải quyết. Giao dịch trực tiếp tại ngân hàng luôn an toàn hơn giao dịch điện tử” - ông Trí nói. 

Theo ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần May Sài Gòn 3 - thời gian qua đã có không ít vụ nhân viên lợi dụng chữ ký điện tử của sếp để làm điều phi pháp, thậm chí còn nhập và xuất khẩu hàng cấm. “Theo tôi, thực hiện giao dịch bằng giấy sẽ an toàn hơn” - ông Hồng nhận xét. 

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng - cho rằng, hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về tính pháp lý của chữ ký điện tử. Bên cạnh chữ ký điện tử, phải có nhận dạng điện tử mới tăng tính bảo mật nhưng hiện cũng chưa có phương pháp hoàn hảo cho việc nhận dạng bằng điện tử. Trong khi đó, việc làm giả chữ ký và nhận dạng bằng phương tiện điện toán lại rất dễ dàng, dẫn đến rủi ro cao cho người sử dụng. 

“Khi xảy ra một sự cố liên quan đến giao dịch điện tử, chẳng hạn như chuyển nhầm, lừa đảo thì việc yêu cầu cơ quan chức năng điều tra, xác minh cũng khó khăn. Giải quyết được những hạn chế trên mới mong giao dịch điện tử phát triển đúng với định hướng mà Chính phủ đang đẩy mạnh” - tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nói. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI