Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu bối cảnh (ngân hàng bối cảnh) để giúp các đoàn phim trong nước đỡ tốn thời gian khi tìm bối cảnh, đồng thời giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra thế giới nhằm thu hút các đoàn làm phim nước ngoài là một việc làm nhất cử lưỡng tiện.
|
Quảng Bình đang là bối cảnh "hot" trong cả phim Việt lẫn phim nước ngoài |
Săn lùng bối cảnh phim: May nhờ rủi chịu
Bối cảnh phim không chỉ đóng vai trò như một “nhân vật” trong đường dây câu chuyện, mà còn là chất xúc tác giúp diễn viên “cảm” được cốt truyện, vai diễn, từ đó khơi nguồn cảm xúc cho họ.
Chính vì thế, việc tìm kiếm, thiết kế bối cảnh phù hợp cho mỗi bộ phim ngốn nhiều thời gian, công sức của đoàn làm phim, nhất là trong tình hình phim Việt trăm hoa đua nở như hiện nay, thì bối cảnh cũng trở thành “vũ khí” để thu hút người xem. Ở một nền điện ảnh không có phim trường, mà chuộng bối cảnh tự nhiên để ghi hình như ở Việt Nam, thì công tác tìm kiếm bối cảnh lại càng phức tạp.
Sự phức tạp này bắt nguồn từ việc các đoàn phim không tìm được nguồn cung cấp thông tin dữ liệu về các vùng, miền có thể phù hợp với bối cảnh cần kiếm mà phải đích thân đi thực tế.
Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ, chia sẻ: “Nếu như Truyền thuyết về Quán Tiên tôi mất bốn tháng tìm bối cảnh thì hồi làm Cuộc đời của Yến tôi mất đến tám tháng. Tôi thường dựa vào những nhóm tìm kiếm bối cảnh cộng với kinh nghiệm của bản thân và họa sĩ, quay phim, nhưng không phải lúc nào cũng gặp hên tìm được bối cảnh trùng với ý tưởng kịch bản.
Giả sử có hệ thống dữ liệu cung cấp hình ảnh, thông tin về tình hình thời tiết, đặc điểm văn hóa, sinh hoạt của dân địa phương ở khắp các vùng miền trên cả nước, thì đoàn phim có thể căn cứ vào đó để điều chỉnh kịch bản phù hợp, đưa ra lịch quay hợp lý, thậm chí từ đó tính luôn được lịch phát hành, chứ như hiện tại, mọi thứ đều may nhờ rủi chịu với bối cảnh”.
Sự may mắn trong khâu chọn bối cảnh đe dọa đến cả số phận bộ phim, như họa sĩ thiết kế Đào Ngọc Hùng, từng làm các phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Chờ em đến ngày mai, 11 niềm hy vọng, Chú ơi đừng lấy mẹ con, Truyền thuyết về Quán Tiên nhớ lại: “Dạo làm phim Chú ơi đừng lấy mẹ con, cần cảnh một cánh đồng lúa vàng, nhưng đến sát ngày quay, bộ phận tìm kiếm báo về chỉ tìm được một cánh đồng nhỏ. Tuy nhiên họ không biết rằng ở gần đó lại có những cánh đồng vàng đúng như kịch bản cần, vì vùng này người dân có cách thức trồng lúa khác và thời điểm lúa chín khớp với thời gian ghi hình. Rất may sau đó tôi cùng đạo diễn đã tìm được chỗ này, nhờ vậy phim bấm máy đúng tiến độ”.
Cơ hội quảng bá hình ảnh ra nước ngoài
Việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu hình ảnh không chỉ giúp ích cho các đoàn phim trong nước, mà còn là phương thức giúp hình ảnh đất nước Việt Nam được tuyên truyền, quảng bá rộng rãi đến các đoàn phim nước ngoài, qua đó thu hút họ đến Việt Nam, mở ra cơ hội đưa Việt Nam trở thành điểm đến mới của các nhà làm phim quốc tế.
Hội thảo mới, nói chuyện cũ Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về bối cảnh là một đề xuất mới gây chú ý tại hội thảo Bối cảnh quay phim tại Việt Nam ngày 24/11 tại TP.Vũng Tàu trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXI-2019. Ngoài đề xuất khá thú vị, mới mẻ này, thì những nội dung được bàn luận trong hội thảo không có gì mới so với những cái đã được đề cập tại các cuộc hội thảo cùng chủ đề, từng được tổ chức trong khuôn khổ các kỳ Liên hoan phim Việt Nam hay Liên hoan phim quốc tế Hà Nội. Đa số ý kiến tham luận chỉ xoay quanh những bất cập còn tồn tại khiến đoàn phim ngoại ngại đến Việt Nam quay phim, việc cần có những ưu đãi thuế, ngành du lịch và điện ảnh cần bắt tay nhau... |
Để làm được điều này, rất cần sự chung tay của các cơ quan chức năng liên quan như Cục điện ảnh, Tổng cục du lịch, các ban ngành du lịch ở các địa phương.
Trên trang cá nhân, đạo diễn Lương Đình Dũng nêu đề xuất: “Mỗi tỉnh, thành thực hiện những thước phim liên quan đến bối cảnh từ thiên nhiên cho đến những kiến trúc nổi bật của địa phương mình, mua bản quyền những video sẵn có, kêu gọi đóng góp hình ảnh, video từ những người đi du lịch mọi vùng miền để tạo nên trang điện tử phong phú. Trang điện tử này không chỉ giúp đỡ chính các nhà làm phim Việt giảm thời gian, chi phí đi tìm bối cảnh, mà còn tạo cơ hội tốt giúp các nhà làm phim quốc tế dễ dàng tìm thấy bối cảnh phù hợp để đưa các dự án phim quốc tế đến Việt Nam sản xuất”.
Nhà sản xuất Mai Thu Huyền bày tỏ: “Tôi nghĩ các đoàn phim đều sẵn sàng cung cấp hình ảnh bối cảnh trong các phim đã quay để Cục điện ảnh có thể tập hợp thành kho dữ liệu. Thời buổi công nghệ hiện đại, việc xây dựng một nguồn thông tin cơ sở như vậy đâu quá khó, vấn đề là cần một đơn vị đầu mối khởi xướng việc này, và thích hợp nhất có lẽ là Cục Điện ảnh”.
Việt Nam có bối cảnh tự nhiên tươi đẹp, phong phú, cần phải tận dụng lợi thế này để chạy đua với các nước lân cận trong việc biến Việt Nam thành phim trường mới của thế giới. Nhưng trong khi chờ đợi Nhà nước có những chính sách vĩ mô hơn về ưu đãi cho đoàn phim nước ngoài, thì có lẽ việc xây dựng một cơ sơ dữ liệu hình ảnh là việc làm dễ nhất, nhanh nhất mà ngành điện ảnh Việt Nam có thể làm.
Hương Nhu