Ngân hàng đua nhau tăng lãi suất tiền gửi, mở thẻ tín dụng

22/02/2019 - 18:01

PNO - Sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán 2019, các ngân hàng ồ ạt tăng lãi suất huy động tiền gửi, đẩy mạnh mở thẻ tín dụng đồng thời giảm lãi suất tiền rút từ thẻ.

Tặng nhiều quyền lợi để hút khách

Để hút tiền gửi, các ngân hàng (NH) đang đua nhau tăng lãi suất tiết kiệm. Với kỳ hạn dưới 6 tháng, mức lãi suất dao động từ 5,5 - 8,1%/năm; từ 1 năm trở lên, lãi suất phổ biến quanh mức 7 - 8%/năm, như VPBank là 7,5 - 8,6%/năm, MBBank là 7,2%/năm. VIBank huy động tiền gửi với lãi suất cao nhất là 7,9%/năm cho kỳ hạn 18 tháng, với điều kiện số tiền gửi từ 100 triệu đồng và bằng hình thức tiết kiệm trực tuyến. Ngoài tăng lãi suất, NH còn tặng quà khá hấp dẫn khác như cộng thêm lãi suất, lì xì… 

Ngan hang dua nhau tang lai suat tien gui, mo the tin dung
Ngân hàng tăng lãi suất, khuyến mãi để hút tiền gửi tiết kiệm của khách hàng sau tết

Theo các chuyên gia kinh tế, thông thường, đầu năm, người dân có nhu cầu gửi tiền tiết kiệm cao vì trước và trong tết có nguồn thu nhập khá dồi dào. Việc các NH điều chỉnh tăng lãi suất huy động là để kéo khách, thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong cộng đồng. Một số NH có nhu cầu huy động vốn kỳ hạn dài nhằm cơ cấu lại nguồn tiền gửi, đáp ứng tiêu chí an toàn vốn.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng, tiến sĩ Bùi Quang Tín đánh giá, việc các NH đua nhau khuyến mãi, tăng lãi suất tiền gửi nhằm hút tiền nhàn rỗi, tăng thanh khoản là để đón đầu nhu cầu tín dụng trong các quý tới. Mặt khác, việc Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất, các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán và vàng cũng đang tạo sức ép không nhỏ lên kênh huy động tiền gửi tiết kiệm khiến các NH phải tăng quyền lợi cho khách hàng nếu muốn thu hút được tiền gửi.

Về mặt bằng lãi suất trong năm nay, tiến sĩ Tín nhận định: “Năm 2019, áp lực về lãi suất sẽ rất lớn; mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% cũng khá nặng nề. Lạm phát tăng, tỷ giá tăng sẽ là áp lực khiến lãi suất huy động rất khó giảm so với năm 2018”.

Khách hàng có thể mắc bẫy

Ngoài hút tiền gửi, các NH còn đang đẩy mạnh mở thẻ tín dụng để tăng lượng thanh toán không dùng tiền mặt. Chẳng hạn như NH ABBank mới đây ra mắt thẻ thanh toán không tiếp xúc ABBank Visa Contactless, chỉ cần đặt gần, lướt nhẹ hoặc vẫy nhẹ lên máy POS để thanh toán thay vì quẹt. Không chỉ sôi động ở nhóm NH, các công ty tài chính cũng chú trọng mở rộng thẻ tín dụng, hướng đến khách hàng có thu nhập thấp từ 3 - 4 triệu đồng/tháng. Một số công ty như Home Credit, FE Credit đã đưa hàng loạt hồ sơ khách hàng có lịch sử tín dụng tốt vào diện khách hàng ưu tiên mở thẻ tín dụng. Thông qua hình thức này, khách hàng có thể gián tiếp vay vốn thuận tiện hơn so với cách thức vay tín chấp truyền thống. 

Hiện một số công ty tài chính còn miễn phí rút tiền mặt, giảm lãi suất tiền rút để kích cầu khách hàng. Chẳng hạn, phí rút tiền mặt của FE Credit trước đây là 1,5% nay giảm còn 0%. Lãi suất trong hạn của thẻ thông thường là 3,8 - 4,8%/tháng nhưng hiện giảm còn 1,4%/tháng. 

Ngan hang dua nhau tang lai suat tien gui, mo the tin dung

Sở dĩ các tổ chức tín dụng đua nhau đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng vì lợi nhuận quá lớn. So với mức vay thông thường, mức vay qua thẻ tín dụng (thông qua hình thức rút tiền mặt, chi tiêu) luôn cao hơn khoảng từ 0,5 - 2%/tháng. Chưa kể, còn có rất nhiều nguồn thu dồi dào khác như phí thường niên, phí rút tiền mặt, phạt nợ quá hạn… 

Theo các chuyên gia, việc tăng cường phát hành thẻ giúp người dân thuận tiện trong việc chi tiêu, đẩy mạnh hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, đóng góp cho sự phát triển của lĩnh vực thu dịch vụ. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Bùi Quang Tín, các NH hiện nay quản  lý theo chỉ số đo lường hiệu quả công việc (KPI), tức là giao chỉ tiêu huy động, cho vay, phát hành thẻ. Để đạt được chỉ tiêu, nhiều nhân viên sẽ tìm mọi cách chiêu dụ khách mở thẻ, thậm chí tư vấn lập lờ về các khoản phí, lãi suất. Trong khi đó, kiến thức về sử dụng thẻ tín dụng của người dùng vẫn chưa đủ, dẫn đến nhiều 
thiệt hại. 

Thường gặp nhất là khách phải chịu nhiều mức phí vô tội vạ, thậm chí bị phạt lãi rất nặng chỉ vì không biết đến sự tồn tại của các khoản phí này. Các tổ chức tín dụng thường đưa ra thông báo ưu đãi về giảm phí khi rút tiền, giảm lãi suất nhưng thường không cho khách hàng biết các chương trình trên có thời hạn rất ngắn. “Chưa bao giờ khách hàng có thể sở hữu thẻ tín dụng dễ dàng như lúc này. Đa phần mỗi khách hàng đều có 2 - 3 thẻ tín dụng, dẫn đến chi tiêu quá tay. Các thẻ tín dụng chỉ miễn lãi suất tối đa 45 ngày (trường hợp chi tiêu, không tính khi rút tiền); nếu vượt quá hạn này, lãi suất quá hạn rất lớn, có nơi 30 - 40%, ảnh hưởng đến việc hoàn trả nợ gốc. Một khi người dân không trả đầy đủ sẽ dẫn đến nợ xấu bởi khoản tiền trong thẻ tín dụng vẫn được tính vào khoản cấp tín dụng như hình thức cho vay của các tổ chức tài chính” - tiến sĩ Tín cảnh báo. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI