Ngân hàng khó giảm lãi suất vay

18/08/2020 - 06:18

PNO - Thông tin các ngân hàng đang dư tiền do nhu cầu vay giảm khiến nhiều người hi vọng lại suất vay sẽ giảm, tuy nhiên thực tế lãi vay tại các ngân hàng gần như giữ nguyên.

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nguồn tiền gửi không kỳ hạn (còn gọi là tiền gửi thanh toán) tại các ngân hàng đang sụt giảm mạnh. Điều này đồng nghĩa với việc ngân hàng sẽ giảm số tiền nhàn rỗi và khó có khả năng hạ thêm lãi suất vay để hỗ trợ doanh nghiệp. 

nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh huy động nguồn vốn giá rẻ bằng cách mở ra nhiều sản phẩm để khách sử dụng nhiều dịch vụ, đầu tư mạnh vào công nghệ, hợp tác với nhiều doanh nghiệp lớn, các quỹ quản lý vốn tập trung để tăng thị phần.
Nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh huy động nguồn vốn giá rẻ - Ảnh minh họa.

Trước đây, Vietcombank, MBBank, Techcombank được xem là ba ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn lớn nhất trong hệ thống ngân hàng. Thế nhưng, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn tại các ngân hàng này đang sụt giảm mạnh. Tại MBBank, tiền gửi không kỳ hạn giảm 9% so với cuối tháng 12/2019, xuống còn 83.935 tỷ đồng; tiền gửi có kỳ hạn cũng giảm nhẹ 1%, xuống còn 168.051 tỷ đồng. 

Tại Vietcombank, tổng tiền gửi từ khách hàng tăng 5,7% trong sáu tháng đầu năm nhưng riêng tiền gửi không kỳ hạn giảm 1,8%, xuống còn 260.378 tỷ đồng. Tương tự, tổng tiền gửi của khách hàng tại BIDV tăng 1,6% nhưng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn lại giảm 3% so với đầu năm, xuống còn 172.500 tỷ đồng. 

Tại một số ngân hàng có quy mô nhỏ hơn, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn còn sụt giảm mạnh hơn. Như tại KienLongbank, mặc dù tiền gửi khách hàng vẫn tăng trưởng tới 10,4% nhưng lượng tiền gửi không kỳ hạn sụt giảm gần 31%, xuống còn hơn 1.000 tỷ đồng. Tiền gửi không kỳ hạn tại BacABank cũng giảm tới 27,4%, SHB giảm 21%, Eximbank giảm 18,4%, SeABank giảm 14,8%… 

Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát bình quân sáu tháng đầu năm 2020 tăng 4,19% so với cùng kỳ năm 2019. Kinh tế khó khăn khiến người dân, doanh nghiệp giảm thu nhập, phải rút tiền để trang trải. Một số cá nhân, tổ chức gom tiền để gửi tiết kiệm có kỳ hạn ngắn để hưởng lãi suất hoặc đầu tư vào các lĩnh vực khác như chứng khoán, vàng để tăng thêm thu nhập. 

Tiền gửi không kỳ hạn được xem là nguồn vốn giá rẻ quan trọng của các ngân hàng vì có mức lãi suất thấp (từ 0,1-0,5%/năm). Trong khi đó, với tiền gửi có kỳ hạn từ 1-6 tháng, ngân hàng phải trả lãi suất cho khách hàng từ 4-5%. Ngân hàng sở hữu được tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn cao sẽ có cơ hội giảm chi phí huy động, giữ được lãi suất cho vay ở mức cạnh tranh trên thị trường. Ngược lại, tiền gửi có kỳ hạn tăng mạnh, các ngân hàng sẽ khó có cơ sở giảm lãi suất cho vay hơn do phải tăng chi phí huy động vốn. 

Trước thực trạng này, nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh huy động nguồn vốn giá rẻ bằng cách mở ra nhiều sản phẩm, đầu tư mạnh vào công nghệ, hợp tác với nhiều doanh nghiệp lớn, các quỹ quản lý vốn tập trung để tăng thị phần. Gần đây nhất, một số ngân hàng chấp nhận hy sinh phần phí dịch vụ để miễn, giảm phí tài khoản, chuyển tiền, thanh toán nhằm thu hút khách hàng mở tài khoản, tăng lượng tiền gửi không kỳ hạn. 

Để giảm bớt nguồn vốn giá cao là tiền gửi có kỳ hạn, đầu tháng Tám này, hàng loạt ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất tiền gửi. Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank đồng loạt giảm lãi suất huy động kỳ hạn một tháng từ 3,7% xuống 3,5%; giảm thêm 0,2% lãi suất kỳ hạn ba tháng, xuống còn 3,8%; giảm thêm 0,1% kỳ hạn chín tháng, xuống còn 4,5%, giảm mạnh thêm 0,5% ở các kỳ hạn từ 12-24 tháng, xuống còn 6,0%. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI