Ngăn chặn tách thửa đất biến tướng: Nơi từ chối, chỗ không nghiêm

15/06/2017 - 07:53

PNO - Quyết định 33 quy định về việc phân lô tách thửa, bên cạnh những bất cập đã giải quyết lớn nhu cầu nhà ở cho người dân. Do đó cần quản lý tốt việc này để mọi người đều có cơ hội tiếp cận đất ở hợp pháp.

Đây là ý kiến được nhiều sở, ngành, quận, huyện đưa ra tại cuộc họp “ngăn chặn tách thửa biến tướng” tổ chức ngày 14/6.  

Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, vừa qua, sở đã tổ chức bảy đoàn kiểm tra việc phân lô tách thửa cho thấy, thực tế hiện nay các quận, huyện giải quyết phân lô tách thửa chưa đúng tình thần Quyết định 33 (QĐ 33).

Một số quận, huyện từ chối tách thửa chính đáng cho người dân làm ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Trong khi nhiều trường hợp khác quản lý không nghiêm, khiến nhiều khu vực phân lô tách thửa không đảm bảo hạ tầng, tương lai hình thành những khu dân cư “ổ chuột” mới. Nhà nước lại tốn tiền đi cải tạo tiếp. 

Ngan chan tach thua dat bien tuong: Noi tu choi, cho khong nghiem
Đất phân lô bán nền nếu quản lý tốt có thể đáp ứng tốt nhu cầu đất ở cho người thu nhập thấp

Trong khi đó, người thu nhập thấp vẫn có nhu cầu lớn về đất ở, đây là một thực tế. Khu dân cư phân lô bán nền cơ bản vẫn đáp ứng yêu cầu về hạ tầng, thủ tục làm nhanh hơn, giá cả phải chăng. Trong thời gian qua đã đáp ứng tốt nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp. Vì vậy, đây là quy định cần thiết nhưng vấn đề cần quản lý như thế nào tránh tình trạng phân lô bán nền biến tướng, phá nát quy hoạch chung. 

Theo ông Nguyễn Gia Thái Bình - Phó Chủ tịch UBND Q.Bình Tân, từ khi QĐ 33 quy định về diện tích tối thiểu khi tách thửa trên địa bàn TP.HCM đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở cho người dân. Bởi đất quy hoạch dự án 1/500 thủ tục kéo dài rất lâu, giá bán cao, người có thu nhập trung bình khó với tới. 

Theo ông Bình, quy định hiện nay không rõ ràng: có nơi yêu cầu phải có hạ tầng xã hội, nơi khác lại yêu cầu phải có cây xanh, có nơi lại không yêu cầu... khiến mỗi quận, huyện hiểu một kiểu. Trong khi chủ đất phân lô để bán nền chỉ quan tâm lợi nhuận, đầu tư hạ tầng kém dẫn đến người dân vào ở không đáp ứng nhu cầu hoặc môi trường sống rất tệ.   

Đại diện UBND huyện Bình Chánh phân trần: “QĐ 33 quy định rất chung. Trong khi người dân lách luật rất hay. Chẳng hạn, quy định người có đất từ 2.000 m2 trở lên phải lập dự án. Người dân đã lách luật bằng cách chỉ chuyển mục đích tách thửa 1.999 m2, tiếp theo họ chuyển thêm một thửa đất có diện tích như vậy. Nên quy định chẳng ràng buộc được gì”. 

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, Luật đất đai hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở cho người dân. Trong khi đó, QĐ 33 ra đời trong thời gian qua đã giải quyết được lượng lớn nhu cầu nhà ở cho người dân. Vì vậy, nếu quản lý tốt, QĐ 33 không chỉ góp phần giải quyết chỗ ở cho người dân mà còn góp phần giải quyết tình trạng xây nhà không phép, nhà sở hữu chung... Bởi khi đó đất phân lô bán nền có hạ tầng tốt, pháp lý rõ ràng, giá cả lại hợp túi tiền với nhiều đối tượng có nhu cầu nhà ở. 

Phan Trí

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI