Ngắn dài những sợi bún chảy

05/09/2017 - 07:00

PNO - Những sợi bún to, còn gọi là bánh canh, không chỉ để ăn, mà còn để ngắm - cái cách nó hiện diện trên cõi đời này, mới thực sự thú vị làm sao!

Tất cả những gì bạn cần là gạo, bột mì hoặc bột năng và một cái gáo dừa đục lỗ chỗ, những chiếc lỗ tròn tròn bé bé mang nhiều bí mật. Bạn sẽ mất tận một đêm để ngâm gạo, sau đó giã và cho vào túi vải để ráo nước thành bột gạo. Đến lúc này, hãy rửa tay thật sạch và nhồi bột đi cái đã!

Ngan dai nhung soi bun chay
 

Thật ra cách dùng bột gạo thuần chất không pha trộn mới là cách làm bánh canh cổ điển nhưng chuẩn vị nhất. Gạo làm bánh ngon phải là gạo lúa mùa với thời gian sinh trưởng là sáu tháng.

Sau này để sợi bánh dai dai, sần sật, người ta mới trộn bột gạo với bột mì hoặc bột năng, cho vào nước sôi rồi nhồi cho thật đều. Đến khi có được một âu bột mịn màng, trắng trẻo, dẻo thơm, sóng sánh không dính tay, thì cũng là lúc chiếc gáo dừa đục lỗ kia được trưng dụng.

Người ta sẽ cho bột vào đầy ắp gáo dừa, rồi dùng chiếc que gõ đều lên gáo, tạo ra một lực đẩy để bột từ từ rớt xuống nồi nước đang sôi, thông qua những chiếc lỗ nhỏ. Gõ mạnh sợi dài, gõ nhẹ sợi ngắn. Từng sợi bánh rơi đều rơi đều như mưa sa. Phải ngắm cái khoảnh khắc ra đời gian nan của chúng, mới thấy tô bánh canh mình ăn nó ngon đến dường nào.

Đặc điểm của bánh canh gõ là sợi bánh trắng trong, dai, để lâu không bở, ăn vào cảm nhận rõ vị ngọt của hạt lúa dịu dàng mùi quê. Mà trong từng sợi bánh còn có bàn tay tài hoa và cần cù chịu khó của người làm, nên cái tình càng đậm sâu, thấm thía. Tuy nhiên, đó mới chỉ là công đoạn làm “bánh”, để hoàn tất món này, người ta nhất định phải để tâm đến phần “canh”.

Nước lèo ăn bánh canh thường được hầm với xương ống và thịt thăn, có khi là cá, tôm, tép, mực nêm nếm cùng gia vị. Khi ăn, chỉ cần cho một nhúm bánh canh vào tô, rồi chan nước dùng đầy xăm xắp mặt bánh, thả thêm một vài lát thịt luộc, khoanh giò, khứa cá, con tôm, cái tép, hay râu mực, tùy thích. Sau đó là rắc tiêu, hành lên trên cùng.  

Nhớ hồi còn bé, tôi cứ thắc mắc không hiểu vì sao đã là “bánh” mà lại còn đem đi nấu “canh”, để được gọi là “bánh canh”? Đến nay vẫn không ai lý giải được cái “thuật ngữ ẩm thực” đầy bí ẩn này cho con bé tôi vừa hay tò mò, lại thích đánh đố. Đám bạn nước ngoài hỏi tên món này là gì, tôi đùa: bánh canh tức là bánh nấu với canh, nên món này có tên là “cake soup”, tức “cake” nấu với “soup”. Cả bọn cười ồ. 

Ngày nay, giữa cuộc sống vội vã, chẳng mấy ai còn nghĩ đến việc ngâm gạo qua đêm, giã gạo, nhồi bột, gõ bánh thành từng sợi với muôn vàn lích kích của người miền Tây xưa. Người ta ra chợ mua bánh làm sẵn cho nhanh. Nên nếu rủ nhau đi ăn bánh canh gõ tay, chắc chắn sẽ nhiều người tròn mắt vì lạ lẫm. Mà dễ gì có được một cái quán bánh canh như thế giữa thành phố đất chật người đông này kia chứ? Làm sao mà tôi biết được, những sợi bún chảy ngắn dài, sợi nhớ, sợi thương của tôi đã đi đâu rồi? 

Hạnh Di

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI