Ngân hàng lẫn chính quyền đều thoái thác trách nhiệm

17/04/2014 - 09:34

PNO - PN - Sau bài "Cán bộ xã chiếm đoạt hàng tỷ đồng của dân?" trên Báo Phụ Nữ số ra ngày 14/4, cùng ngày, ông Trần Văn Tiên - Phó giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) TP.HCM cho rằng: “Dự án 156 do UBND TP.HCM ủy thác cho NHCSXH...

edf40wrjww2tblPage:Content

Sở dĩ NHCSXH không nhắc nợ định kỳ với người vay như các dự án khác là vì dự án này đã được NH ủy thác lại cho UBND các xã quản lý (đều do chủ tịch hoặc phó chủ tịch xã làm chủ dự án). Không có chuyện bà Phạm Thị Trông (thời điểm ấy là cán bộ xóa đói giảm nghèo của xã) đại diện NH để khảo sát nhu cầu vay vốn, mà cán bộ của NH cùng phòng LĐ-TB-XH huyện là những người trực tiếp khảo sát dự án và cho vay theo dự án của từng xã. Tất cả các chương trình vay của NHCSXH đều có theo dõi hàng tháng, riêng chương trình này, theo hợp đồng, khi đến hạn, NHCSXH mới gửi thông báo đến dân”.

Bà Cao Thị Gái, Phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi cũng đồng tình với những điều ông Tiên trao đổi. Bà Gái cho biết: “NHCSXH huyện Củ Chi hoàn toàn không giao bất cứ nhiệm vụ gì liên quan đến thu, chi tiền bạc của NHCSXH huyện cho bà Trông. Qua xác minh, từ năm 2010 đến tháng 11/2013, bà Trông đã chiếm dụng tổng cộng là 1.548.626.400đ của Chương trình 156 và Quỹ xóa đói giảm nghèo.

UBND huyện đã chỉ đạo Ban giảm nghèo, tăng hộ khá huyện, NHCSXH huyện, UBND xã An Nhơn Tây tổ chức nhiều cuộc làm việc với bà Trông và các cá nhân liên quan, và cho bà Trông thời gian khắc phục việc chiếm dụng hai nguồn vốn trên đến hết ngày 5/12/2013. Tuy nhiên, hết thời hạn, bà Trông chưa khắc phục được, vì vậy ngày 5/12/2013 huyện có công văn số 10174/UBND-VP giao cho ban chỉ huy Công an huyện khẩn trương xác minh, điều tra làm rõ và đề xuất xử lý theo pháp luật đối với bà Phạm Thị Trông”.

Ngan hang lan chinh quyen deu thoai thac trach nhiem

Người dân đang trình bày bức xúc của mình

Tuy nhiên, bà Phạm Thị Trông khẳng định: “Hơn 20 năm tôi làm công tác ở xã, trong đó 10 năm sau này tôi được chỉ định là cán bộ chính sách xóa đói giảm nghèo, được sự ủy thác, phân công nhiệm vụ của xã, thông qua các ban ấp tôi mới giúp dân tiếp cận nguồn vốn, thu lãi và nợ giúp NHCSXH Củ Chi. Giờ NHCSXH nói không liên quan gì đến tôi thì thật là vô lý. Riêng việc ông Nghĩa, Chủ tịch xã cho rằng bà Phan Lệ Quyên, Phó chủ tịch bị tôi (có ý đồ từ trước) cho ký khống là không chính xác. Bà Quyên làm việc rất rõ ràng, danh sách làm thư mời phải đầy đủ, không có ký khống”.

Giải thích vì sao hợp đồng vay của bà Đoàn Thị Gái - Nguyễn Xuân Tài (nhân vật nêu trong bài) bị NH thông báo nợ quá hạn chậm, bà nói: “Là tại lúc anh Tài và chị Gái nộp tiền, tôi kẹt chuyện nhà nên mượn tiền của anh... xài đỡ, nên lấy hợp đồng của anh ấy lên NHCSXH gia hạn lại…”.

Cách trình bày của bà Trông cho thấy, việc bà thay mặt một hộ dân xin gia hạn hợp đồng vay vốn, lấy vốn của dân để xài riêng dễ như… “trở bàn tay”. Nếu bà Trông không có mối liên hệ mật thiết với NHCSXH, liệu có thể thay dân ký gia hạn hợp đồng vay nợ?

Từ sự giải thích của ông Trần Văn Tiên, trả lời của lãnh đạo UBND huyện Củ Chi và trình bày của bà Trông đều cho thấy, UBND xã An Nhơn Tây có vai trò quan trọng trong việc quản lý dự án. Dự án do UBND xã, mà đại diện là lãnh đạo xã đứng làm chủ dự án thì không lý do gì chủ dự án “đứng ngoài cuộc” .

Ngan hang lan chinh quyen deu thoai thac trach nhiem

Hai trong ba thư mời do phó chủ tịch Phan Lệ Quyên ký gửi dân dự án 156 đã là thư ký khống!

Trong văn bản trả lời Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 15/4, hầu như UBND huyện Củ Chi chỉ nhìn sự việc này là lỗi riêng của cá nhân bà Trông.

Trao đổi với PV, luật sư Phạm Lĩnh Sơn - Phó trưởng Văn phòng trợ giúp pháp lý miễn phí cho phụ nữ số 6 nói: “Chính quyền và NH giải thích như vậy là thoái thác trách nhiệm. NHCSXH không thể phủ nhận mối quan hệ của mình với bà Trông được vì hợp đồng là của NHCSXH mà ngay khi ký kết hợp đồng, bà Trông đại diện thu lãi ngay tại hội trường ủy ban giữa thanh thiên bạch nhật sao không ai phản ứng? Thứ hai, UBND xã An Nhơn Tây bắt buộc phải có trách nhiệm liên đới trong sự việc này.

UBND xã phải nhìn ra việc quản lý lỏng lẻo của mình đã khiến cán bộ có cơ hội chiếm đoạt của dân hơn 1,5 tỷ đồng trong suốt ba năm. Việc ký khống thư mời là một biểu hiện của sự lỏng lẻo này (hay là có sự tiếp tay?). Theo tôi, người dân cần ủy quyền cho một người trong số các hộ vay (có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) làm đơn khiếu nại về việc bị NHCSXH đòi nợ, trình bày toàn bộ vụ việc gửi đến NHCSXH, cơ quan Công an huyện, cơ quan Thanh tra huyện về việc những người dân này đã thực hiện nghĩa vụ của mình đối với NHCSXH một cách đầy đủ mà nay lại bị đòi nợ. Việc bà Trông có phạm tội lừa đảo hay không, trách nhiệm của các cấp chính quyền cũng như NHCSXH sẽ do cơ quan công an điều tra kết luận, nếu có dấu hiệu phạm tội.

Về phía NHCSXH nếu không đòi tiền dân được, thì họ có quyền khởi kiện ra tòa. Người dân có đầy đủ những chứng cứ đã chuyển tiền cho bà Trông theo thư mời của xã thì không có gì đáng ngại”.

 NGHI ANH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI