Ngân hàng đua nhau giảm lãi, thanh lý tài sản...

10/07/2020 - 11:44

PNO - Hiện các ngân hàng đang đẩy mạnh việc giảm lãi suất - cả huy động lẫn cho vay - để giải quyết đầu ra đang bị tắc nghẽn, tăng cường thanh lý tài sản giá trị nhỏ để thu hồi nợ.

Hạ lãi suất, thanh lý tài sản 

Thông thường, các ngân hàng chỉ hạ lãi suất huy động và lãi suất cho vay khi có sự thay đổi chính sách từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Thế nhưng, trong bối cảnh dư thừa vốn và đang tắc nghẽn đầu ra, các ngân hàng buộc phải tự quyết định giảm mạnh lãi suất cả huy động lẫn cho vay ngay từ đầu tháng Bảy.

Các ngân hàng giảm mạnh lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và giải quyết đầu ra cho dòng vốn
Các ngân hàng giảm mạnh lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và giải quyết đầu ra cho dòng vốn

Lãi suất cho vay tại các ngân hàng lớn như BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank… vốn đã thấp (từ 4,8-7,5%/năm) nhưng mới đây, họ quyết định giảm thêm 0,2-0,5% so với mức hiện tại. Tính từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đã có ba lần giảm lãi suất cho vay với tổng mức đã giảm là 2,5-3%/năm, điều chưa từng xảy ra trong ngành ngân hàng. 

Các ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô nhỏ hơn như Nam A Bank, ABBANK cũng giảm lãi suất trong đầu tháng Bảy này. Với ABBANK, đây là lần thứ ba giảm lãi suất trong năm, đưa lãi suất một số gói vay xuống còn 6,8%/năm.

Không chỉ giảm lãi vay, các ngân hàng từ lớn tới nhỏ cũng thông báo giảm lãi suất huy động vốn. Hiện nay, mức trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ sáu tháng trở xuống là 4,25%/năm. Trước đây, các ngân hàng thường có lãi suất huy động sát mức trần quy định, thậm chí vượt mức trần và bị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cảnh cáo. Thế nhưng, hiện nay, mức lãi suất huy động kỳ hạn dưới sáu tháng tại các ngân hàng chỉ còn từ 3,4-3,95%, là mức thấp chưa từng có. 

Lãi suất huy động kỳ hạn từ 6-12 tháng cũng chỉ còn 4,4-6,3%, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên chỉ còn 6-7%. Trong khi đó, đầu năm 2019, một số ngân hàng nhỏ đưa ra mức lãi suất từ 8,5-10% để thu hút khách hàng gửi tiền. Thậm chí, các khoản tiền gửi bằng ngoại tệ như yên Nhật, đô-la Úc hiện cũng giảm về mức 0% thay vì 0,2-1,3% như trước đây. 

Ngoài giảm lãi suất, các ngân hàng còn đang đẩy mạnh thanh lý tài sản để thu hồi vốn, xử lý bớt nợ xấu. Các ngân hàng liên tục phát đi thông báo thanh lý tài sản đảm bảo, từ nhà máy, thiết bị máy móc, nhà ở, ô tô cho đến… vỏ bình gas. Các khoản nợ - nhiều nhất là ô tô - được rao bán với giá thấp hơn 8-20% so với giá thị trường. Thậm chí, không ít ngân hàng rao bán giá khởi điểm thấp hơn nhiều so với dư nợ, như Agribank đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH TM DV XNK Sao Bắc (TP.HCM) chỉ 21,8 tỷ đồng, trong khi giá trị ghi sổ nợ lên đến 50 tỷ đồng; VIB thanh lý xe Mazda CX 2018 820 triệu đồng, trong khi giá trước đó hơn 1 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc thanh lý tài sản của các ngân hàng không mấy khả quan. Có nhiều ngân hàng rao bán tài sản đến lần thứ 15, vẫn không có người mua. 

Hoạt động cầm chừng, chờ khôi phục

Ông Phan Đình Tuệ - Phó tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank - cho biết, trước đây, lãi suất huy động cao nên ngân hàng không thể giảm lãi suất vay. Hiện nay, lãi suất vay đang được giảm nhưng với mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay, tới đây, ngân hàng có thể sẽ giảm lãi suất vay sâu hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. 

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, việc giảm mạnh lãi suất còn do các ngân hàng đang thừa vốn, đầu ra bị tắc nghẽn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tính đến ngày 29/6, tăng trưởng tín dụng chỉ 3,26%, trong khi mức cùng kỳ năm 2019 là 7,36%. Đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Việc hạ lãi suất cũng nhằm đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, cố gắng cầm cự để chờ khôi phục khi hết dịch. 

Dù lãi suất ngân hàng giảm, vốn vẫn khó đến tay doanh nghiệp, bởi các ngân hàng cũng không dám cho vay, sợ doanh nghiệp không có khả năng trả nợ. Một số doanh nghiệp lại không có nhu cầu vay mới do vẫn chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm. Việc giảm lãi suất chỉ là giải pháp nhất thời, không phải là gốc giải quyết vấn đề của doanh nghiệp. Nếu tìm được đầu ra cho sản phẩm, dù lãi suất có cao hơn vài phần trăm, doanh nghiệp vẫn chấp nhận. 

“Chỉ khi giải phóng hàng tồn, tăng trưởng sản xuất, doanh nghiệp mới có nhu cầu vay vốn, tín dụng kinh tế mới tăng trưởng được” - phó giáo sư - tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, nói. 

Từ đầu năm đến nay, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là 159.000 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân đã mua trực tiếp gần 22.700 tỷ đồng, bằng 15% lượng phát hành và cao hơn 10% so với năm 2019.

Theo phó giáo sư - tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, gần đây, nhiều người đầu tư vào trái phiếu nhưng phần lớn tiền của người dân vẫn nằm ở kênh ngân hàng do trái phiếu và vàng là hai kênh rủi ro nhất, bất động sản thì đang đứng im, tỷ giá ngoại tệ không biến động, thị trường chứng khoán xuống thấp. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI