Ngân hàng mạnh tay chặn giao dịch khống qua thẻ tín dụng

02/12/2024 - 07:57

PNO - Các ngân hàng đang mạnh tay khóa những thẻ tín dụng được chủ thẻ dùng để mua hàng khống nhằm rút tiền mặt. Theo các chuyên gia tài chính, ngoài kiểm tra chủ thẻ, các ngân hàng cũng nên kiểm tra các điểm làm dịch vụ rút tiền từ thẻ tín dụng.

Khóa thẻ nếu không chứng minh được giao dịch

Anh Bùi Văn Tân (quận 5, TPHCM) được Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cấp hạn mức 50 triệu đồng trong thẻ tín dụng. Anh đã nhiều lần thực hiện các giao dịch mua hàng khống để rút tiền mặt, sau đó trả phí bằng 2% số tiền rút cho chủ dịch vụ. Nhưng mới đây, Vietcombank đã yêu cầu anh cung cấp hóa đơn chứng minh cho một giao dịch mua hàng trị giá 40 triệu đồng do nghi ngờ đây là giao dịch nhằm rút tiền mặt trái quy định. Do không có hóa đơn, anh đã bị khóa thẻ tín dụng.

Trong các nhóm “rút tiền, đáo hạn thẻ tín dụng” trên mạng xã hội Facebook, nhiều chủ thẻ tín dụng than bị ngân hàng yêu cầu cung cấp hóa đơn mua hàng, sau đó bị khóa thẻ. Có trường hợp viện lý do bị mất hóa đơn mua hàng nên tạm thời chưa bị khóa thẻ nhưng vẫn bị ngân hàng đưa vào danh sách nghi ngờ, sẵn sàng khóa thẻ.

Một điểm kinh doanh có lắp đặt máy POS trên đường Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM. Các điểm này thường tạo giao dịch khống để giúp chủ thẻ tín dụng rút tiền mặt, sau đó thu phí dịch vụ
Một điểm kinh doanh có lắp đặt máy POS trên đường Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM. Các điểm này thường tạo giao dịch khống để giúp chủ thẻ tín dụng rút tiền mặt, sau đó thu phí dịch vụ

Các ngân hàng còn “làm căng” với các giao dịch đáo hạn “chui”. Chị Ngọc Yến (huyện Hóc Môn, TPHCM) kể, chị được Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cấp hạn mức thẻ tín dụng 150 triệu đồng. Hằng tháng, ngân hàng đều thông báo yêu cầu thanh toán toàn bộ số tiền đã sử dụng là 150 triệu đồng hoặc tối thiểu 6,2 triệu đồng. Do không đủ tiền, chị Yến nhờ dịch vụ đáo hạn “chui” để thẻ không bị tính phí phạt, nợ xấu. Khi đó, các điểm dịch vụ “chui” sẽ ứng 150 triệu đồng vào thẻ của chị Yến (để ngân hàng xác nhận đã thanh toán), sau đó họ rút lại số tiền này thông qua các giao dịch mua hàng khống và thu phí 2%, tương đương 3 triệu đồng. Nhưng gần đây, chị không thể nhờ được dịch vụ do bị ngân hàng giám sát gắt gao.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nếu rút tiền mặt từ thẻ tín dụng ở trụ ATM, chủ thẻ phải chịu phí rút bằng 4%/giao dịch, lãi suất rút tiền mặt là 1,8%/tháng, nhưng nếu rút tiền mặt thông qua giao dịch mua hàng khống, khách được miễn lãi suất 45 ngày, phí rút là 2%. Còn khi đáo hạn “chui” thông qua giao dịch mua hàng khống, chủ thẻ được miễn lãi suất ở kỳ sao kê tiếp nhưng nếu thanh toán cho ngân hàng ở mức tối thiểu thì sẽ bị tính lãi ở kỳ sao kê tiếp.

Tăng cường kiểm tra các điểm lắp máy POS

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu - cho biết, các giao dịch rút tiền khống và đáo hạn “chui” từ thẻ tín dụng không chỉ vi phạm quy định về hóa đơn thuế mà còn có thể gây mất an toàn thông tin thẻ, thông tin cá nhân của chủ thẻ. Mặc dù ngân hàng đã có công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) để dễ dàng phát hiện ra các giao dịch bất thường nhưng tình trạng này lâu nay vẫn tồn tại là do nguồn lợi nhuận từ thẻ tín dụng hấp dẫn (lãi suất và phí duy trì thẻ đều cao) nên các ngân hàng chưa thực sự xử lý rốt ráo.

“Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư mới, yêu cầu các ngân hàng tăng cường kiểm soát và giám sát các giao dịch. Bên cạnh đó, các cơ quan thuế cũng tăng cường quản lý việc thu thuế”.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu

Theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, ở Mỹ, người dân hiểu rõ rằng, dùng thẻ tín dụng để giao dịch khống sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực như bị đánh giá tín dụng xấu, khó vay vốn và phải chịu lãi suất cao. Do vậy, các hành vi này rất hiếm khi xảy ra. Nếu phía các ngân hàng áp dụng các biện pháp mạnh mẽ như ở Mỹ, tình trạng giao dịch khống sẽ giảm. Đồng thời, các ngân hàng phải kiểm tra định kỳ, đột xuất các điểm bán hàng có lắp đặt máy chấp nhận thẻ (máy POS), tránh việc lắp đặt máy nhưng không phục vụ thanh toán mà để làm dịch vụ rút tiền thông qua giao dịch khống. Nội dung kiểm tra gồm yêu cầu cung cấp hóa đơn bán hàng, hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) nhằm xác thực giao dịch.

Ông Huỳnh Trung Minh - Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank) - đánh giá, hiện nhiều người sử dụng thẻ nhất là giới trẻ có xu hướng sử dụng thẻ tín dụng một cách thiếu kiểm soát nên số chủ thẻ không có tiền trả nợ tăng. Việc các ngân hàng siết chặt các giao dịch khống giúp đảm bảo an toàn thẻ, hạn chế nợ xấu, giúp người dùng thẻ biết cân đối ngân sách hơn. Nếu chủ thẻ đã dùng hết hạn mức thẻ tín dụng và không đủ tiền thanh toán tối thiểu hằng tháng thì có thể chuyển sang trả góp để không bị tính lãi.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI