Ngân hàng gặp khó khi xử lý nợ xấu, tại sao?

25/04/2025 - 17:01

PNO - Sau khi Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội (về thí điểm xử lý nợ xấu) hết hiệu lực, nợ xấu ở các ngân hàng đã tăng nhanh. Trên mạng xã hội Facebook, nhiều người công khai bày nhau cách “bùng” nợ ngân hàng.

“Ngân hàng chỉ hù thôi”

Trong nhóm “Những người thiếu nợ ngân hàng” với gần 6.000 thành viên, một tài khoản ẩn danh bày tỏ sự lo lắng và đăng ảnh chụp tin nhắn từ màn hình, trong đó Ngân hàng T.P. ra thông báo sẽ khởi kiện chủ tài khoản này do nợ quá hạn 3 năm. Dưới bài viết, có hơn 40 bình luận bày cách đối phó.

Một người kể, đã nợ một ngân hàng 6 năm nhưng vẫn bình an vô sự và kết luận rằng “ngân hàng chỉ hù thôi”. Một người khác khẳng định, người mắc nợ chỉ bị ảnh hưởng xấu đến lịch sử tín dụng và chỉ cần trả nợ khi có khả năng. Một người khác bình luận rằng, ngân hàng chỉ khởi kiện với các khoản nợ thế chấp bằng nhà, đất hoặc với các khoản nợ vay tín chấp trị giá trên 300 triệu đồng. Theo người này, các ngân hàng không có nhiều nhân sự, thời gian để theo đuổi các vụ kiện lẻ tẻ. Một tài khoản Facebook tên N.K. còn kể, từng nợ Ngân hàng V.P. gần 100 triệu đồng, đã “bùng” trong 4,5 năm sau 6 tháng mua hàng trả góp nhưng vẫn không bị kiện vì “ngân hàng chỉ hù là chính”.

Ảnh chụp màn hình Facebook nội dung bài đăng và bình luận  hướng dẫn nhau cách trốn nợ, quỵt nợ ngân hàng
Ảnh chụp màn hình Facebook nội dung bài đăng và bình luận hướng dẫn nhau cách trốn nợ, quỵt nợ ngân hàng

Một số thành viên trong nhóm tỏ ra “am hiểu pháp luật”, khi thấy các bài đăng cho biết đã bị ngân hàng đưa vào danh sách nợ xấu, có thể bị thu giữ tài sản đảm bảo, họ tư vấn “do Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu đã hết hiệu lực, nên cứ trì hoãn việc giao tài sản đảm bảo”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, thời gian gần đây, các ngân hàng đăng tin dày đặc về việc bán và đấu giá các khoản nợ xấu. Có ngân hàng rao bán khoản nợ ban đầu trị giá trên 1.000 tỉ đồng nhưng sau đó hạ giá nhiều lần, chỉ còn 317 tỉ đồng mà vẫn chưa tìm được người mua. Có ngân hàng rao bán những khoản nợ vay bằng vàng miếng SJC từ giai đoạn 2005-2009 với trị giá từ 2.000 đến 5.000 lượng. Nhiều khoản nợ có tài sản đảm bảo là bất động sản mà số tiền lãi đã nhiều gấp 3-4 lần so với số tiền gốc ban đầu.

Nợ xấu tăng nhanh

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) - cho biết, tình trạng nợ xấu ở các tổ chức tín dụng (bao gồm ngân hàng và công ty tài chính) đang gia tăng nhanh chóng. Nguyên nhân chính là do Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội (về thí điểm xử lý nợ xấu) hết hiệu lực. Các tổ chức tín dụng và Công ty Quản lý tài sản (VAMC) không còn được áp dụng biện pháp thu giữ tài sản bảo đảm trong quá trình xử lý nợ xấu như trước đây, trong khi một bộ phận khách hàng chây ì trả nợ.

Theo ông, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2025, nợ xấu đã tăng thêm 34.000 tỉ đồng, nâng tổng số nợ xấu của toàn hệ thống lên 1,064 triệu tỉ đồng. Các tổ chức tín dụng chỉ xử lý được 15.000 tỉ đồng trong số đó nhờ trích lập quỹ dự phòng rủi ro. Số tiền do khách hàng tự giác trả nợ chỉ đạt 10.000 tỉ đồng. Trong năm 2024, nguồn thu hồi nợ chủ yếu đến từ việc xử lý tài sản đảm bảo, chiếm khoảng 46%, còn nguồn do khách hàng tự giác trả chỉ đạt 36%. Phần nợ do các tổ chức tín dụng bán cho VAMC hoặc chờ bán tài sản đảm bảo thông qua thi hành án chỉ đạt khoảng 7.000 tỉ đồng.

Ông nhận xét, những vướng mắc liên quan đến Luật Đất đai cũng gây khó khăn cho quá trình thi hành án. Nhiều bản án đã có hiệu lực nhưng qua 27-28 lần thi hành án, đấu giá, phát mại tài sản, vẫn không thể xử lý dứt điểm được. Trong số hơn 40.000 vụ chuyển sang giai đoạn thi hành án trong năm 2024, chỉ có 15% số vụ được giải quyết, với số tiền thu hồi được rất nhỏ so với nội dung bản án.

Ngân hàng Quân Đội (MB) phản ánh, khi Nghị quyết 42 còn hiệu lực, tổng quy mô tài sản đảm bảo liên quan đến nợ xấu của ngân hàng này là 8.900 tỉ đồng (tính đến tháng 3/2024). Sau khi nghị quyết hết hiệu lực, ngân hàng không còn được phép thu giữ tài sản trực tiếp, khiến thời gian thu hồi nợ tăng 27% so với cùng kỳ năm trước, chi phí xử lý nợ cũng tăng 2% do phải áp dụng các biện pháp kiện tụng. Số vụ kiện của MB trong năm 2024 là 960 đơn, nhiều gấp 2,8 lần so với năm 2022.

Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) cũng cho biết, nhiều khách hàng không chịu bàn giao tài sản đảm bảo dù đã quá hạn thanh toán, thậm chí còn kiện ngược lại ngân hàng với cáo buộc cưỡng đoạt tài sản, nhằm kéo dài thời gian xử lý. Việc thiếu cơ chế đặc thù để thu hồi tài sản đảm bảo khiến ngân hàng chỉ có thể chờ phán quyết của tòa án, trong khi quá trình này tốn nhiều thời gian và làm gia tăng chi phí thu hồi nợ.

Trong báo cáo gửi Ngân hàng Nhà nước mới đây, các ngân hàng phản ánh, kể từ khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, số vụ kiện tăng mạnh, thời gian xử lý nợ xấu bị kéo dài, nhiều khách hàng có nợ xấu cố tình chây ì, không trả nợ.

Cho phép các ngân hàng thu giữ tài sản đảm bảo

Đối với những khách hàng cố tình không trả nợ, nên cho phép các ngân hàng có quyền thu giữ tài sản đảm bảo thay vì phải chờ đợi phán quyết của tòa án. Đã đến lúc cần phải luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu để xóa bỏ tư duy tìm cách quỵt nợ vay ngân hàng. Pháp luật có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân chứ không phải bảo vệ những hành vi sai trái.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI