Hai ngân hàng lớn khác là Vietinbank và BIDV cũng đang tính đến chuyện sẽ tăng phí cho… “bằng bạn bằng bè”.
Trong khi đó, kể từ ngày 12/5 tới, Agribank sẽ tăng phí rút tiền nội mạng từ mức 1.000 đồng lên 1.500 đồng/giao dịch (chưa bao gồm thuế VAT).
Ngoài phí rút tiền nội mạng, Agribank cũng tăng phí chuyển khoản liên ngân hàng tại ATM và phí chuyển khoản liên ngân hàng tại ứng dụng E-Mobile Banking lên mức 0,05% số tiền giao dịch, tối thiểu 8.000 đồng/giao dịch.
Tính từ đầu năm 2018 đến nay, Agribank là ngân hàng thứ năm trong các ngân hàng đã đua nhau tăng phí dịch vụ. Đầu tiên phải nhắc đến Vietcombank. Vừa mới áp dụng biểu phí dịch vụ mới về SMS Banking từ đầu tháng 3, nhiều khách hàng của Vietcombank vẫn chưa kịp thích nghi thì ngày 15/4, ngân hàng này tiếp tục tăng phí dịch vụ với khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Bankplus - dịch vụ dành cho các chủ thuê bao di động Viettel đã sử dụng dịch vụ VCB SMS Banking tại Vietcombank.
Thay vì miễn phí, các giao dịch chuyển tiền trong cùng hệ thống Vietcombank dưới 50 triệu đồng qua Mobile Bankplus sẽ phải chịu mức phí 2.000 đồng và 5.000 đồng với giao dịch từ 50 triệu đồng trở lên.
Một số nhà băng cũng âm thầm điều chỉnh theo hướng tăng phí dịch vụ. NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) áp dụng phí chuyển khoản nhanh qua tài khoản hoặc thẻ khác hệ thống, khác tỉnh, thành phố là 0,05% số tiền. NH TMCP Đông Á áp dụng phí chuyển khoản qua Internet Banking khác hệ thống, khác tỉnh là 22.000 đồng/giao dịch hay NH TMCP Quốc tế (VIB) nếu trước đây miễn phí khá nhiều giao dịch, nay cũng bắt đầu thu phí.
Mới đây nhất, lãnh đạo hai ngân hàng khác là Vietinbank và BIDV xác nhận đang tính việc tăng phí rút tiền nội mạng trong tháng 5 này. Theo đó, mức tăng của Vietinbank có thể bằng với Agribank là từ 1.100 đồng lên 1.650 đồng (sau thuế VAT).
Dưới đây là biểu phí của các ngân hàng: Đối với dịch vụ Internet banking nội mạng, tính đến thời điểm hiện tại thì Vietinbank là cao nhất, trên 50 triệu đồng sẽ mất 0,011% phí.
Hầu hết các ngân hàng cung cấp dịch vụ Bankplus hiện nay đều miễn phí chuyển tiền trong hệ thống, riêng một số ngân hàng như Vietcombank, BIDV, VIB lại thu phí.
Riêng về phí rút tiền tại ATM trong cùng hệ thống, các ngân hàng Vietcombank, VietinBank, BIDV, ACB đang thu phí 1.100 đồng/giao dịch trong khi các ngân hàng còn lại miễn phí.
Nếu rút tiền tại các ATM của ngân hàng khác, mức phí phổ biến là 3.300 đồng/giao dịch, ngoại trừ SHB thu 1.100 đồng, TPBank, Techcombank và LienVietPostBank miễn phí.
Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Chi nhánh TPHCM cho biết, tăng phí là quyền tự chủ của NH, nhưng trong yêu cầu cạnh tranh, nếu tăng quá cao thì NH sẽ mất khách.
NHNN không can thiệp vào nhưng có quy định khung phí chung. Khung này được quy định theo loại hình sản phẩm, ví dụ như về thẻ ATM, phí mở thẻ ban đầu, phí duy trì thẻ…
Tùy từng NH sẽ căn cứ vào loại hình kinh doanh của mình để đưa ra biểu phí phù hợp và mang tính cạnh tranh rất cao. Nếu không thì khách hàng sẽ lựa chọn những NH có biểu phí thấp để hạ giá thành sản phẩm.
Trong trường hợp nếu NH tăng phí kiểu “tận thu”, vượt quá khung thì NHNN sẽ tiến hành thanh tra, xử lý theo quy định.
TS Nguyễn Ngọc Sơn, chuyên gia Luật Cạnh tranh: ‘Agribank tăng phí rút tiền từ 1.100 lên 1.650 đồng là mức tăng bất thường, cần xem xét lại’!
Từ ngày 12/5, ngân hàng Agribank áp dụng tăng mức phí rút tiền mặt tại hệ thống ATM. Theo TS Nguyễn Ngọc Sơn, Chuyên gia Luật Cạnh tranh, việc áp dụng mức phí tăng bất thường này cần xem xét, có hay không dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh.
Việc Agribank tăng phí rút tiền từ 1.100 lên 1.650 đồng, tương đương tăng 50% có đúng luật không, thưa ông?
Dưới góc độ của quan hệ kinh tế, đây là hành vi đơn phương của ngân hàng. Nếu là một hành vi đơn phương của ngân hàng thì đây không phải là một giao dịch, về tính chất. Việc này rõ ràng là áp phí, một khi đã là áp phí thì về mặt lý thuyết, người bị áp phí sẽ phải chịu bất lợi.
Nói về mức tăng, tôi nhận thấy mức tăng này, có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh. Vì trong Luật Cạnh tranh có quy định hành vi áp đặt, giá mua, giá bán, hàng hóa dịch vụ một cách bất hợp lý gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Trong đó, có áp đặt giá bán, làm cho giá trung bình trên thị trường tăng lên quá 5% trong 6 tháng liên tiếp mà không thuộc 2 trường hợp sau là vi phạm Luật Cạnh tranh. Trường hợp 1 là do giá cung tăng đột biến, trường hợp 2 là chi phí tăng đột biến.
Với mức giá tăng 5% trong 6 tháng, là vi phạm luật nếu doanh nghiệp đó có vị trí thống lĩnh thị trường, tức thị phần từ 30% trở lên. Tôi được biết hiện Agribank có thị phần khá lớn và là một trong những ngân hàng đang dẫn đầu hệ thống về huy động vốn và quy mô tín dụng.
Như vậy, việc đặt ra mức tăng như hiện nay của Agribank là quá cao, 1.100 lên 1.650 đồng/giao dịch, tương đương tăng 50% so với trước, bản thân nó là bất thường và pháp luật phải xem xét. Còn kết luận có vi phạm hay không thì còn tùy thuộc vào điều tra.
Theo ngân hàng giải thích, thực tế chi phí duy trì ATM của các ngân hàng nếu để thu đúng phải tương đương 9000 đồng/giao dịch. Lý do này có thuyết phục?
Theo tôi là không thuyết phục. Các ngân hàng chỉ lấy chi phí ra để tính mà không tính đến chiều ngược lại, đó là số tiền mà người dân để trong tài khoản, lãi suất rất thấp. Tại sao ngân hàng lại không nghĩ đến khoản lợi từ số tiền khách hàng để trong ngân hàng? Mức lợi đó không phải nhỏ đâu.
Chúng ta phải xác định với nhau, hoạt động ATM không phải là hoạt động kinh doanh mà nó là dịch vụ để hỗ trợ cho hoạt động khác trong hệ thống ngân hàng. Khi khách hàng gửi tiền vào ngân hàng, ngân hàng nào có càng nhiều hệ thống ATM, dịch vụ linh hoạt thì họ càng thích gửi tiền. Vì vậy, hệ thống ATM không phải là giá trị để kinh doanh lấy lãi mà nó như một dịch vụ tăng thêm đối với dịch vụ tín dụng.
Vậy nên, quan điểm cá nhân của tôi, hành vi áp phí của ngân hàng là có dấu hiệu bất thường và cần cơ quan điều tra vào cuộc xem có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không.
Mai Phương (thực hiện)
|
Thanh Hoa