Ngân hàng không thiếu vốn nhưng phải chọn lọc doanh nghiệp cho vay

14/12/2022 - 06:51

PNO - Chia sẻ tại tọa đàm “Tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp” do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 13/12, tiến sĩ Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng (NH) Nhà nước Việt Nam - nhận định, ngành NH không thiếu vốn tín dụng.

Hạn mức (room) tín dụng 3,5 - 4% (khoảng 300.000-400.000 tỉ đồng) để sử dụng trong 3 tuần cuối năm là rất nhiều. Tuy nhiên, hiện trên 80% tổng nguồn vốn của ngành NH là vốn ngắn hạn, 20% còn lại là vốn tự có và các nguồn vốn trung và dài hạn. Trong khi đó, 50% tổng dư nợ cho nền kinh tế hiện là trung và dài hạn. Điều này dẫn đến 2 rủi ro lớn cho ngành NH về thanh khoản và rủi ro chi trả cho người gửi tiền. Phần lớn người gửi tiền chỉ gửi kỳ hạn khoảng 6 tháng.

Ngân hàng Nhà nước nới thêm 1,5 - 2% hạn mức tín dụng được đánh giá là rất tích cực (ảnh minh họa)
Ngân hàng Nhà nước nới thêm 1,5 - 2% hạn mức tín dụng được đánh giá là rất tích cực (ảnh minh họa)

Khoảng 50% số tiền gửi này được cho vay đầu tư đến 5-10 năm, thậm chí có các dự án bất động sản là 20 năm. Nếu dòng tiền luân chuyển không tốt, nợ xấu phát sinh thì không có tiền trả cho người gửi tiền 6 tháng đến hạn. Đây là rủi ro lớn nhất mà ngành NH lo ngại. Một rủi ro nữa là lãi suất ngắn hạn biến động liên tục, trong khi lãi suất cho vay trung, dài hạn thường 1 năm theo hợp đồng mới điều chỉnh. Vì vậy các NH rất cần có các doanh nghiệp (DN) tốt để cho vay nhưng cũng không thể hạ chuẩn, cho vay đối với những DN đang thua lỗ… 

Theo ông Phạm Chí Quang, ngoài vốn tự có của DN, vốn tín dụng của NH… thì trái phiếu DN là kênh quan trọng, mang lại nguồn vốn bền vững, ổn định, đặc biệt là nguồn vốn dài hạn. Do đó cần phải có nhiều giải pháp khơi nguồn vốn trung, dài hạn này, đáp ứng nhu cầu của DN. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI