Ngăn chặn từ gốc nạn xâm hại tình dục trẻ em

14/10/2024 - 06:32

PNO - Hơn 27 năm qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước TPHCM đã trở thành địa chỉ tin cậy cho người yếu thế. Chúng tôi đã truyền thông, trợ giúp pháp lý hàng ngàn cuộc, tư vấn cho hàng trăm ngàn vụ việc. Đặc biệt, chúng tôi tham gia tố tụng, bào chữa, bảo vệ quyền lợi của bị hại trong hàng ngàn vụ việc, trong đó có nhiều trẻ em bị xâm hại tình dục.

Chỉ riêng từ năm 2021 đến năm 2023, trung tâm đã tham gia, hoàn thành việc xử lý 283 vụ trẻ em bị xâm hại tình dục. Số vụ tăng liên tục qua các năm, từ 60 vụ năm 2021 lên 97 vụ năm 2023. Chỉ trong 7 tháng đầu năm 2024, trung tâm tiếp nhận và hoàn thành xử lý 81 vụ trẻ em bị xâm hại tình dục, chưa kể rất nhiều hồ sơ còn trong quá trình thụ lý. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc nâng cao nhận thức của cộng đồng, tăng cường các hoạt động hỗ trợ nạn nhân.

Pháp luật đã quy định rõ, quan hệ tình dục với trẻ dưới 13 tuổi dù có sự tự nguyện hay không cũng bị quy vào tội hiếp dâm; còn quan hệ với trẻ từ 13 đến dưới 16 tuổi là hành vi giao cấu. Có một sự thật là tình trạng giao cấu phải diễn ra nhiều lần, lặp đi lặp lại mới dẫn đến việc trẻ mang thai, ít có trường hợp mang thai chỉ sau 1 lần giao cấu. Vậy mà, không ít phụ huynh phải đợi đến khi con mang thai mới biết sự tình. Điều này cho thấy lỗ hổng rất lớn từ phía gia đình trong việc quan tâm, chăm sóc, giáo dục trẻ. Riêng ở TPHCM, các trường hợp trẻ mang thai ngoài ý muốn thường xảy ra ở những gia đình nghèo, nhập cư để đi làm thuê, làm mướn, không có nhiều thời gian chăm sóc, quan tâm, giáo dục con cái.

Chính vì vậy, theo tôi, để ngăn ngừa từ gốc nạn xâm hại tình dục trẻ em cũng như tình trạng trẻ em mang thai, phải có kết hợp chặt chẽ giữa việc giáo dục trong gia đình, trong nhà trường và ngoài xã hội. Các bậc cha mẹ phải quan tâm, thường xuyên tâm sự, lắng nghe, chia sẻ với con, quản lý việc sử dụng thiết bị điện tử, mạng xã hội của trẻ. Nhà trường nên tạo mọi điều kiện để trẻ được đến trường học tập; xem xét, hỗ trợ, miễn giảm học phí cho những học sinh khó khăn; không nên quá khắt khe về thủ tục hành chính. Tôi từng biết nhiều học sinh phải bỏ học do không có giấy khai sinh hoặc do gia cảnh quá khó khăn. Trong khi đó, việc không nhận được sự giáo dục từ nhà trường cộng với sự thiếu quan tâm của gia đình là một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ có những hành vi sai lệch.

Pháp luật cần có những chế tài khắt khe đối với các hành vi xâm hại tình dục trẻ em; các cơ quan, đoàn thể cần tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của cộng đồng. Việc đưa tin một cách công khai các vụ án xâm hại tình dục có tính chất côn đồ, loạn luân sẽ giúp răn đe kẻ phạm tội và khuyến khích nạn nhân dám lên tiếng.

Về kinh tế, cần phát triển các khu công nghiệp, tạo công ăn việc làm ở các tỉnh, hạn chế tình trạng di cư ồ ạt vào các thành phố lớn. Chính quyền địa phương cấp cơ sở phải sâu sát, nắm chắc đặc điểm dân cư, rà soát các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt ở địa phương để kịp thời hỗ trợ, đồng thời chú trọng tổ chức các sân chơi, các hoạt động cộng đồng cho trẻ.

Ngoài ra, công tác truyền thông trợ giúp pháp lý phải được tăng cường và tuyên truyền đúng đối tượng, phải giúp người dân hứng thú, tích cực tham gia các buổi truyền thông pháp lý để từ đó giáo dục, bảo vệ con em mình một cách hữu hiệu. Ngoài những buổi truyền thông công khai, cũng nên tổ chức các buổi tư vấn riêng, có luật sư và nhân viên trợ giúp pháp lý trò chuyện và định hướng cho các em một cách cụ thể, sát với hoàn cảnh từng em. Muốn được như vậy, vai trò của các trung tâm, tổ chức làm công tác trợ giúp pháp lý cần được chú trọng hơn nữa.

Huỳnh Tấn Đạt - Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước TPHCM
Nhã Chân (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI