Ngân hàng không bị cấm bán bảo hiểm nhân thọ

10/07/2024 - 05:56

PNO - Đến nay đã có 2 quy định cấm ngân hàng "ép" khách vay mua bảo hiểm nhân thọ nhưng vẫn khó ngăn được ngân hàng kiếm lợi nhuận từ hoạt động này.

Luật Các tổ chức tín dụng 2024 (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 quy định "cấm bán bảo hiểm không bắt buộc đi kèm với khoản vay". Nhiều người cho rằng, kể từ ngày 1/7, các tổ chức tín dụng không được phép bán bảo hiểm nhân thọ liên kết đầu tư nữa, khách vay sẽ thoát cảnh bị ngân hàng “ép” mua bảo hiểm.

Ông Ngô Trung Dũng - Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) - cho biết, Điều 15 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định: cấm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.

Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7 cấm các nhân hàng gắn việc bán bảo hiểm đi kèm với các dịch vụ ngân hàng - Ảnh: Thanh Hoa
Rất khó cấm nhân viên tín dụng lách luật "ép" người vay mua bảo hiểm nhân thọ - Ảnh: Thanh Hoa

Quy định này được hiểu là cấm các ngân hàng yêu cầu khách hàng mua bảo hiểm để được vay vốn, mở tài khoản, sử dụng dịch vụ ngân hàng khác; không được gây khó khăn, phiền hà cho khách hàng khi họ không mua bảo hiểm; cấm quảng cáo, giới thiệu sản phẩm bảo hiểm một cách sai lệch, gây hiểu lầm cho khách hàng… “Quy định chỉ cấm gắn việc bán bảo hiểm khi cho vay vốn, không cấm ngân hàng bán bảo hiểm nên các ngân hàng vẫn được bán bảo hiểm cho khách hàng có nhu cầu” - ông Ngô Trung Dũng phân tích.

Trước đó, theo Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2023 do Bộ Tài chính ban hành, các ngân hàng không được bán bảo hiểm liên kết đầu tư kèm khoản vay trong thời hạn trước và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay.

Như vậy, đến nay đã có 2 quy định cấm các ngân hàng “ép” người vay mua bảo hiểm nhân thọ khi vay vốn. Nhưng thực tế, theo ghi nhận, quy định mới và quy định cũ vẫn khó ngăn được các ngân hàng “ép” người vay mua bảo hiểm nhân thọ.

Các nhân viên ngân hàng vẫn có nhiều cách lách luật như yêu cầu khách hàng ký cam kết mua tự nguyện, hoặc gợi ý người vay nhờ người quen đứng tên trên hồ sơ mua bảo hiểm nhân thọ.

Theo luật sư Trương Hồng Điền - Trưởng văn phòng luật sư Xuân Phú, TPHCM - lợi nhuận liên kết với các công ty bảo hiểm quá lớn, việc duyệt hồ sơ vay nằm trong tay ngân hàng, họ muốn kiếm thêm lợi nhuận từ người vay, từ đó sinh ra chuyện “muốn được vay thì mua thêm bảo hiểm”. Sẽ có nhiều ý kiến thắc mắc tại sao người vay không phản ánh đến đường dây nóng, hay ghi âm để có bằng chứng gửi cơ quan giám sát, thanh tra bảo hiểm, thanh tra ngân hàng nhà nước. Thực tế, hầu như các ngân hàng thương mại đều liên kết với bảo hiểm, người muốn vay vốn gõ cửa ngân hàng nào cũng vậy. Trong khi đó, khách khiếu nại, tố cáo phải chờ giải quyết khá lâu, đối mặt với việc bị từ chối hồ sơ, ngưng tiếp cận hồ ở các ngân hàng khác với các yêu cầu tương tự.

Luật sư Trương Hồng Điền cho rằng, để quản lý, giám sát và ngăn ngân hàng “ép” khách vay mua bảo hiểm thì phải tách bạch nơi tư vấn, bán bảo hiểm ra khỏi địa điểm giao dịch của ngân hàng. Bên tư vấn, kinh doanh bảo hiểm có thể thuê địa điểm nằm cạnh, nhưng không thể nằm trong phòng giao dịch của ngân hàng. Cách tốt nhất vẫn là nên cấm ngân hàng làm tư vấn, đại lý bảo hiểm.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI