Ngân hàng công bố lãi suất thấp, doanh nghiệp vẫn vay cao ngất ngưởng

05/04/2024 - 19:23

PNO - Chia sẻ tại hội thảo “Khơi thông nguồn vốn ra thị trường” do báo Tuổi Trẻ tổ chức chiều ngày 5/4, đại diện các hiệp hội và doanh nghiệp cho biết hiện nhiều doanh nghiệp còn khát vốn, nhưng không còn tài sản thế chấp để vay vốn mới, lãi suất tiền gửi tiết kiệm đã về 4%/năm, nhưng nhiều khoản vay lãi suất lên đến 10%/năm.

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM - cho biết, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TPHCM trong tháng 2/2024 đã tăng trở lại mức 0,01% và tháng 3 ước tính tăng 0,5%.

Tín dụng chủ yếu chảy vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ, chiếm trên 60%. Vay ở khối doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp trên địa bàn TPHCM tăng 1,6% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, nếu tính chung trên cả nước, thì dư nợ tín dụng nền kinh tế chỉ tăng hơn 0,61% so với cuối năm 2023, khá thấp so với cùng kỳ các năm trước.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: Quang Định

Ông Nguyễn Đình Tuệ - Giám đốc Trung tâm dịch vụ Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa – cho biết, 3 tháng đầu năm 2024, tình hình xuất khẩu khởi sắc hơn, các ngành du lịch, dịch vụ đều tăng trưởng khá, ngân hàng hạ lãi suất nên nhu cầu vay của doanh nghiệp tăng hơn một chút.

Tuy nhiên, hiện nhiều DN nhỏ và vừa vẫn khát vốn do không có tài sản đảm bảo, hoạch toán chưa minh bạch, quản trị còn yếu kém.

Theo ông Tuệ, khó khăn lớn nhất hiện nay là nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân vẫn yếu, DN bán hàng rất chậm. Do đó rất cần sự hỗ trợ của nhà nước thông qua các giải pháp kích cầu tiêu dùng, kích cầu đầu tư, giải ngân đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại. Chính sách giảm 2% thuế VAT nên tiếp tục kéo dài đến hết năm 2024 thay vì chỉ đến 30/6.

Ông Phạm Văn Việt - Phó chủ tịch Hội Dệt may - thêu đan TPHCM – thông tin, ngành dệt may có dấu hiệu phục hồi, đơn hàng dù ít nhưng vẫn đảm bảo cho các DN sản xuất đến khoảng 6/2024.

Do đối tác yêu cầu sản phẩm phải hướng đến xanh hóa, giảm khí phát thải carbon… nên các DN đang cần nguồn vốn cho đầu tư công nghệ. Nhưng hiện nay các ngân hàng chỉ sẵn sàng cho vay vốn lưu động, còn vay đầu tư trung dài hạn thì DN vẫn khó tiếp cận.

Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (Huba), hơn 43% DN kiến nghị hỗ trợ về vốn, lãi suất. Có tới 41% doanh nghiệp được khảo sát cho biết không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn. Hiện lãi suất tiền gửi tiết kiệm chỉ còn 4%, nhưng nhiều khoản vay cũ vẫn chưa giảm, mà còn đâu đó 10% với lý do chưa hết thời hạn vay.

Ông Nguyễn Ngọc Hoà - Chủ tịch Huba – nói: Với nguồn vốn ngắn hạn, DN dễ dàng tiếp cận. Còn nguồn vốn trung dài hạn, các ngân hàng muốn cho vay, “năn nỉ” cho vay nhưng DN đặt vấn đề “vay để làm gì” khi các thủ tục đất đai, đầu tư để xây nhà máy, chuyển đổi công nghệ vẫn chưa giải quyết xong.

“Các thủ tục liên quan đến đất đai như phê duyệt phương án sử dụng đất, ký các hợp đồng thuê đất, thậm chí có DN đã nộp tiền sử dụng đất rồi, nhưng không được ra sổ đỏ, không thể mang đi thế chấp ngân hàng.

Các ngân hàng thì “thủ” rất kỹ, định giá tài sản rất thấp, không tương xứng với đồng vốn DN đã bỏ ra. Vấn đề hiện nay là cần tập trung giải quyết các thủ tục pháp lý về đất đai, giúp các DN ký các hợp đồng thuê đất để xin phép xây dựng, triển khai dự án” – ông Nguyễn Ngọc Hòa kiến nghị.

Vốn không thiếu nhưng các doanh nghiệp vẫn khát vốn hoặc chưa biết vay để làm gì khi các thủ tục đầu tư cứ giậm chân tại chỗ
Vốn không thiếu, nhưng các DN sản xuất vẫn khát vốn, hoặc chưa biết "vay để làm gì", khi các thủ tục đầu tư cứ giậm chân tại chỗ - Ảnh: Thanh Hoa.

Theo kiến nghị của tiến sĩ Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, các ngân hàng nên linh hoạt hơn trong việc áp dụng điều kiện vay vốn, như xem xét, chấp nhận tài sản đảm bảo là hàng tồn kho, đơn hàng, hợp đồng thi công để tạo điều kiện cho khách hàng dễ tiếp cận vốn.

Còn theo tiến sĩ Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, mặt bằng lãi suất cho vay phải giảm thêm. Ngân hàng chỉ hạ lãi suất đến mức độ nào đó mà vẫn đảm bảo an toàn hệ thống, sau đó Nhà nước phải lấy ngân sách ra để bù lãi suất cho doanh nghiệp. Một khi DN khỏe, sẽ phát triển nhanh hơn, kinh tế tự động phục hồi.

Ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc thường trực NHNN đánh giá, hiện lãi suất tại ngân hàng đã thấp nhất trong 20 năm qua. Vốn trong nền kinh tế không thiếu. Ngay từ đầu năm, NHNN đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 15%, nếu nền kinh tế cần vốn thì NHNN sẽ tiếp tục tăng hạn mức tín dụng lên.

Để tháo gỡ khó khăn cho DN, hiện HNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023 về cơ cấu nợ, thời gian kéo dài thêm 6 tháng nữa, thay vì kết thúc vào ngày 30/6 tới đây.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI