H. dọn tủ, tấm hình năm cũ rơi ra. Giữa đêm, H. đăng lên Facebook: "Cha ơi, con chưa từng thấy mặt cha, chỉ có tấm ảnh này".
Không biết H. có khóc không, nhưng vài người lướt mạng lúc chuẩn bị đi ngủ đã lặng lẽ rơi nước mắt. Chúng tôi làm cùng mà chỉ biết H. không cha không mẹ, sống với bà từ nhỏ. Như mọi đứa trẻ mồ côi trên đời, H. cũng muốn một việc lớn của cuộc đời: đi tìm cha mẹ.
|
Father and Daughter- bộ phim ngắn về người cha bỏ cô con gái đi làm ăn xa đã lấy nước mắt của hàng triệu người. |
Hôm sau gặp H. ở bãi xe, hỏi chuyện tấm hình Facebook, em mới kể tôi nghe về hành trình đi tìm cha đầy nước mắt.
"Em ra đời được ít ngày thì mẹ bỏ em. Chị hỏi em có hận mẹ không ạ. Xưa kia em hận lắm. Nhưng giờ em đã làm mẹ nên đoán rằng, khi ấy có thể mẹ trầm cảm sau và sốc vì bố bỏ mẹ mà đi nên mới đối xử với em như thế".
Câu chuyện về thân phận của H. bắt đầu từ một tình yêu trên lâm trường những năm 1980. Cha mẹ em cưới nhau, mẹ mang thai trong bao niềm vui và trông đợi. Vậy nhưng sau đám cưới chỉ 8 tháng thì em ra đời, em bị sinh non.
Thời ấy không có khám thai, chẳng có siêu âm, cũng đâu nhiều nhặn gì kiến thức sinh nở. Đứa bé sinh sớm không nhỏ xíu như người ta vẫn thấy, mà vẫn tròn trịa, xinh xắn như đủ ngày đủ tháng.
Bố H. khi ấy còn trẻ, vì bị bạn bè khích bác, hay vì ông thiếu tự tin, hay vì sao không rõ, đã ôm đứa bé trong tay mà ngờ vực. "Bác chào con", trước khi ra đi, ông đã nói câu này.
Mẹ H. chết điếng với lời nói tổn thương ấy. Điều kiện thiếu thốn, sức khỏe sau trận sinh sớm chưa phục hồi đã bị dội thêm bởi lòng nghi kỵ. Không chịu nổi, người phụ nữ trẻ đem con về nhờ bà nuôi cháu, rồi bỏ đi biền biệt.
H. sống với bà 8 năm ở vùng quê nghèo miền Trung trước khi vào giúp việc người bà con ở Sài Gòn. H. rất thông minh, cô tự học chữ, học tính toán, học nấu ăn, rồi xin làm bếp trưởng trong bếp ăn cơ quan tôi.
Cô ấy là linh hồn của tập thể hơn trăm con người, bởi không chỉ có năng khiếu nấu nướng, món ăn của H. luôn được gửi trong đó sự tận tâm, chăm chút, không nhà hàng quán ăn nào có thể thay thế.
Vậy nhưng, câu chuyện riêng của H. không phải ai ăn cơm cô nấu cũng biết. Kể cả khi tấm hình người cha H. đưa lên Facebook, đồng nghiệp chỉ vào bình luận: "Ôi H. giống bố quá. Như một khuôn đúc ra".
Quả thật, H. quá giống bố. Vậy mà can cớ gì bố H. lại hoài nghi tình yêu của ông. H. buồn buồn chia sẻ, như thời nay, chỉ cần xét nghiệm ADN là em đã có cả bố cả mẹ. Nào khổ đến vậy.
Mà đâu chỉ H. khổ. Bố H. ra khỏi căn nhà hạnh phúc ôm nỗi hoài nghi phụ tình, mẹ cùng quẫn tới mức không thể nuôi nổi đứa con rứt ruột sinh ra, đành chọn phương án cách ly, có lẽ theo bà khi ấy, đó là cách tốt để tinh thần kiệt quệ của mẹ không phương hại tới con.
"Rồi khi nào em tìm được mẹ?", tôi hỏi. H trả lời: "Năm đó em đã kết hôn và sinh con. Nên em không còn suy nghĩ trẻ con là thù hận mẹ. Lần theo các manh mối, em tìm ra bà. Mẹ cũng có gia đình, chồng con đủ cả. Chính mẹ kể cho em nghe về câu nói "bác chào con" đau đớn năm nào. Mẹ quá trẻ, mẹ không vượt qua được, chị nhỉ".
H. sống ở TP.HCM, cách xa nơi ở mẹ ruột của cô khoảng 1.500km. H. thuyết phục được mẹ cùng cô đi tìm bố. Bà chiều con gái, vì biết H. có một nguyện vọng tha thiết: phải biết mặt cha. Mẹ H. đồng ý với điều kiện họ sẽ đóng vai hai dì cháu đi tìm cha cho H.
Có lẽ sau mấy chục năm, mẹ H. vẫn chưa sẵn sàng đối mặt người đàn ông ấy. Mẹ H. cũng không muốn sự xuất hiện đường đột của bà có thể xáo trộn hạnh phúc gia đình một phụ nữ khác.
|
Hình minh họa. |
H. và "dì" bắt xe đò lên đường, vòng vèo các cung đường núi, theo vài dữ liệu mờ mịt người quen cung cấp. Lần tìm tới huyện, rồi xuống một xã xa xôi, hỏi người tên ấy, có một vài thông tin phải loại trừ dần.
"Chắc chắn là chồng bà này rồi", được người địa phương nhiệt tình chỉ, H. và "dì" tới nhà một cô làm trong hội phụ nữ. Người H. tìm chính là chồng của cô ấy.
Cô ấy vừa thấy H. đã thảng thốt: "Con giống bố quá. Bố con từ khi ốm đau bệnh tật đã mầy lần nhắc ông có đứa con gái riêng".
Bố H. nằm trong buồng, căn phòng tối tăm không chút ánh sáng. Ông bệnh đã lâu, chẳng muốn gặp ai, ngay cả khi biết H. đã tìm tới và muốn vào thăm.
"Bố em không thèm gặp em chị ạ. Em tức thở, khóc như mưa như gió. Mẹ em, trong vai bà "dì" dắt cháu đi tìm cha cũng bối rối vô cùng. Sau mấy chục năm, sau bao vất vả tìm tới, chẳng lẽ kết cục lại phũ phàng đến thế", H. kể với tôi trong ánh sáng chiều mưa.
Hôm ấy, H. cứ ngồi lỳ, chờ ông già trong buồng đổi ý. Chờ mãi, H. đành vạch một lỗ nhỏ ở vách ghé mắt ngó vào. H. làm thế, bởi chẳng phải mục đích của H. là lặn lội tới để gặp mặt cha hay sao! Vậy mà, người trong phòng tối một lần nữa đoạn tuyệt tình phụ tử, ông quay lưng, giấu mặt.
H. và mẹ đành trở về, sau khi được vợ sau của bố H. tặng tấm hình chân dung đen trắng của ông. H. kể, cách đây chừng vài năm em có nhận một hai cuộc điện thoại rất lạ với tiếng đàn ông: "H. hả con", nhưng em alo tiếp thì bên kia không nói gì. Cô tin đó là bố cô gọi.
Hôm trước, tự nhiên H. nằm mơ gặp bố, nước mắt tuôn trào ướt gối. Sau có người ở quê kể rằng, đúng thời điểm đó bố em qua đời. Em bị mất điện thoại, đổi số mấy lần, mối liên lạc với người vợ của bố cũng đã đứt.
|
Hình minh họa |
Bà ngoại nuôi H. đã mất năm trước, bố ruột H. đi rồi. Người thân duy nhất H. còn là mẹ, mà bà cũng thuộc về gia đình khác, có muốn gặp cũng ngàn dặm khó khăn.
Câu chuyện của H. giữa bãi xe chiều mưa gió khiến tôi chìm trong não nề. Ai cũng có một số phận phía sau khuôn mặt cười. Nhưng nếu sắp xếp thứ tự, thì chúng tôi, những kẻ có cha còn mẹ may mắn biết bao nhiêu.
Dù vậy, cuộc đời đã trả cho H. mạng sống quý giá khi được bà nuôi dạy khỏe mạnh, H. được bạn bè đồng nghiệp cảm mến và H có một gia đình hạnh phúc bây giờ.
Mọi nhân duyên trên đời đều có nguồn cơn sâu xa. Dù có lý hay vô lý, chúng ta cũng không thay đổi được lịch sử đời mình. Thì thôi, nhìn phía trước mà bước H. nhé. Tình yêu thương vẫn ở quanh em.
Thảo Nguyên
( Thương tặng H.)